Để thu hút khách hàng mới và gia tăng trải nghiệm của khách hàng hiện hữu, việc doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại tỏ ra là một công cụ rất hữu hiệu. Hãy cùng Manabox tìm hiểu về các hình thức khuyến mại và các quy định liên quan đến hoạt động này.
Các hình thức khuyến mại
Theo của Nghị định 81/2018/NĐ-CP, các hình thức khuyến mại bao gồm:
- Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền
Đây là cách thức mà doanh nghiệp có thể lựa chọn nhằm đánh giá trải nghiệm và thăm dò nhu cầu của thị trường với sản phẩm dịch vụ hiện hữu cũng như sắp triển khai. Khách hàng khi tham gia chương trình không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ thanh toán nào. Doanh nghiệp tổ chức chương trình chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng mẫu, dịch vụ mẫu và phải thông báo cho khách hàng đầy đủ thông tin liên quan đến việc sử dụng hàng mẫu, dịch vụ mẫu.
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo.
Hình thức giảm giá cũng là hình thức phổ biến trong hoạt động khuyến mại. Do vấn đề giá được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ nên doanh nghiệp cần lưu ý: Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Với chương trình khuyến mại tập trung hoặc các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định thì mức giảm không vượt quá 100%. Doanh nghiệp không được giảm giá cho các mặt hàng và dịch vụ vượt quá quy định trong trường hợp các hàng hóa dịch vụ được Nhà nước ấn định giá hoặc xây dựng khung giá;…
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ
Doanh nghiệp dùng hình thức này để kích cầu tiêu dùng của khách hàng dưới dạng phát phiếu mùa hàng, phiếu sử dụng dịch vụ kèm theo. Giá trị tối đa của phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ được tặng kèm theo một đơn vị hàng hóa được bán, dịch vụ được cung ứng trong thời gian khuyến mại phải tuân thủ quy định hạn mức tối đa về giá trị vật chất dùng để khuyến mại. Trên phiếu mua hàng, doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình theo quy định pháp luật về khuyến mại.
- Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên,
Một hình thức nữa cũng rất phổ biến là chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác.
Ngoài ra còn nhiều hình thức khuyến mại khác theo quy định như:
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố
- Khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà quá trình thực hiện có sử dụng internet, phương tiện, thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin
Lưu ý khi triển khai chương trình khuyến mại.
Hoạt động khuyến mại được điều chỉnh bởi quy định của rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, khi triển khai hoạt động này, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được các yêu cầu cơ bản để đảm bảo tuân thủ, giảm rủi ro từ xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm về thuế.
Chương trình khuyến mại có giá trị trên 100 triệu đồng; chương trình khuyến mại không thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử website khuyến mại trực tuyến phải đăng ký với Sở Công thương nơi thực hiện trong vòng 03 ngày làm việc trước khi triển khai chương trình. Nếu vi phạm quy định về đăng ký chương trình khuyến mại, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 VNĐ đến 20.000.000 VNĐ; phạt tiền gấp 2 lần trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương trở lên
Về thuế Giá trị gia tăng, chương trình tặng quà cho khách hàng nếu không đăng ký với Sở Công thương, khi xuất dùng phải xuất hóa đơn với giá bán và thuế giá trị gia tăng như nghiệp vụ bán hàng thông thường. So với việc xuất hóa đơn với trị giá hàng bằng không đồng (0đ) trong chương trình khuyến mại có đăng ký, doanh nghiệp đã tự làm thất thoát phần thuế giá trị gia tăng từ việc không đăng ký chương trình.
Về mặt thuế thu nhập doanh nghiệp, việc hạch toán doanh thu, chi phí của các chương trình khuyến mại khác nhau cũng cần phải lưu ý. Việc xác định thời điểm ghi nhận doanh thu, chi phí sẽ ảnh hưởng tới thuế thu nhập của doanh nghiệp trong kỳ. Nếu xác định không chính xác, doanh nghiệp có thể sẽ phải gặp rắc rối với các khoản thuế và phạt do xác định thừa chi phí hoặc thiếu doanh thu trong kỳ, mà về bản chất là do ghi nhận sai thời điểm vắt qua kỳ quyết toán thuế.