Cơ quan Thuế có thể thuê Luật sư khi bị kiện ra Toà không?

Một trong những thông tin cực kỳ đáng quan tâm trong những ngày trước tết Nguyên Đán là việc Tổng cục Thuế đã bác đơn khiếu nại của Coca Cola Việt Nam. Theo như các thông tin chính thức, cuối tháng 12/2019, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – Đặng Ngọc Minh đã ký quyết định xử phạt hành chính về Thuế với Coca Cola với số tiền lên đến 821 tỷ đồng do Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm về kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp và phải bị truy thu từ nhiều năm trước theo quy định.

Vào tháng 1/2020, Coca-Cola Việt Nam đã nộp hết nghĩa vụ thuế cho Nhà nước đồng thời nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế với 10 nội dung, chủ yếu liên quan đến việc cơ quan thuế không chấp nhận cho công ty này được đưa vào chi phí được trừ với các khoản mà trước đây Coca-Cola Việt Nam đã kê khai, trong đó có sản phẩm, vật phẩm khuyến mại; tủ lạnh cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng; tài sản cố định như vỏ chai, két nhựa, tiền đặt cọc vỏ chai; một số chi phí mà công ty chưa cung cấp được tài liệu chứng từ…

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế đã bác đơn khiếu nại của Coca Cola đồng thời nêu rõ nếu như không đồng ý với quyết định này thì có thể khiếu nại lên Bộ Tài Chính hoặc khởi kiện lên Tổng cục Thuế.

Tham khảo về thông tin vụ việc qua trang thông tin của VTV như sau:

Vậy Coca Cola có thể khởi kiện Tổng cục Thuế về quyết định trên hay không?

Câu trả lời là CÓ. 
Theo Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, trường hợp người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng với các quyết định xử phạt và hành vi vi phạm thì có quyền kiện cơ quan thuế theo quy đinh của pháp luật. Thực tế khi tìm kiếm về những vụ việc doanh nghiệp đi kiện cơ quan thuế, nhiều vụ kiện bản thân cơ quan thuế đã bị xử lý thua kiện trước tòa án.
Ví dụ 1 số bài báo và vụ việc tiêu biểu khi các cục Thuế bị doanh nghiệp kiện ra toà như sau:
Công ty CP May Minh Hoàng (trụ sở Q.1, TP.HCM) đã kiện lên Toà Án Nhân Dân TP. HCM khi cho rằng quyết định của Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM về việc xử lý về thuế, xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp là trái pháp luật và yêu cầu tòa buộc Cục thuế TP.HCM bồi thường thiệt hại cho công ty hơn 68,7 tỉ đồng ( Xem chi tiết tại ĐÂY )
Công ty TNHH Gốm sứ Mỹ nghệ Xuất khẩu T bị một quyết định của cơ quan thuế gây ảnh hưởng làm cho doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Cùng đường, Doanh nghiệp khởi kiện cục Thuế ra tòa và thắng kiện. Tham khảo bản án của Toà tại  ĐÂY

Cơ quan Thuế ( ở đây là Tổng cục Thuế ) có thể thuê Luật sư khi bị kiện ra Toà không?

Câu trả lời là vẫn là CÓ.
Theo hướng dẫn tại công văn số 3927/TCT-PC đã kết luận khi tham gia tố tụng, Cục Thuế có thể thuê luật sư làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của cơ quan thuế.

Căn cứ vào Luật nào?

Điểm c Khoản 2 Điều 5 Quyết định 13/2016/QĐ-TTg thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016- 2020:

“Điều 5. Sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động

c) Chi hoạt động thường xuyên:

…Chi các khoản dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin truyền thông, liên lạc, hội nghị, công tác phí, thuê mướn (bao gôm cả thuê tố chức, đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ công tác chuyên môn của cơ quan thuế, hải quan)…”

Kết luận

Một trong 14 quyền của người nộp thuế đó là khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.Việc đi kiện sẽ tạo áp lực lên các cục thuế phải cẩn trọng hơn khi ra quyết định truy thu và xử phạt doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các chính sách, quy định phải được hiểu và áp dụng một cách nhất quát, không có chuyện cùng một nội dung mà doanh nghiệp này được áp dụng còn doanh nghiệp khác thì không được chấp nhận. Vậy nếu như doanh nghiệp khi bị ra án phạt, truy thu không hợp lý theo quy định, chính sách thì hoàn toàn có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngược lại, Cơ quan Thuế cũng có thể thuê Luật sư để bảo vệ lí lẽ của mình.

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.