Tình huống mua hàng hoá của tổ chức nước ngoài, hàng hoá được tổ chức nước ngoài Giao hàng tại kho ngoại quan (nhập vào kho ngoại quan và sau đó bán cho Doanh nghiệp tại khu phi thuế quan hoặc Doanh nghiệp khác tại Việt Nam) thì tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu.
Nội dung bài viết
Kết luận
Cần xem xét rõ vào tình hình thực tế của hợp đồng mua bán, trách nhiệm thuê kho ngoại quan để xác định:
- Trường hợp khách hàng nước ngoài sử dụng kho ngoại quan làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khách gia công thì khách hàng nước ngoài không phải nộp thuế TNDN tại Việt Nam
- Trường hợp khách hàng nước ngoài có hoạt động bán, phân phối hàng hóa từ kho ngoại quan vào nội địa theo quy định của pháp luật về thương mại thì khách hàng nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam, Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu của khách hàng trước khi thanh toán
- Thuế TNDN = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế 1%
Tình huống
Công ty Manabox (pháp nhân tại Việt Nam) và Công ty ManaJapan (pháp nhân tại Nhật Bản và công ty này thuê kho ngoại quan tại Việt Nam để lưu giữ hàng hóa). Công ty Manabox có ký hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty ManaJapan theo hình thức chuyển quyền sở hữu trong Kho ngoại quan, sau đó Công ty Manabox bán hàng hóa này cho doanh nghiệp Việt Nam, giao tại kho ngoại quan, các khách hàng này sẽ tự mở tờ khai nhập khẩu, nộp thuế nhập khẩu theo quy định.
Công ty Manabox Việt Nam phải khấu trừ phần thuế nhà thầu và nộp thuế thay công ty ManaJapan cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp với trường hợp mua hàng hoá của tổ chức nước ngoài, hàng hoá được tổ chức nước ngoài nhập vào kho ngoại quan và sau đó Công ty Manabox bán cho Doanh nghiệp tại khu phi thuế quan hoặc Doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Cơ sở pháp lý
- Căn cứ khoản 13 Điều 4 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 được Quốc hội nước CHXNCH Việt Nam và khoản 7 Điều 4 Chương I Luật Biên giới quốc gia số 06/2003/QH11 thì Kho ngoại quan không phải là cửa khẩu
- Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, tại khoản 1, khoản 5 Điều 1 Chương I quy định về đối tượng áp dụng của Thông tư: “…5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại…”
- Tại khoản 5 Điều 2 quy định về đối tượng không áp dụng của Thông tư: “5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công.”
- Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội.
- + Tại Điều 3 giải thích một số từ ngữ: “8. Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
- + Tại Điều 62 quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa: “Điều 62. Thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa: Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao…”
- + Tại Điều 241 quy định quá cảnh hàng hóa: “Điều 241. Quá cảnh hàng hóa: Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh.”
- + Tại Điều 242 quy định quyền quá cảnh hàng hóa: “Điều 242. Quyền quá cảnh hàng hóa…3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn quá cảnh hàng hoá qua lãnh thổ Việt Nam phải thuê thương nhân Việt Nam kinh doanh dịch vụ quá cảnh thực hiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này. 4. Việc tổ chức, cá nhân nước ngoài tự mình thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam, thuê thương nhân nước ngoài thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh và giao thông vận tải.”
- Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, tại khoản 3 Điều 83 quy định: “Điều 83. Các dịch vụ được thực hiện trong kho ngoại quan: Chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho chủ kho ngoại quan hoặc đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện các dịch vụ sau đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan: …3. Chuyển quyền sở hữu hàng hóa”
Công văn tham khảo
Tham khảo công văn 6316/CT-HTr
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty CP XNK thiết bị và Công nghệ ký hợp đồng mua hàng với khách hàng nước ngoài có điều kiện giao hàng DAT Kho ngoại quan Vietrans Hải Phòng (Incoterms 2010) thì Công ty căn cứ vào tình hình thực tế của hợp đồng mua bán, trách nhiệm thuê kho ngoại quan để xác định:
– Trường hợp khách hàng nước ngoài có hoạt động bán, phân phối hàng hóa từ kho ngoại quan vào nội địa theo quy định của pháp luật về thương mại thì khách hàng nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam, Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu của khách hàng trước khi thanh toán.
– Trường hợp khách hàng nước ngoài sử dụng kho ngoại quan làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khách gia công thì khách hàng nước ngoài không phải nộp thuế TNDN tại Việt Nam.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________