Hôm nay tôi đã chia sẻ cùng các nhân viên của Manabox về bài test này và cùng họ làm bài test này để xem đặc trưng tính cách của mỗi người như thế nào đó!
Bạn có thể làm bài test tại ĐÂY
Nội dung bài viết
Big Five Personality Test – Bài đánh giá 5 đặc trưng tính cách lớn là gì?
Bất kể bạn học chuyên ngành gì, nhất định khi tìm việc phải tìm 1 công việc mình yêu thích. Như vậy bạn mới có thể vui vẻ từ 6h sáng đến 8h tối được
Ai cũng biết rằng phải lựa chọn ngành nghề phù hợp với đặc trưng tính cách để mỗi ngày đi làm đều là 1 ngày vui vẻ, có thể cống hiến hết mình trong công việc, tận dụng được mọi điểm mạnh của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này. Có những người tính cách sôi nổi nhưng lại lựa chọn những công việc quá nhàm chán lặp đi lặp lại dẫn đến không còn sự sống, ham muốn cống hiến, có những người quá trầm tính, không thích ồn ào lại lựa chọn những công việc liên quan đến sự sáng tạo, cạnh tranh cao dẫn đến việc không thể tiến xa trong sự nghiệp được.
Nếu bạn biết được tính cách của mình, bạn sẽ biết được điểm mạnh của bản thân từ đó lựa chọn được sự nghiệp phù hợp với mình. Đó chính là lý do mà bài test này ra đời.
5 đặc trưng tính cách trong mỗi người
Các nhà khoa học tin rằng trong mỗi người ai cũng có năm yếu tố tính cách, đó chính là :
- Hướng ngoại (Extraversion)
- Tận tâm (Conscientiousness)
- Sẵn sàng trải nghiệm (Openness to experience)
- Dễ chịu, hoà đồng (Agreeableness)
- Tâm lý bất ổn (Neuroticism)
Chúng được thể hiện bởi sơ đồ như sau:
Mô hình O.C.E.A.N
Trong bài kiểm tra BIG GIVE, các yếu tố này không dán nhãn loại tính cách của bạn mà là kiểm tra xem bạn có bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu điểm cho từng mặt tính cách trong năm tính cách này. Ví dụ như việc sẽ cho bạn biết bạn có mức độ hướng ngoại cao hay thấp chứ không phải là phân loại bạn thành người hướng nội hay người hướng ngoại.
Hướng ngoại (Extraversion)
Yếu tố hướng ngoại phản ánh về khả năng giao tiếp, sáng tạo. Người có điểm hướng ngoại cao thường náo nhiệt và hoạt bát, dễ thích nghi với môi trường xung quanh. Họ phát triển tốt trong các tình huống tương tác xã hội và dễ dàng nêu ý kiến cá nhân trong tập thể. Họ có xu hướng được tiếp thêm năng lượng và trở nên hào hứng khi ở bên người khác.
Những người có điểm hướng ngoại thấp thường là người hướng nội. Họ có xu hướng thích ở một mình và hành động theo lý trí, khả năng đưa ra ý kiến dè dặt và thích lắng nghe hơn thể hiện bằng lời nói.
Tận tâm (Conscientiousness)
Yếu tố tận tâm là đặc điểm tính cách của sự cẩn thận, hay siêng năng. Nó phản ánh về sự sẵn sàng hợp tác, tránh tranh cãi với mong muốn làm tốt nhiệm vụ một cách nghiêm túc. Nó được đo lường các yếu tố như sự kiểm soát, kiềm chế và bền bỉ.
Những người đạt điểm cao về yếu tố tận tâm thường có kỷ luật cao, chu đáo và cẩn thận. Họ cũng kiểm soát xung động tốt khi có biến cố xảy ra. Những người đạt điểm thấp về tận tâm thường sẽ suy nghĩ và hành động theo quan điểm của bản thân như một con sói đơn độc, ít cẩn thận hơn dẫn đến khó khăn trong việc đạt được mục tiêu đặt ra.
Sẵn sàng trải nghiệm (Openness to experience)
Yếu tố sẵn sàng trải nghiệm là tò mò, thích thử thách những điều mới và độc đáo, tham gia vào quá trình tưởng tượng hay các hoạt động vận dụng trí tuệ ở mức độ cao.
Người có điểm cao ở yếu tố này thường là người thích những ý tưởng mới, có khả năng sáng tạo, có khiếu nghệ thuật, nhanh nhạy, thích hiểu biết nhiều lĩnh vực nhưng đồng thời cũng thích tự do, không thích bị ràng buộc. Tuy nhiên chính vì lẽ đó những người này thường dễ trở nên thiếu thực tế
Ngược lại, người có điểm thấp ở yếu tố này thường khá bảo thủ, khó tiếp nhận những ý tưởng mới, lạ. Họ thích làm việc và suy nghĩ dưới sự ổn định, quen thuộc và thực tế.
Dễ chịu, Hoà đồng (Agreeableness)
Yếu tố dễ chịu ở đây được nói đến như sự tin tưởng, vị tha, cảm thông. Nếu nói chung thì có thể hiểu đó là cách một người đối xử với những mối quan hệ với người khác trong xã hội. Không giống như người hướng ngoại là tập trung trong việc giao tiếp với người khác, Dễ chịu tập trung vào sự tương tác và định hướng con người.
Những người có điểm ở yếu tố này ở mức cao sẽ rất tinh ý với nhu cầu của người khác và sẵn sàng hỗ trợ trong công việc cuộc sống. Họ thường được lòng nhiều người nhờ sự dễ gần, vị tha và đáng tin cậy của mình.
Những người có mức dễ chịu, hòa đồng thấp thường bị coi là đáng ngờ, khó chịu, thích thao túng và bất hợp tác. Họ thường thể hiện sự đối lập khi tương tác với người khác và rất ít quan tâm đến vấn đề của người khác mà chỉ muốn bảo vệ luận điểm của mình.
Neuroticism (Tâm lý bất ổn)
Yếu tố bất ổn cảm xúc chỉ ra khả năng kiểm soát cảm xúc, chịu áp lực, ứng phó với căng thẳng của một người.
Người có điểm cao ở yếu tố bất ổn thường là người có các cảm xúc tiêu cực như: lo âu, bất an, bực bội, tự ti, yếu đuối và khả năng chịu áp lực kém trong bất cứ tình huống nào.
Ngược lại, người có điểm thấp ở yếu tố này thường có tâm lý rất vững vàng, chịu được áp lực tốt, kiểm soát được cảm xúc, bình tĩnh ứng phó với căng thẳng tốt, an toàn và hài lòng với bản thân nhiều hơn, không bị bên ngoài ảnh hưởng đến tâm trạng của bản thân.
Kết luận
50% tính cách được sinh ra cùng chúng ta và chúng ta không thể nào chối bỏ nó, tuy nhiên, 50% còn lại được xây dựng và ảnh hưởng bởi môi trường. Vì vậy, Big five test sẽ là một công cụ giúp chúng ta khám phá chi tiết tính cách của bản thân, thậm chí còn giúp tự nhận thức những điểm yếu trong tính cách để khắc phục nhanh chóng hơn.
Sale & Marketing tại Manabox Việt Nam. Hiện tại Huyền quản lý website của Manabox và sẽ cung cấp những bản tin hữu ích về kế toán – thuế, kinh doanh…Nếu bạn cần hỗ trợ, hãy liên hệ thông qua Skype/Wechat/Facebook/Phone nhé!