Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNCN mới (thay thế), dự kiến thay đổi 31 điều trên tổng số 35 điều của Luật thuế TNCN hiện hành để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thuế. Các thay đổi gồm
Nội dung bài viết
Bổ sung các khoản thu nhập chịu thuế
Điều 3 Luật thuế TNCN hiện nay quy định chung về thu nhập chịu thuế bao gồm 10 loại thu nhập, dự kiến bổ sung thêm các khoản thu nhập khác có tính chất đặc thù như thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản, quyền tài sản là tên miền internet, sim – số điện thoại…
Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, quyền tài sản này cũng có bản chất giống với một số khoản thu nhập không thường xuyên (thu nhập vãng lai) đang thuộc diện chịu thuế hiện nay như thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại…
Bên cạnh đó, Luật dự kiến điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh tới ngưỡng chịu thuế (100 triệu đồng/năm) để phù hợp với sự biến động của giá cả, thống nhất với ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh đang được đề xuất sửa đổi (tại dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình Quốc hội cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và giao Chính phủ quy định mức cụ thể).
Bổ sung các khoản thu nhập miễn thuế
Bổ sung quy định miễn thuế TNCN đối với các khoản thu nhập sau của cá nhân để phù hợp với thực tiễn phát sinh:
- i) thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tham gia “Cánh đồng lớn”;
- ii) thu nhập do Quỹ hưu trí tự nguyện, Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung chi trả;
- iii) thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ các – bon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các – bon; thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành để thể chế hóa các chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng cường sự bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
Về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh…, vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau.
Đối với nước ta, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới. Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN trong hệ thống thuế. Mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế TNCN trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập) và vô hình sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây. Đồng thời, có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước trong từng thời kỳ.
– Bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ; nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác để góp phần hỗ trợ người nộp thuế và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến một số lĩnh vực như y tế, giáo dục; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Điều chỉnh thuế suất
Dự thảo nghiên cứu điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công cho phù hợp với sự thay đổi về thu nhập và các chỉ số kinh tế vĩ mô và rà soát để điều chỉnh mức thuế suất tại Biểu thuế toàn phần tương ứng với các nội dung sửa đổi về thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản.
Khoản 2 Điều 22 Luật thuế TNCN quy định Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%. Qua quá trình thực tế thực hiện, có quan điểm cho rằng Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Sale & Marketing tại Manabox Việt Nam. Hiện tại Huyền quản lý website của Manabox và sẽ cung cấp những bản tin hữu ích về kế toán – thuế, kinh doanh…Nếu bạn cần hỗ trợ, hãy liên hệ thông qua Skype/Wechat/Facebook/Phone nhé!