Luật thực hiện dân chủ số 10/2022/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 10 tháng 11 năm 2022 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2023. Hãy cùng Manabox tìm hiểu các nội dung cơ bản và đánh giá các tác động có thể có tới thực hành kinh doanh tại Việt Nam.
Nội dung bài viết
Tổng quan
Luật thực hiện dân chủ thay thế Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã phường thị trấn năm 2007 và Nghị quyết 55/NQ-UBTVQH10 về ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan do Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành.
Do đó, điểm mới của Luật là đưa ra các yêu cầu về thực hiện dân chủ tại các “tổ chức có sử dụng lao động”. Trong khi các văn bản được thay thế có phạm vi là các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan Nhà nước, Luật thực hiện dân chủ yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước phải đảm bảo các quyền dân chủ cho người lao động. Luật hướng dẫn chi tiết các nội dung thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp Nhà nước như là hình mẫu để doanh nghiệp và tổ chức ngoài Nhà nước áp dụng.
Thực hiện dân chủ đối với doanh nghiệp
Luật yêu cầu các tổ chức phải đảm bảo quyền dân chủ của công dân, người lao động: đó là quyền được biết, được quyết đinh, được tham gia ý kiến và kiểm tra giám sát thực hiện dân chủ. Cụ thể hơn, tổ chức phải ban hành quy chế thực hiện dân chủ bảo đảm các nội dung sau.
Công khai thông tin trong doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần định kỳ thông tin tới người lao động các nội dung như tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình hoạt động của doanh nghiệp; công bố nội quy lao động, thang lương, bảng lương và các nội dung liên quan tới quyền và lợi ích của người lao đông;
Thời hạn công khai được ấn định: chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày có quyết định, các nội dung trên phải được công khai tới người lao động. Thông tin phải được đăng tại trên các kênh: niêm yết tại trụ sở hoặc hệ thống thông tin nội bộ liên tục trong ít nhất 20 ngày.
Cơ chế ra quyết định của người lao động
Doanh nghiệp cân xây dựng cơ chế để tổ chức cho người lao động được ra quyết định đối với các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bao gồm: thương lượng tập thể; tình hình lập, thu-chi, quản lý các quỹ đóng góp của người lao động và các nội dung khác.
Hình thức ra quyết định bao gồm Hội nghị người lao động hoặc Lấy ý kiến bằng văn bản trong trường hợp không thể tổ chức Hội nghị. Đối với Hội nghị người lao động, Luật yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp phải định kỳ tổ chức Hội nghị mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm tài chính, nhưng không chậm hơn 03 tháng của năm tiếp theo.
Thực hiên dân chủ tham gia ý kiến của người lao động
Đối với các nội dung như xây dựng nội quy, quy chế, quy định nội bộ có liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp phải tổ chức lấy ý kiến của người lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần được tổ chức lấy ý kiến theo đề nghị của tổ chức đại diện cho mình về thảo ước lao động tập thể và nội dung đối thoại tại doanh nghiệp.
Nội dung về “đối thoại tại doanh nghiệp” được đề cập trong Luật lao động 2019 và hướng dẫn chi tiết tại nghị định 145/2020/NĐ-CP. Doanh nghiệp cần nghiên cứu để áp dụng phù hợp.
Cơ chế kiểm tra, giám sát của người lao động
Doanh nghiệp phải đảm bảo quyền kiểm tra, giám sát của người lao động đối với việc thực hiện các thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp. Tại doanh nghiệp nhà nước, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp. Luật Thực hiện dân chủ hướng dẫn việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra tại doanh nghiệp.
Kết luận
Luật thực hiện dân chủ là một văn bản mới có hiệu lực, đưa ra các nội dung mới và chưa có các Nghị định hướng dẫn chi tiết về cách thức thực hiện cũng như chế tài xử lý. Doanh nghiệp cần nghiên cứu văn bản để xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện quy chế và theo dõi các hướng dẫn của Chính phủ và cơ quan quản lý để đảm bảo tuân thủ.
Trước đây việc thực hiện dân chủ quy định ở 03 nhóm đối tượng được điều chỉnh ở 03 văn bản khác nhau, cụ thể: ở xã, phường, thị trấn thì có Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì có Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như vậy, không chỉ thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn mà Luật còn điều chỉnh đến dân chủ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức có sử dụng lao động.
Luật năm 2022 đã nâng các quy định thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị ở Nghị định thành quy định trong Luật. Bên cạnh việc kế thừa các quy định của Nghị định 04/2015/NĐ-CP, Luật năm 2022 đã bổ sung Những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai như:
+ Tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được giao quản lý, sử dụng;
+ Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kế hoạch, chương trình đầu tư công của cơ quan, đơn vị, vốn bố trí theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công cho từng dự án; tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án; quyết toán vốn đầu tư công.
– Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 còn bổ sung quy định những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định như:
+ Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị.
+ Việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị ngoài các khoản đã được pháp luật quy định.
+ Nội dung nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
+ Các công việc tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Luật Thực hiện dân chủ cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Manalabo Dep.
Sáng tạo nội dung của Bộ phận Manalabo, Công ty TNHH Manabox Việt Nam