Post Views: 423
Chuyển khoản vay thành vốn góp là một giao dịch thường gặp với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi công ty tại Việt Nam thiếu hụt vốn. Vậy cần lưu ý điều gì?
1/ Có được chuyển khoản vay thành vốn góp?
Mặc dù không có quy định cụ thể, doanh nghiệp có thể chuyển khoản vay thành vốn góp dựa trên một số cơ sở pháp lý
Trích công văn số 2974/BKHĐT-ĐTNN ngày 08 tháng 05 năm 2018 (Tuy trích dẫn cũ nhưng các quy định liên quan vẫn có nội dung tương tự nên có thể sử dụng tham khảo tinh thần áp dụng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được công văn …đề nghị hướng dẫn … về việc tăng vốn bằng cách chuyển khoản vay của công ty con đối với công ty mẹ. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
- Trường hợp điều chỉnh vốn đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định…
- Trường hợp điều chỉnh vốn đầu tư dẫn tới thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp theo quy định …về đăng ký doanh nghiệp.
|
Cơ sở pháp lý
- Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần”.
- Khoản 1 Điều 87 Luật Doanh nghiệp quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ”.
- Tài sản góp vốn, việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn, việc định giá tài sản góp vốn quy định tại các Điều 34, 35 và 36 Luật Doanh nghiệp.
- Điều 34, thông tư 12/2022/TT-NHNN về các trường hợp trả nợ không thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài: “…b) Trả nợ thông qua việc bên cho vay và bên đi vay thỏa thuận chuyển đổi dư nợ thành cổ phần hoặc phần vốn góp trong bên đi vay; c) Trả nợ thông qua việc bên cho vay và bên đi vay thỏa thuận hoán đổi dư nợ vay thành cổ phần hoặc phần vốn góp thuộc sở hữu của bên đi vay…”
2/ Điều kiện để Chuyển khoản vay thành vốn góp: Một số điều kiện cần lưu ý bao gồm:
- Hợp đồng vay vốn đảm bảo tính hợp pháp về mặt nội dung và hình thức theo quy định;
- Đăng ký khoản vay với Ngân hàng nhà nước (“NHNN”) nếu khoản vay nước ngoài là khoản vay trung, dài hạn; ngoài ra, khoản vay ngắn hạn phải báo cáo với NHNN theo quy định
- Kiểm tra khoản vốn vay đã được chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp ( Áp dụng với trường hợp công ty có tài khoản vốn đầu tư trực tiếp) hay tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của công ty?
- Sau khi chuyển đổi, tỷ lệ góp vốn của công ty mẹ nước ngoài phải tuân theo giới hạn pháp luật quy định
Trích công văn số 2974/BKHĐT-ĐTNN ngày 08 tháng 05 năm 2018 (Tuy trích dẫn cũ nhưng các quy định liên quan vẫn có nội dung tương tự nên có thể sử dụng tham khảo tinh thần áp dụng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được công văn …đề nghị hướng dẫn … về việc tăng vốn bằng cách chuyển khoản vay của công ty con đối với công ty mẹ. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:…đề nghị lưu ý:
- Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế theo quy định tại các điều ước quốc tế và pháp luật trong nước liên quan;
- Việc thực hiện giao dịch góp vốn cần đảm bảo tuân thủ các quy định tại Điều 3 Thông tư số 09/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt, Khoản 1 Điều 105 Bộ Luật Dân sự, Khoản 1 Điều 35 và Khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp
|
3/ Các bước thực hiện thủ tục chuyển đổi
Để tiến hành chuyển đổi khoản vay từ công ty mẹ thành vốn góp trong công ty con, các thủ tục cần thực hiện bao gồm:
Bước 1: Thủ tục chấp nhận nội bộ giữa các chủ thể
Các bên lập thỏa thuận với nhau về việc tự nguyện và đồng ý thực hiện chuyển đổi khoản nợ vay thành vốn góp, nên có rõ một số thông tin như thủ tục và thời điểm thực hiện việc chuyển đổi khoản nợ vay thành vốn góp; Số tiền chuyển đổi khoản nợ vay thành vốn góp; xử lý tiền lãi và tiền gốc; tỷ lệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp sau khi hoàn tất thủ tục chuyển đổi…
Sau đó, thực hiện thủ tục biểu quyết, tán thành thông qua việc đồng ý thành viên mới, cổ đông mới, tỷ lệ vốn góp mới của công ty.
Bước 2: Xin chấp thuận góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp
Thực hiện thủ tục xin chấp thuận góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi Công ty đặt trụ sở. Bước này nhằm xác nhận rằng người có vốn cho vay có đủ điều kiện để thực hiện đầu tư vào Việt Nam với những ngành nghề công ty đang có. Để thực hiện bước này, thành phần hồ sơ cần có như sau:
- Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
- Bản giải trình
- Quyết định của nhà đầu tư về việc đầu tư vào công ty Việt Nam
- Biên bản họp/ nghị quyết, quyết định của công ty về việc đồng ý để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty
- Hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; Bản sao giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức, Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và hộ chiếu của người đại diện phần vốn góp cho công ty nước ngoài tại Việt Nam kèm theo ủy quyền của người này được công ty ủy quyền đại diện phần vốn góp cho công ty tại Việt Nam;
- Hợp đồng vay giữa hai bên và văn bản xác nhận công nợ;
- Sao kê tài khoản ngân hàng; Báo cáo tài chính để chứng minh số tiền vay đã được chuyển từ bên cho vay sang bên đi vay;
Bước 3: Thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư (IRC) tại Sở Kế hoạch Đầu tư
Với sự thay đổi về vốn đầu tư, cụ thể là tăng vốn góp vào công ty con, công ty con phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư với cơ quan quản lý về đăng ký đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới. Theo đề xuất của cơ quan quản lý doanh nghiệp/ đầu tư để phù hợp thì nội dung bộ hồ sơ của Bước 3 và Bước 4 sẽ trình bày công ty mẹ sẽ góp thêm số vốn bằng với giá trị khoản vay vào công ty con thay vì ghi nhận góp vốn bằng cách chuyển đổi khoản vay.
Mục đích của điều chỉnh này để thay đổi thông tin tương ứng trên giấy chứng nhận đầu tư
- Văn bản điều chỉnh dự án đầu tư;
- Nghị quyết, quyết định của công ty về việc điều chỉnh dự án đầu tư: Tổng vốn đầu tư; Vốn đã góp và vốn khác; thay đổi nhà đầu tư và tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư;
- Báo cáo tình hình thực hiện dự án;
- Quyết định của người cho vay đối với khoản vay
- Quyết định của người đi vay về việc đồng ý chuyển đổi khoản vay thành vốn góp
- Văn bản thỏa thuận giữa các bên về việc chấp thuận chuyển đổi khoản vay thành vốn góp
- Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của người cho vay: Báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất, hoặc xác nhận số dư tài khoản ngân hàng và Biên bản cam kết hỗ trợ tài chính;
- Giấy chứng nhận đầu tư;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Bước 4: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch Đầu tư
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi có sự thay đổi nội dung vốn điều lệ, công ty con phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Việc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Mục đích là để ghi nhận thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và tỷ lệ vốn góp mới
Hồ sơ, trình tự đăng ký thay đổi vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn quy định tại Điều 51 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
- Đơn đề nghị thay đổi đăng ký kinh doanh
- Biên bản họp và nghị quyết/ Quyết định của công ty về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh công ty;
- Danh sách thành viên/ Cổ đông mới công ty mới;
- Hộ chiếu của thành viện, cổ đông mới;
- Văn bản Thỏa thuận thể hiện sự đồng thuận của các bên bề việc đồng ý chuyển đổi khoản vay thành vốn góp trong công ty
Bước 5: Đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với NHNN
Theo quy định thì các bên cần nộp hồ sơ thực hiện Bước 1 trong vòng 30 ngày kể từ ngày công ty mẹ và công ty con ký kết thỏa thuận thay đổi khoản vay thành vốn góp
4/ Hạch toán kế toán
Về vấn đề chuyển khoản nợ vay thành vốn góp, tỷ giá áp dụng có thể thực hiện là
- Ghi Nợ TK 341: Tỷ giá ghi sổ đích danh của khoản vay tại thời điểm nhận nợ
Ghi Có TK 411: Tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày chuyển đổi khoản vay thành vốn góp theo hợp đồng
- Phần chênh lệch tỷ giá được hạch toán vào TK 635, 515 tương tự như chênh lệch tỷ giá trong thanh toán các khoản ngoại tệ khác. Khoản chênh lệch này được tính ảnh hưởng vào thu nhập chịu thuế trong kỳ
Căn cứ Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp:
+ Tại Điều 58. Tài khoản 341 – Vay và nợ thuê tài chính:
“…e) Doanh nghiệp phải hạch toán chi tiết và theo dõi từng đối tượng cho vay, cho nợ, từng khế ước vay nợ và từng loại tài sản vay nợ. Trường hợp vay, nợ bằng ngoại tệ, kế toán phải theo dõi chi tiết nguyên tệ và thực hiện theo nguyên tắc:
– Các khoản vay, nợ bằng ngoại tệ phải quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh;
– Khi trả nợ, vay bằng ngoại tệ, bên Nợ tài khoản 341 được quy đổi theo tỷ giá ghi sổ kế toán thực tế đích danh cho từng đối tượng;…”
+ Tại Điều 67. Tài khoản 411 – vốn đầu tư của chủ sở hữu:
“1. Nguyên tắc kế toán
…e) Xác định phần vốn góp của nhà đầu tư bằng ngoại tệ
– Trường hợp doanh nghiệp ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính bằng Việt Nam Đồng, khi nhà đầu tư góp vốn bằng ngoại tệ theo tiến độ, kế toán phải áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại từng thời điểm thực góp để quy đổi ra Việt Nam Đồng và ghi nhận vào vốn đầu tư của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần (nếu có).
… 3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi thực nhận vốn góp của các chủ sở hữu, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (nếu nhận vốn góp bằng tiền)
…Nợ các TK 331, 338, 341 (nếu chuyển vay, nợ phải trả thành vốn góp).
… Có TK 4111- Vốn góp của chủ sở hữu…”
Thông tư 96/2015/TT-BTC:
“…Đối với khoản nợ phải thu và khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá hối đoái được tính vào chi phí được trừ là khoản chênh lệch giữa tỷ giá tại thời điểm phát sinh thu hồi nợ hoặc thu hồi khoản cho vay với tỷ giá tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu…”
5/ Thuế nhà thầu
Trường hợp thanh toán tiền lãi dưới mọi hình thức (Trả tiền, bù trừ, chuyển thành khoản góp vốn…) thì cần phải khấu trừ thuế nhà thầu từ lãi vay. Tham khảo tại
Lãi vay nhập gốc hoặc tính tăng vốn góp chịu thuế nhà thầu
English Summary
1/ Can a loan be converted to equity?
Although there are no specific regulations, an enterprise can convert a loan to equity based on some legal basis.
2/ Steps to carry out the conversion procedure
To convert a loan from the parent company to equity in the subsidiary company, the procedures that need to be carried out include:
- Step 1: Internal acceptance procedures between entities
- Step 2: Apply for approval to contribute capital / purchase shares / capital contribution
- Step 3: Adjust the Investment Registration Certificate (IRC) at the Department of Planning and Investment
- Step 4: Register for share issuance or capital contribution
- Step 5: Register for change Loan with State Bank of Vietnam
Thank you.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Công ty TNHH Manabox Việt Nam