Thương mại điện tử B2C có đặc trưng số lượng nghiệp vụ lớn, giá trị giao dịch đơn vị nhỏ, phong phú về hình thức chủng loại hàng hóa dịch vụ. Tại Việt Nam, giao dịch thương mại điện tử thực hiện mua sắm các dịch vụ trực tuyến, tải các ứng dụng trên các website nước ngoài làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến Thuế nhà thầu với mô hình B2C. Hãy cũng Manabox tìm hiểu về chính sách liên quan với giao dịch B2C.
Nội dung bài viết
Thuế nhà thầu với mô hình B2C
Bản chất thuế nhà thầu là thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc cá nhân và thuế giá trị gia tăng với đối tượng áp dụng là các nhà thầu, nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập trên lãnh thổ Việt Nam.
Dịch vụ quảng cáo và đào tạo trực tuyến cung cấp bởi nhà thầu nước ngoài là một trong những đối tượng chịu thuế. Khi các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng Google, Facebook hay tham gia các khóa học trực tuyến và thanh toán phí, khoản phí này được coi là thu nhập của nhà thầu nước ngoài và sẽ là cơ sở để tính thuế. Ngoài ra, các khoản phí phát sinh khi người dùng tải các ứng dụng có trả phí trên các cửa hàng trực tuyến như App Store, Galaxy Store cũng làm phát sinh nghĩa vụ thuế nhà thầu.
Thực trạng và giải pháp
Cơ quan thuế ý thức được rằng nếu không có khung pháp lý hoàn chỉnh và nhanh chóng hoàn thiện về công nghệ thì việc xác định, tính và thu thuế nhà thầu từ các giao dịch trực tuyến sẽ thiếu hiệu quả. Do đó, ngày càng nhiều các quy định, chính sách được đưa ra hướng tới quản lý chặt chẽ các giao dịch B2C.
Cụ thể, quy định quản lý yêu cầu nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế nhà thầu đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho các cá nhân tại Việt Nam. Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết quy trình thủ tục nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam trực tiếp đăng ký giao dịch thuế điện tử, khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Tham khảo Danh sách nhà thầu nước ngoài đăng ký thuế
Bên cạnh đấy, Cơ quan thuế quy định trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế nhà thầu cho các ngân hàng và các trung gian thanh toán trong trường hợp nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với thu nhập trong giao dịch B2C của nhà thầu.
Trường hợp không có căn cứ để khấu trừ và nộp thay, Cơ quan thuế cũng yêu cầu các ngân hàng và trung gian thanh toán “theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành”, theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Ứng xử của doanh nghiệp tham gia mô hình B2C
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia mô hình cung cấp dịch vụ B2C cần ý thức được rủi ro trong việc tuân thủ về quy định quản lý thuế. Với vai trò trung gian trong giao dịch giữa khách hàng cá nhân và nhà thầu nước ngoài, các đơn vị cần tìm hiểu, nghiên cứu và cập nhật các quy định và chính sách thuế để áp dụng, giảm thiểu rủi ro tuân thủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cũng cần phổ biến và hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký, kê khai và nộp thuế cho các đối tác là Nhà cung cấp nước ngoài.
Các tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên MXH cần cập nhật quy định về quản lý thuế, văn bản hướng dẫn thực hiện thuế nhà thầu để tuân thủ.
Nếu người mua là tổ chức, cá nhân không có yêu cầu bắt buộc thực hiện kê khai khấu trừ thuế thì nhà thầu nước ngoài phải kê khai, nộp thuế đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Trong trường hợp nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì có thể thông qua các đại lý thuế để kê khai, nộp thuế.