Hoạt động thanh lý tài sản tưởng như là một nghiệp vụ rất đơn giản trong thực hành kế toán và thuế. Tuy nhiên, khi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài (VPĐD) tiến hành thanh lý tài sản, quy trình thủ tục lại cần phải nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng khi triển khai. Hãy cùng Manabox tìm hiểu về vấn đề này.
Nội dung bài viết
Thanh lý tài sản
Trong thực hành doanh nghiệp, thanh lý tài sản là việc bán các tài sản hỏng hóc, không có nhu cầu sử dụng. Nghiệp vụ này ngoài các thủ tục đặc thù như lập Hội đồng thanh lý, thẩm định đánh giá giá trị tài sản thanh lý, đấu giá tài sản thì ứng xử của kế toán thuế tương tự như hoạt động bán hàng. Doanh nghiệp xuất hóa đơn bán thanh lý tài sản, kê khai thuế GTGT và ghi nhận doanh thu, chi phí tính thuế TNDN.
Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép theo hướng dẫn tại Luật Thương mại 2005. Theo quy định, VPĐD không được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh, do đó không xuất hóa đơn, kê khai thuế GTGT và thuế TNDN.
Vướng mắc khi VPĐD thanh lý tài sản
Khi VPĐD không có nhu cầu sử dụng, khi tài sản bị hỏng hóc, hoặc trường hợp phổ biến là VPĐD chấm dứt hoạt động, các tài sản của VPĐD có thể phải tiến hành thanh lý. Vướng mắc sẽ nảy sinh trong trường hợp bên mua thanh lý là doanh nghiệp, cần phải ghi nhận các tài sản theo quy định của cơ quan thuế về Hóa đơn chứng từ, yêu cầu phía VPĐD xuất hóa đơn bán thanh lý tài sản.
Căn cứ định nghĩa tại văn bản pháp luật, hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Công thương tại Công văn số 5245/TCT-CS ngày 20 tháng 12 năm 2018, việc thanh lý các hàng hóa là tài sản của VPĐD “không phải là việc kinh doanh hàng hóa“. Theo căn cứ đó, cơ quan thuế xác định trường hợp VPĐD thanh lý tài sản không thuộc trường hợp được cấp hóa đơn. Như vậy, doanh nghiệp mua tài sản thanh lý của VPĐD có thể xem xét phương án Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ theo mẫu 01/TNDN hướng dẫn tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
Ở hướng ngược lại, theo hướng dẫn tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức không kinh doanh nhưng có phát sinh giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh. Theo đó, doanh nghiệp cần lập đề nghị mẫu 06 trong phụ lục đính kèm Nghị định gửi cơ quan thuế khi có nghiệp vụ bán hàng, cung cấp dịch vụ phát sinh. Cũng theo hướng ủng hộ ý kiến cần xuất hóa đơn cho nghiệp vụ này, có ý kiến cho rằng, không thể thực hiện lập bảng kê 01/TNDN do chưa được hướng dẫn sử dụng cho “tổ chức không kinh doanh” mà mới chỉ dừng lại ở cá nhân và hộ gia đình.
Kết luận
Với sự bất đồng ý kiến từ các Bộ, nghiệp vụ thanh lý tài sản đối với VPĐD lại trở nên phức tạp. VPĐD và doanh nghiệp liên quan trong nghiệp vụ này cần thận trọng trong cách xử lý và cần tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý thuế trực tiếp để có hướng dẫn cụ thể.
Manalabo Dep.
Sáng tạo nội dung của Bộ phận Manalabo, Công ty TNHH Manabox Việt Nam