Việt Nam hiện đã ban hành Chuẩn mực kế toán số 03- Tài sản cố định hữu hình (VAS 03) tương ứng với Chuẩn mực kế toán quốc tế về tài sản cố định hữu hình (IAS 16). Khi so sánh VAS và IFRS, so với VAS 03, IAS 16 có một số điểm khác biệt sau đây:
Nội dung bài viết
Về phạm vi áp dụng khi so sánh VAS và IFRS về Tài sản cố định hữu hình
IAS 16 không áp dụng đối với Tài sản sinh học liên quan đến các hoạt động nông nghiệp; TSCĐ hữu hình được phân loại là tài sản dài hạn nắm giữ để bán. Do Việt Nam chưa ban hành chuẩn mực riêng cho các tài sản trên nên vẫn áp dụng theo VAS 03, dẫn đến các tài sản chưa được phản ánh đúng bản chất và đặc thù, trong một số trường hợp không có căn cứ để xác định giá trị, như:
– TSCĐ hữu hình được phân loại là tài sản dài hạn nắm giữ để bán trong điều kiện hoạt động không liên tục: Trong một số trường hợp, khi doanh nghiệp không còn dự kiến tiếp tục hoạt động, các TSCĐ không còn được sử dụng để tạo ra lợi ích kinh tế như trong điều kiện thông thường mà thay vào đó các tài sản này nằm ở trạng thái sẵn sàng để bán. Điều này dẫn đến cách thức thu hồi tài sản có sự khác biệt về bản chất (thu thanh lý) so với các TSCĐ khác và vì vậy, việc áp dụng các nguyên tắc kế toán của TSCĐ hữu hình không còn phù hợp.
– Tài sản sinh học liên quan đến các hoạt động nông nghiệp: Các tài sản này như cây công nghiệp (cao su, hạt tiêu, café..) hoặc súc vật sinh sản (bò sữa, lợn giống…) có đặc điểm khác các TSCĐ thông thường do có thể sinh sôi nảy nở thêm trong quá trình sinh trưởng và dẫn đến các chi phí liên quan trực tiếp đến chăn nuôi, vun trồng không phản ánh được giá trị của các tài sản loại này. IAS 41 yêu cầu những tài sản sinh học phải được ghi nhận theo giá trị hợp lý trừ chi phí bán trong khi TSCĐ yêu cầu ghi nhận theo giá gốc là các chi phí liên quan trực tiếp tới việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Do đó việc không loại trừ tài sản sinh học ra khỏi VAS 03 làm cho các tài sản này chưa được phản ánh đúng bản chất trên báo cáo tài chính.
– Quyền sử dụng đất: Theo IAS 16, quyền sử dụng đất được kế toán là TSCĐ hữu hình trong khi Việt Nam đang kế toán là TSCĐ vô hình với lí do đây là quyền sử dụng. Tuy nhiên, đất là một tài sản có hình khối cụ thể nên việc phân loại như Việt Nam do ảnh hưởng của tên gọi là chưa phù hợp với bản chất của tài sản. Mặt khác, nếu đất sử dụng để cho thuê lại được phân loại là bất động sản đầu tư cùng với cơ sở hạ tầng như một tài sản hữu hình dẫn đến việc phân loại tài sản là đất tại Việt Nam chưa nhất quán.
– Giá trị tài nguyên, khoáng sản hoặc các quyền về khoáng sản và dự trữ khoáng sản như dầu, khí tự nhiên và các nguồn tài nguyên không thể tái tạo tương tự có nhiều đặc điểm kinh tế, kỹ thuật khác biệt với các ngành sản xuất khác. Do khoáng sản thường nằm dưới lòng đất, biển nên các chi phí tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng và khai thác có những đặc thù theo quy định của ngành khai khoáng. Việc ghi nhận, đánh giá và xác định giá trị các mỏ cần xem xét đến cả yếu tố trữ lượng và hiệu quả kinh tế, ví dụ như nếu trữ lượng không đủ để vận hành thương mại thì mỏ không đủ điều kiện khai thác, vì vậy phải có một Chuẩn mực kế toán riêng để điều chỉnh các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.
Về nguyên giá khi so sánh VAS và IFRS về Tài sản cố định hữu hình
– VAS 03 chưa đề cập đến các khoản ước tính ban đầu của chi phí phá hủy, điều chuyển tài sản, hoàn trả mặt bằng và khôi phục hiện trạng khi mua tài sản được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình như quy định của IAS 16.
Các khoản ước tính ban đầu của chi phí phá hủy, điều chuyển tài sản, hoàn trả mặt bằng và khôi phục hiện trạng phát sinh khi mua hoặc sử dụng tài sản thường là các nghĩa vụ pháp lý và không thể tránh khỏi tại thời điểm cuối vòng đời tài sản. Ví dụ tập đoàn Than có nghĩa vụ hoàn nguyên môi trường sau khi khai thác than và bô xít; Tập đoàn dầu khí có trách nhiệm thu dọn mỏ sau khi khai thác dầu ngoài khơi. Nếu các chi phí này không được dự tính trước để tính vào nguyên giá TSCĐ và khấu hao dần thì doanh nghiệp sẽ không có đủ nguồn lực để trang trải, tạo ra những rủi ro tài chính trong giai đoạn nhất định.
– Theo thông lệ quốc tế, việc phân loại một tài sản là TSCĐ hay công cụ, dụng cụ phụ thuộc vào cách thức sử dụng tài sản của doanh nghiệp chứ không phụ thuộc vào nguyên giá của nó. Ví dụ nhà máy sửa chữa ô tô có một dụng cụ chuyên dụng để sửa chữa ô tô nhưng theo quy định của Việt Nam, nếu giá trị vượt quá 30 triệu thì bắt buộc phải kế toán là TSCĐ chứ không được kế toán là công cụ, dụng cụ cho dù công ty sử dụng là tài sản đó là một công cụ lao động bình thường, điều này làm cho tài sản không được phản ánh đúng bản chất của nó.
Về xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu khi so sánh VAS và IFRS về Tài sản cố định hữu hình
Theo IAS 16, TSCĐ hữu hình của doanh nghiệp có thể được ghi nhận và trình bày theo mô hình giá gốc hoặc mô hình đánh giá lại. Tuy nhiên, VAS 03 hiện nay chỉ mới quy định việc ghi nhận ban đầu và sau ghi nhận ban đầu của TSCĐ hữu hình đều theo mô hình giá gốc mà chưa có hướng dẫn về ghi nhận và trình bày TSCĐ hữu hình theo mô hình đánh giá lại ngoại trừ trường hợp cổ phần hóa, mang tài sản đi góp vốn hoặc giải thể, chia tách, sáp nhập.
Chúng ta đều biết TSCĐ có giá trị và giá trị sử dụng. Trong một số trường hợp, giá trị của TSCĐ có sự khác biệt rất lớn so với giá trị sử dụng và nếu TSCĐ luôn được ghi nhận theo giá gốc trừ khấu hao lũy kế thì có thể không phản ánh đúng năng lực của doanh nghiệp. Ví dụ: Trong vụ việc của Vinalines, giá gốc của ụ nổi 83M có thể là hàng trăm tỉ tuy nhiên lợi ích kinh tế hay nói cách khác là giá trị sử dụng mà Vinalines có thể nhận được từ việc sử dụng ụ nổi thấp hơn giá gốc của nó rất nhiều. Ngược lại, một số TSCĐ là bất động sản có thể gia tăng giá trị và nếu không được nhìn nhận một cách hợp lý thì không đánh giá đúng tiềm lực của doanh nghiệp. Như vậy, nếu TSCĐ luôn chỉ được ghi nhận theo mô hình giá gốc mà không được xem xét đánh giá lại thì trong những trường hợp này rõ ràng báo cáo tài chính không thể cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng để đánh giá và đưa ra các quyết định một cách phù hợp với thực tiễn.
Về giảm giá trị tài sản
VAS 03 hiện nay chưa đề cập đến việc ghi nhận tổn thất do suy giảm giá trị TSCĐ hữu hình. Việc thiếu quy định về ghi nhận tổn thất tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp vì trong một số tình huống, giá trị còn lại của TSCĐ cao hơn rất nhiều so giá trị có thể thu hồi, thực chất doanh nghiệp đã rỗng ruột nhưng sổ sách thì vẫn phản ánh tài sản, tạo ra tình trạng lãi giả – lỗ thật. Mặt khác, việc chưa quy định về ghi nhận tổn thất tài sản là vi phạm một trong các nguyên tắc kế toán cơ bản là tài sản không ghi cao hơn giá trị có thể thu hồi, đơn giản vì nếu ghi cao hơn là ghi khống, đồng thời vi phạm nguyên tắc thận trọng của kế toán.
Về thời gian khấu hao
Do khấu hao phụ thuộc vào cách thức sử dụng và thu hồi tài sản của từng doanh nghiệp nên thông lệ quốc tế không quy định cụ thể về thời gian khấu hao như tại Việt Nam. Mặt khác nguyên tắc chung là tài sản đã hết khấu hao thì không tiếp tục khấu hao nữa nên doanh nghiệp trong mọi trường hợp chỉ thu hồi đủ chi phí là phải dừng khấu hao nên cho dù doanh nghiệp được tự quyết định thời gian khấu hao thì xét về tổng thể cũng không làm ảnh hưởng đến mức thu hồi tài sản.
Trên đây là một số so sánh VAS và IFRS về Tài sản cố định hữu hình.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Việt Anh gia nhập Manabox từ năm 2017 và hiện đang làm Giám đốc vận hành tại Manabox Việt Nam. Với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả.