Về cơ bản, nhiều trường hợp doanh nghiệp phát sinh tiền chậm nộp “ảo” phát sinh trong quá trình khai, nộp thuế ở Việt Nam. Bài viết hướng dẫn cách xử lý nợ thuế ảo trong mỗi trường hợp, NNT cần thực hiện thủ tục theo đúng quy định để yêu cầu CQT tra soát và chỉnh lý lại tiền chậm nộp nếu có.
Nội dung bài viết
- 1 Lỗi trong lập chứng từ nộp thuế như sai mã số thuế (MST), tiểu mục, hoặc cơ quan thu
- 2 Khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp
- 3 NNT được gia hạn nộp thuế nhưng chưa gửi giấy đề nghị gia hạn tới CQT
- 4 NNT không tính tiền chậm nộp do trễ thanh toán từ ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng chưa gửi hồ sơ đầy đủ tới CQT
Lỗi trong lập chứng từ nộp thuế như sai mã số thuế (MST), tiểu mục, hoặc cơ quan thu
“Tiền chậm nộp ảo” xảy ra khi người nộp thuế (NNT) nhận thông báo nợ tiền chậm nộp từ cơ quan thuế (CQT) mặc dù không thực sự chậm nộp hoặc không phải nộp.
- Do khai nộp nhầm MST, Tiểu mục, cơ quan thu: Thực hiện thủ tục lập Thư tra soát (theo Điều 69 TT 80/2021/TT-BTC), đề nghị CQT điều chỉnh tiền thuế và TCN (nếu có)
- Về ghi nhầm MST: Phổ biến ở NNT có Chi nhánh (mã 13 số); NNT có đăng ký MST nộp thay thuế nhà thầu nước ngoài (MST khác với MST chính) thường hay xảy ra tình trạng này. Ví dụ: NNT nộp thuế cho Chi nhánh (mã 13 số) nhưng chứng từ nộp lại ghi MST của Công ty mẹ (mã 10 số) nên xảy ra tình trạng một bên nộp thừa, một bên còn nợ thuế, từ đó phát sinh TCN.
- Về ghi nhầm Tiểu mục: Đây là lỗi phổ biến ở tất cả đối tượng là tổ chức, cá nhân, loại hình doanh nghiệp, dẫn đến NNT vẫn còn nợ thuế trên dữ liệu tại CQT nên phát sinh tiền chậm nộp. Ví dụ: NNT có phát sinh tiền thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn (TM 1005) nhưng chứng từ nộp ghi nhầm TM 1004 (thuế TNCN từ đầu tư vốn) nên vẫn còn nợ thuế và phát sinh tiền chậm nộp.
- Về nộp nhầm cơ quan quản lý thu: Thường hay xảy ra ở các khoản thuế về chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng vốn, thuế tài nguyên, phí BVMT… Ví dụ: NNT thuộc Cục Thuế Bình Định quản lý có phát sinh nghĩa vụ thuế TNDN khi chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn thành phố HCM nhưng lại nộp toàn bộ tiền thuế phát sinh này tại cơ quan thu là Cục Thuế HCM. Điều này dẫn đến khi quyết toán thuế TNDN sẽ phát sinh tiền thuế nợ tại Cục Thuế tỉnh Bình Định (do NNT chỉ nộp phân bổ tại Cục Thuế tp HCM 1% doanh thu tính thuế và số còn lại phải nộp tại Cục Thuế tỉnh BĐ).
- Do lỗi luân chuyển chứng từ nộp tại các cơ quan có liên quan: Tình trạng này thường xảy ra trong trường hợp KBNN khấu trừ tiền thuế GTGT khi thanh toán vốn XDCB, các đơn vị có phân bổ nghĩa vụ thuế tại các tỉnh khác nơi có trụ sở chính; khai thuế vãng lai …: Đề nghị CQT tra soát, chỉnh lý TCN
- Ví dụ: NNT khai nộp thuế tại Cục Thuế tỉnh, có nhận xây dựng công trình từ vốn NS tại tx An Nhơn. KBNN tx An Nhơn khấu trừ tiền thuế GTGT khi thanh toán vốn lại ghi cơ quan thu là Chi cục Thuế tx An Nhơn nên chứng từ nộp thay này không được ghi nhận kịp thời tại Cục Thuế, từ đó phát sinh TCN.
- Ví dụ: NNT đã nộp thuế tại tỉnh khác theo quy định phân bổ nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên do CQT tại nơi nhận phân bổ xử lý chứng từ nộp không kịp thời nên dẫn đến phát sinh tiền chậm nộp.
Khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp
- + Nếu NNT khai bổ sung làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp thì: TCN sẽ được giảm tương ứng với tiền thuế điều chỉnh giảm (theo khoản 3, Điều 21 TT80/2021/TT-BTC). NNT tự xác định số TCN được giảm trên Tờ khai bổ sung hoặc có công văn đề nghị CQT xem xét chỉnh lý.
- Ví dụ: trong năm 2021 NNT có nộp Tờ khai QT thuế TNDN năm 2020 (lần đầu) phát sinh nghĩa vụ thuế 10 tỷ đồng. Sang tháng 7/2024 NNT có khai bổ sung Tờ khai QT thuế TNDN năm 2020 điều chỉnh giảm thuế 5 tỷ đồng. TCN tương ứng với 5 tỷ đồng sẽ được CQT xem xét điều chỉnh giảm.
- + Nếu NTT khai bổ sung làm tăng tiền thuế phải nộp nhưng tại kỳ điều chỉnh bổ sung không phát sinh TCN do đã nộp số tăng thêm. Dù hiện dữ liệu TCN được tính tự động hóa, nhưng chương trình QLT chưa bao quát phân tích hết mọi giao dịch, nên nhiều trường hợp vẫn tạo ra dữ liệu TCN. NNT có văn bản đề nghị CQT tra soát, chỉnh lý TCN.
- Ví dụ: Tại kỳ khai thuế GTGT tháng 12/2023 (lần đầu) phát sinh nghĩa vụ thuế 100 triệu đồng, đến tháng 7/2024 NNT có khai bổ sung hồ sơ khai thuế GTGT tháng 12/2023 làm tăng thêm tiền thuế phải nộp 20 triệu đồng nhưng số tiền thuế điều chỉnh tăng 20 triệu đồng đơn vị đã nộp trước ngày 20/1/24 (thời hạn nộp của kỳ khai bổ sung) nên không phát sinh chậm nộp tiền thuế nhưng chương trình có lúc vẫn tính TCN trên số tiền 20 triệu đồng. Vì vậy, nếu phát sinh các trường hợp này mà có Thông báo TCN thì liên hệ với CQT đề nghị tra soát chỉnh lý.
NNT được gia hạn nộp thuế nhưng chưa gửi giấy đề nghị gia hạn tới CQT
NNT: Thực hiện thủ tục gia hạn trong thời hạn quy định, cơ quan thuế sẽ chỉnh lý lại TCN (nếu quá thời hạn quy định mà NNT vẫn chưa thực hiện thì phải nộp TCN).
Ví dụ: NNT thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 của Chính phủ, thời hạn nộp Giấy đề nghị gia hạn là ngày 30/9/2024, nếu quá thời hạn quy định nêu trên mà NNT vẫn chưa thực hiện thì không được CQT xem xét chỉnh lý TCN.
NNT không tính tiền chậm nộp do trễ thanh toán từ ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng chưa gửi hồ sơ đầy đủ tới CQT
NNT: Thực hiện lập hồ sơ (quy định tại Điều 22 Thông tư 80/2021/TT-BTC) gửi CQT, nếu hồ sơ đảm bảo đúng quy định thì CQT ban hành Thông báo chấp thuận không tính tiền chậm nộp và chỉnh lý lại TCN (nếu có).
Ví dụ: NNT ký hợp đồng xây dựng công trình với chủ đầu tư được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách. Công trình đã hoàn thành nghiệm thu bàn giao nhưng chưa được chủ đầu tư thanh toán theo hợp đồng ký kết với số tiền 5 tỷ đồng trong thời gian từ ngày 01/01/2024 (thời điểm phải thanh toán) đến 30/6/2024 (được thanh toán). Trong thời gian này NNT còn nợ NSNN tiền thuế GTGT, TNDN với tổng số tiền 6 tỷ đồng.
Nếu NNT hoàn thiện thủ tục hồ sơ theo đúng quy định thì số tiền nợ thuế không tính TCN là tổng số tiền thuế còn nợ ngân sách nhà nước của NNT nhưng không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán là 5 tỷ đồng. Thời gian không tính TCN được tính từ ngày chủ đầu tư sử dụng NSNN phải thanh toán (01/01/2024) đến ngày thanh toán cho NNT (30/6/2024). Cơ quan thuế sẽ ban hành Thông báo chấp thuận không tính tiền chậm nộp và chỉnh lý lại TCN (nếu có).
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Việt Anh gia nhập Manabox từ năm 2017 và hiện đang làm Giám đốc vận hành tại Manabox Việt Nam. Với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả.