Dịch vụ cho thuê lại lao động là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được mô tả trong Luật Lao động 2019. Cũng Manabox tìm hiểu các vấn đề cơ bản về loại hình dịch vụ này.
Nội dung bài viết
Cho thuê “lại” lao động là gì?
Trong quan hệ lao động thông thường, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) thống nhất với nhau về nội dung công việc trên cơ sở hợp đồng lao động. Nhưng trong quan hệ lao động của dịch vụ cho thuê lại, NLĐ sau khi ký kết hợp đồng với NSDLĐ sẽ thực hiện công việc dưới sự quản lý và giám sát của bên thứ ba thuê lại lao động. Vì quan hệ đặc biệt này, Luật Lao động 2012 và nay là Luật Lao động 2019 bổ sung các quy định nhằm điều chỉnh hoạt động cho thuê lại.
Điêu 52, Luật Lao động 2019 định nghĩa:
Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
Dịch vụ cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Do quyền lợi của NLĐ có thể bị ảnh hưởng trong quan hệ lao động phức tạp, nhà làm luật đã phân loại hoạt động dịch vụ cho thuê lại lao động vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện đặc thù để có thể để được cấp phép kinh doanh, bao gồm:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định; không có án tích; đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 02 tỷ đồng.
(Điều 21, Nghị định 145/2020/NĐ-CP)
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:
- Đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp
- Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Văn bản chứng minh thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Giấy chứng nhận tiền ký quỹ
Chế tài xử phạt liên quan
Các quy định liên quan tới vi phạm trong cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động được chi tiết tại Điều 13, Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Điều 13. Vi phạm quy định về cho thuê lại lao động
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không thông báo hoặc không hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết một trong các nội dung sau: nội quy lao động; các yếu tố nguy hiểm; yếu tố có hại; các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và các quy chế khác của mình;
b) Không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật;
c) Không kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người bị nạn; không khai báo hoặc điều tra tai nạn khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật;
d) Phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động thuê lại để làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;
b) Sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hoặc Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực;
c) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
d) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ; vì lý do kinh tế hoặc chia; tách; hợp nhất; sáp nhập;
đ) Chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác;
e) Sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
g) Sử dụng lao động thuê lại không thuộc một trong các trường hợp sau: đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động;
b) Không báo cáo tình hình cho thuê lại lao động theo quy định của pháp luật;
c) Không niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính và bản sao được chứng thực từ bản chính giấy phép tại các chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có) của doanh nghiệp cho thuê lại;
d) Không gửi bản sao chứng thực giấy phép đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đến hoạt động trong trường hợp doanh nghiệp sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động;
đ) Không phối hợp với bên thuê lại lao động trong việc điều tra tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật;
e) Không thông báo cho người lao động thuê lại các nội dung về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động;
g) Không cử người thường xuyên giám sát, phối hợp hoặc kiểm tra việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại của bên thuê lại lao động.
4. Phạt tiền đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động có một trong các hành vi: trả lương cho người lao động thuê lại thấp hơn tiền lương của người lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau của bên thuê lại lao động; không thực hiện đúng các chế độ với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; không thông báo hoặc thông báo sai sự thật cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hoạt động cho thuê lại lao động mà không có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động;
b) Sử dụng giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực để thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động.
6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động để hoạt động cho thuê lại lao động;
b) Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;
c) Cho thuê lại lao động đối với người lao động vượt quá 12 tháng;
d) Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp; gia hạn; cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đã được cấp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
e) Giả mạo Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
g) Giả mạo văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp; gia hạn; cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
h) Không đảm bảo một trong các điều kiện để được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
8. Hình thức xử phạt bổ sung
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c khoản 6 Điều này;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 6, khoản 7 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc doanh nghiệp cho thuê lại lao động trả khoản tiền lương chênh lệch cho người lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thuê lại thấp hơn tiền lương của người lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau của bên thuê lại lao động quy định tại khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;
c) Buộc nộp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép đó khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6 Điều này.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
Đăng ký Webinar định kì của Manabox Việt Nam tại => https://manaboxvietnam.com/dang-ky-tham-du-webinar-dinh-ki/
_______________
Manalabo Dep.
Sáng tạo nội dung của Bộ phận Manalabo, Công ty TNHH Manabox Việt Nam