Tiếp tục cập nhật, theo Công văn số 3987/TCHQ-GSQL ngày 31 tháng 7 năm 2023 và Công văn số 4146/TCHQ-GSQL ngày 08 tháng 8 năm 2023, đề xuất bãi bỏ quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ tiếp tục được Tổng Cục Hải quan nhấn mạnh. Trước đó, ngày 29/05/2023, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn 2587/TCHQ-GSQL và 2588/TCHQ-GSQL tới các cơ quan nội dung báo cáo và góp ý sửa đổi Điều 35 của Nghị định 08/2015/NĐ-CP đề xuất bãi bỏ quy định về XNK tại chỗ trong nghị định này. Đề xuất được Tổng cục Hải quan thực hiện theo nhiệm vụ được giao sau kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ.
Nội dung bài viết
Mô hình về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ
Hướng dẫn của Cơ quan thuế
Manabox xin cập nhật: Tổng Cục thuế đã hướng dẫn rõ về việc không được hoàn thuế với xuất khẩu tại chỗ, kể cả có Tờ khai hải quan nhưng thương nhân nước ngoài có hiện diện ở Việt Nam
Hoặc công văn 18140/CT-TTHT:
Trường hợp Công ty bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam (có Văn phòng đại diện tại Việt Nam) thì không thuộc trường hợp hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo Khoản 1 Điều 86 thông tư 38/2015/TT-BTC. Công ty phải lập hóa đơn bán ra theo thuế suất thuế GTGT là 10%. Nội dung trên hóa đơn bán ra được thực hiện theo quy định Khoản 6đ Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Đề xuất của Tổng Cục Hải quan
Theo đó, Tổng cục Hải quan đưa ra các đề xuất:
- Bãi bỏ quy định về XNK tại chỗ tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Theo đó, cơ quan hải quan không làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa mua, bán giữa 02 thương nhân Việt Nam được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa trong nội địa.
- Trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP sẽ chuyển hoá vào các điều tương ứng quy định tại các văn bản khác: Luật Thương Mại, Luật Quản lý ngoại thương và các luật khác.
- Đề xuất chính sách thay thế việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ
Cùng với việc bãi bỏ quy định về XNK tại chỗ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Tổng cục hải quan cũng khuyến nghị nghiên cứu rà soát, bãi bỏ đồng bộ các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu tại chỗ đang được quy định tại các pháp luật khác liên quan. Các thủ tục thanh toán liên quan đến nghiệp vụ này cũng cần nghiên cứu điều chỉnh, thay thế hồ sơ tờ khai hải quan bằng các văn bản khác như hợp đồng thương mại, hóa đơn bán hàng.
(Cập nhật Công văn số 3987/TCHQ-GSQL ngày 31 tháng 7 năm 2023 và Công văn số 4146/TCHQ-GSQL ngày 08 tháng 8 năm 2023)
Về các kiến nghị nêu khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội, doanh nghiệp xuất phát từ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, theo đó, tại điểm này quy định: “Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam”. Để thực hiện được quy định này, thương nhân nước ngoài phải đáp ứng điều kiện không có hiện diện tại Việt Nam thì thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Trường hợp thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam như đã có Văn phòng đại diện, Chi nhánh, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ thì không thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
Căn cứ quy định tại Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, bản chất giao dịch của hàng hóa thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được đưa ra/đưa vào lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa ra/đưa vào khu vực hải quan riêng. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, hàng hóa được mua bán trong nội địa, không có sự dịch chuyển hàng hóa ra khỏi biên giới Việt Nam, bản chất đây là hoạt động mua bán nội địa. Do vậy, cần thiết phải đánh giá tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bản chất của hoạt động giao dịch này. Cơ quan hải quan không thực hiện thủ tục hải quan đối với hoạt động này, chuyển thành hoạt động mua bán nội địa do cơ quan thuế nội địa quản lý. Việc các Hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị giữ nguyên quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP là không phù hợp với pháp luật về thương mại, pháp luật về quản lý ngoại thương và bản chất của giao dịch này. Khi bỏ thủ tục Hải quan đối với hoạt động mua bán hàng hóa quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bớt được một thủ tục hành chính trong hoạt động mua bán, giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp và từ đó cũng sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Các cập nhật về xuất khẩu tại chỗ với Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam
Bản chất của đề xuất
Thông qua đề xuất này Tổng cục Hải quan mong muốn:
- Tạo sự thống nhất giữa hệ thống pháp luật về thương mại, ngoại thương với hệ thống pháp luật về thuế xuất nhập khẩu
- Phản ánh đúng bản chất của giao dịch xuất nhập khẩu tại chỗ hiện hành là những giao dịch nội địa.
- Tăng tính hội nhập của hoạt động hải quan, phù hợp với thông lệ quốc tế khi thực tiễn tổ chức hải quan tại nhiều nước cũng như công ước Kyoto, Istabul đều không có đề cập đến hình thức này.
Từ phía Tổng cục hải quan, đề xuất này nếu thông qua có thể giảm thu một số loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu. Thay vào đó, cơ quan quản lý có thể thực hiện thu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu khi chuyển mục đích sử dụng.
Về phía các doanh nghiệp đang hưởng lợi từ chính sách hiện hành, những tác động có thể quan sát được gồm:
- Doanh nghiệp bán hàng vào khu chế xuất không còn được hưởng lợi từ chính sách hoàn thuế GTGT đầu vào từ hoạt động xuất khẩu.
- Doanh nghiệp phải tổ chức thay đổi mục đích sử dụng và kê khai thuế của hàng hóa mua vào ở khâu nhập khẩu đối với các nghiệp vụ xuất khẩu tại chỗ
Các doanh nghiệp cần phản ứng có hiệu quả trước thay đổi chính sách, cụ thể:
- Phổ biến, cập nhật về nội dung dự thảo chính sách mới cho nhân viên cũng như đối tác.
- Lên kịch bản điều chỉnh lại mô hình kinh doanh thích ứng với quy định mới: chuẩn bị nguồn lực, thay đổi quy trình nghiệp vụ…
- Theo dõi sát quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có dự báo chính xác nhất về nội dung cũng như thời điểm ban hành.
- Nghiên cứu và dự báo các ảnh hưởng tới các khía cạnh khác của doanh nghiệp nhằm chủ động ứng phó với việc thay đổi chính sách.
Manalabo Dep.
Sáng tạo nội dung của Bộ phận Manalabo, Công ty TNHH Manabox Việt Nam