Giải quyết vấn đề là một trong những kĩ năng cần thiết cho mỗi con người trong cuộc sống hiện đại. Sự thay đổi nhanh chóng, sự phức tạp trong tương tác giữa các sự vật, hiện tượng đặt ra cho con người ngày càng nhiều khoảng trống để khám phá. Sở hữu các kĩ năng giải quyết vấn đề cho phép chúng ta mở rộng vùng nhận thức của con người, để đưa ra các quyết định chính xác hơn trong quá trình làm việc cũng như trong cuộc sống.
Nội dung bài viết
Ma trận về Nhận thức và Thực tiễn
Ma trận Nhận thức và Thực tiễn ( Known – Unknown Matrix) cung cấp cho chúng ta một góc nhìn khái quát về khoảng cách giữa nhận thức của mình và thế giới xung quanh như nó vốn có. Nhận thức là sự phản ảnh thế giới vào suy nghĩ của con người, do đó nhận thức đó tồn tại các trạng thái sau:
- Trạng thái Known-Known: Chúng ta phản ánh đúng các vấn đề của thực tế. Khi các vấn đề gặp phải rơi vào vùng này, chúng ta xử lý thông tin dễ dàng nhất, nhanh nhất và đưa ra các quyết định chính xác nhất.
- Trạng thái Known – Unknown: Chúng ta ý thức được sự thiếu cơ sở, thiếu thông tin. Khi vấn đề rơi vào vùng này, phản xạ của chúng ta là thận trọng, từ đó chúng ta đi tìm kiếm sự hỗ trợ của những nguồn thông tin xung quanh mình: tham khảo kinh nghiệm bạn bè đồng nghiệp, xin tham vấn từ chuyên gia, tìm hiểu trên các công cụ tìm kiếm, đọc tài liệu.
- Trạng thái Unknown – Known: Chúng ta tin tưởng vào nhận thức của bản thân tuy nhiên những nhận thức đó có thể phản ánh chưa chính xác, chưa đầy đủ thực tiễn. Chúng ta hình thành các thiên kiến và suy đoán dựa trên các các thiên kiến đó. Khi các vấn đề rơi vào vùng này, chúng ta cũng nhanh chóng đưa ra được quyết định nhưng cùng với đó là rủi ro cao tiềm ẩn trong kết quả cuối cùng.
- Trạng thái Unknown – Unknown: Chúng ta không nhận thức được sự tồn tại của thông tin. Những vần đề rơi vào vùng tối này nằm ngoài mọi tính toán, mọi giả thiết của bản thân chúng ta. Với trạng thái này, chúng ta hiếm khi có một quyết định hướng tới xử lý vấn đề.
Tóm lại, khi vấn đề rơi vào vùng nhận thức đúng, dù là biết hay chưa biết, chúng ta có cách hành xử phù hợp và khả năng cao sẽ đạt được mục đích. Ngược lại, khi vấn đề rơi vào vùng không nhận thức được, các quyết định sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn. Trong thực tế, đa phần các vấn đề thường rơi vào vùng không nhận thức được, do đó chúng ta cần có các biện pháp để giảm thiểu những sai sót từ nguyên nhân này trong quá trình giải quyết vấn đề.
Phương pháp INQUIRE
INQUIRE là một công cụ giúp chúng ta tiếp cận và nhận thức vấn đề một cách khoa học hơn, giảm thiểu những rủi ro trong việc đưa ra quyết định sai. Có nhiều mô tả liên quan đển phương pháp INQUIRE tuy nhiên, điểm chung của các mô tả đều liệt kê các nội dung cơ bản bao gồm:
-
Đặt câu hỏi và xây dựng các giả thiết: Phương pháp khuyến khích đặt câu hỏi, diễn đạt những thắc mắc và xác định vấn đề hoặc thách thức mà chúng ta phải đối mặt.
- Thu thập chứng cứ xác thực để trả lời các câu hỏi: Việc thu thập các chứng cứ xác thực sẽ giúp chúng ta tránh được các thiên kiến trong nhận thức.
- Phân tích các dữ liệu thu thập được trong quá trình nghiên cứu: Trong thời đại 4.0, dữ liệu trở nên sẵn có, do đó điều cần thiết là tổng hợp và phân tích dữ liệu, phát hiện các mối liên hệ, các xu hướng, đưa ra thông tin có giá trị từ khối lượng dữ liệu khồng lồ.
- Kết nối vấn đề mới với các lý thuyết sẵn có: Bên cạnh dữ liệu, các kiến thức nền tảng cũng là công cụ để tiếp cận với các vấn đề mới.
- Đưa ra các trình bày và biện luận cho kết luận: Từ quá trình phân tích, xây dựng các lập luận chắc chắn, logic cho những phát hiện mới.
Kết luận
Khoảng cách từ nhận thức và thực tiễn đặt ra một thách thức lớn đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các vấn đề mới liên tục phát sinh. Chúng ta cần trang bị những công cụ tư duy hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro, gia tăng giá trị của nguồn lực tri thức.
Manalabo Dep.
Sáng tạo nội dung của Bộ phận Manalabo, Công ty TNHH Manabox Việt Nam