Post Views: 28
Theo quy định hiện hành, các chi phí mua hàng hóa và dịch vụ có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Khi nào phải thanh toán không dùng tiền mặt?
Về cơ bản, chi phí mua vào có hóa đơn (Hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng) với tổng số tiền (gồm cả thuế) từ 20 triệu trở lên thì phải thanh toán không dùng TM.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp Danh mục quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và báo cáo Chính phủ theo đúng thời hạn yêu cầu tại Nghị quyết số 02. Theo Danh mục, có thể thấy các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng hiện nay tập trung ở 6 lĩnh vực với 13 loại giao dịch. Trong đó, lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ Tài chính gồm thuế, chứng khoán, thu – chi ngân sách nhà nước, tài chính doanh nghiệp. Lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của NHNN gồm hoạt động của tổ chức sử dụng vốn nhà nước, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Trong lĩnh vực thuế
Các giao dịch phải thanh toán qua ngân hàng được quy định chi tiết trong Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời được quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 14/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định về điều kiện khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt và Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục áp dụng đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, các giao dịch phải thanh toán qua ngân hàng được hưởng các chính sách về thuế gồm: (a) Hàng hóa, dịch vụ mua vào (trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng), hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) để người nộp thuế giá trị gia tăng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng; (b) Hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ TTKDTM theo quy định của pháp luật) phải có chứng từ TTKDTM để được trừ chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp; (c) Nguyên liệu mua trực tiếp của nhà sản xuất trong nước phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế tiêu thu đặc biệt; hàng hoá do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài gồm hàng hoá bán và gia công cho doanh nghiệp chế xuất (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi bán cho doanh nghiệp chế xuất; hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế; hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm ở nước ngoài) phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào.
Trong lĩnh vực chứng khoán
Trong lĩnh vực chứng khoán, các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng gồm có thanh toán giao dịch chứng khoán, thanh toán giao dịch trái phiếu Chính phủ và thanh toán giao dịch chứng khoán cho khách hàng của công ty chứng khoán. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng đối với các giao dịch này là Luật Chứng khoán, Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính gồm Thông tư số 46/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 hướng dẫn hoạt động thanh toán giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương và Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 hướng dẫn thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán.
Lĩnh vực thu - chi ngân sách nhà nước
Lĩnh vực thu – chi ngân sách nhà nước có các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng gồm nộp ngân sách nhà nước và thanh toán các khoản chi của đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước (KBNN). Về thu, các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện nộp ngân sách nhà nước bằng hình thức TTKDTM hoặc nộp bằng tiền mặt tại NHTM để chuyển nộp vào tài khoản của KBNN; đối với các cá nhân và các đơn vị, tổ chức khác khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước phải ưu tiên thanh toán bằng hình thức TTKDTM. Về chi, khoản chi của các đơn vị giao dịch với KBNN được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN tới tài khoản của người cung cấp hàng hóa dịch vụ, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người thụ hưởng khác tại KBNN hoặc ngân hàng, trừ những trường hợp được phép chi bằng tiền mặt. Danh sách các giao dịch thu, chi ngân sách cụ thể được quy định tại Nghị định số 222/2013/NĐ-CP; Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 và Thông tư số 136/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu – chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN.
Lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp và các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau đều phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Đây là quy định tại Nghị định số 222/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính như Thông tư số 09/2015/TT-BCT ngày 29/01/2015 hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Tổ chức sử dụng vốn Nhà nước
Trong hoạt động của tổ chức sử dụng vốn nhà nước, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, căn cứ Nghị định số 222/2013/NĐ-CP, NHNN đã ban hành Thông tư số 33/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định các giao dịch mà tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt, trừ 5 loại giao dịch sau: (a) Thanh toán tiền thu mua nông, lâm, thủy sản, dịch vụ và các sản phẩm khác cho người dân trực tiếp sản xuất, đánh bắt, khai thác bán ra mà chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; (b) Thanh toán công tác phí, trả lương và các khoản thu nhập khác cho người lao động chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; (c) Các khoản thanh toán để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bí mật Nhà nước; (d) Bên thanh toán thực hiện việc thanh toán hoặc bên được thanh toán nhận thanh toán tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khu vực nông thôn nơi chưa có tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; (e) Khoản thanh toán với giá trị dưới 20 triệu đồng, trừ trường hợp các khoản thanh toán trong ngày có giá trị dưới 20 triệu đồng cho cùng một mục đích, một đối tượng thanh toán nhưng tổng các khoản thanh toán này lớn hơn 20 triệu đồng.
Giải ngân vốn vay
Một lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của NHNN có các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng là giải ngân vốn vay. Căn cứ Nghị định số 222/2013/NĐ-CP và hướng dẫn của NHNN tại Thông tư số 21/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giải ngân vốn vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng nếu bên thụ hưởng là pháp nhân hoặc bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, việc giải ngân vốn vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay cũng phải thực hiện khi (a) Khách hàng thanh toán, chi trả cho mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng; (b) Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật và (3) Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ chức hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.
Ví dụ minh họa
Ví dụ, giả sử doanh nghiệp trong kỳ có
- Doanh thu tính thuế GTGT: 80.000.000 đ, thuế GTGT 10% (8.000.000 đ)
- Chi phí mua vào chưa gồm thuế GTGT: 100.000.000 đ, thuế GTGT 10% (10.000.000 đ).
Chúng ta so sánh 02 trường hợp
Các trường hợp |
Trường hợp 1: Hóa đơn đầu vào này được thanh toán bằng tiền mặt |
Trường hợp 2: Hóa đơn đầu vào này được thanh toán qua ngân hàng |
Nghĩa vụ thuế GTGT |
Thuế GTGT = Thuế GTGT đầu ra (8.000.000 đ) – Thuế GTGT đầu vào (0 đ) = 8.000.000 đ
|
Thuế GTGT = Thuế GTGT đầu ra (8.000.000 đ) – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (10.000.000 đ) = -2.000.000 đ
(Còn được khấu trừ chuyển sang kỳ sau 2.000.000 đ)
|
Nghĩa vụ thuế TNDN |
Thuế TNDN = [(Doanh thu 80.000.000 đ) – Chi phí (0 đ)] x Thuế suất 20% = 80.000.000 đ x 20% = 16.000.000 đ
|
Thuế TNDN = 0 do Thu nhập chịu thuế = [(Doanh thu 80.000.000 đ) – Chi phí (100.000.000 đ)] = -20.000.000 đ
(Còn được chuyển lỗ sang kỳ sau 20.000.000 đ)
|
Như vậy, với trường hợp 1, cả khoản thuế GTGT đầu vào (10.000.000 đ) và cả khoản chi phí mua vào (100.000.000 đ) đều không được trừ cho mục đích tính thuế gây ra thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp.
Xem thêm ví dụ này tại
Lập tờ khai thuế GTGT giá trị gia tăng 01/GTGT (Có ví dụ minh họa)
Các loại chứng từ thanh toán hợp lệ?
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 15/2024/TT-NHNN quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Xem tại
Thanh toán không dùng tiền mặt như thế nào để phù hợp với luật thuế?
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (Non-cash payment)
Thanh toán bằng tiền mặt sau đó chuyển khoản lại cho bên bán được không?
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam
Youtube: https://www.youtube.com/@congtytnhhmanaboxvietnam6227
Tiktok: https://www.tiktok.com/@manabox.ketoanthue
Gia nhập Manabox từ 2017 và hiện đang đảm nhận vai trò làm Giám đốc vận hành, với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả cả về phương diện tình huống thực tiễn và cả góc độ quy định pháp lý.