Các khoản đóng bhxh bắt buộc mới nhất

Các khoản như xăng xe, điện thoại, ăn trưa, đồng phục…. có thuộc các khoản đóng bhxh bắt buộc theo quy định mới nhất không? Theo nghị định 158/2025/NĐ-CP về BHXH, các khoản mục cụ thể phải đóng BHXH theo luật BHXH 2024 không được liệt kê. Vậy nội dung đó quy định như thế nào?

Theo quan điểm của Manabox, các khoản như xăng xe, điện thoại, ăn trưa, đồng phục…. không tính vào lương để đóng BHXH vì đó là các khoản bổ sung khác phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động. Doanh nghiệp nên quy định vào quy chế tài chính nội bộ và quy chế lương thưởng các loại phụ cấp/ trợ cấp này (định nghĩa loại phụ cấp/ trợ cấp, đối tượng được trả phụ cấp/ trợ cấp, điều kiện được nhận phụ cấp/ trợ cấp, thời hạn được phụ cấp/ trợ cấp,…) để làm rõ tính chất của khoản trợ cấp/ phụ cấp này phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động

Phụ cấp và trợ cấp khác nhau như thế nào?

Điều 7. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội và được quy định chi tiết như sau:

1. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, trong đó:

a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh tính theo thời gian (theo tháng) của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương tại điểm a khoản này chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không bao gồm khoản phụ cấp lương phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động;

c) Các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương theo quy định tại điểm a khoản này, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương; không bao gồm các khoản bổ sung khác phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động.

2. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội là tiền lương tính trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

Trường hợp trong hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo giờ thì tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo giờ nhân với số giờ làm việc trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Trường hợp trong hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo ngày thì tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo ngày nhân với số ngày làm việc trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

Trường hợp trong hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo tuần thì tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo tuần nhân với số tuần làm việc trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

3. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội là mức phụ cấp hằng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trường hợp mức phụ cấp hằng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất quy định tại điểm d khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội.

4. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội là tiền lương mà đối tượng này được hưởng theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng ngoại tệ thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính bằng Đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân của tỷ giá mua vào theo hình thức chuyển khoản của Đồng Việt Nam với ngoại tệ do 4 Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước công bố tại thời điểm cuối ngày của ngày 02 tháng 01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01 tháng 07 cho 06 tháng cuối năm, trường hợp các ngày này trùng vào ngày lễ, ngày nghỉ thì lấy tỷ giá của ngày làm việc tiếp theo liền kề.

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam
Nhóm Zalo để thảo luận Miễn phí và hỗ trợ mùa quyết toán: https://zalo.me/g/ryjjoq044
 

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.