Bài viết tổng hợp các hướng dẫn của cơ quan Thuế về các sai phạm thường gặp khi thanh tra, kiểm tra thuế GTGT do Cục thuế tổng hợp. Dưới đây là một số dấu hiệu trên sổ sách kế toán thể hiện hành vi trốn thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp cần nắm bắt để giảm rủi ro thuế GTGT.
Nội dung bài viết
- 1 Số dư tài khoản tiền mặt lớn (TK 111)
- 2 Số dư tài khoản tiền mặt âm (TK 111)
- 3 Số dư có tài khoản 131 (phải thu của khách hàng) lớn
- 4 Số dư nợ tài khoản 331 (Phải trả cho người bán) lớn
- 5 Hành vi trốn thuế thuế giá trị gia tăng liên quan đến hóa đơn, chứng từ, và thủ thuật kê khai thuế:
Số dư tài khoản tiền mặt lớn (TK 111)
Dấu hiệu xảy ra khi doanh nghiệp (DN) Số dư tài khoản tiền mặt lớn (TK 111) vẫn phát sinh vay ngân hàng. Lý do tồn quỹ tiền mặt ảo.
Đây là dấu hiệu có thể doanh nghiệp mua hàng hóa, nguyên vật liệu thanh toán bằng tiền mặt nhưng không hạch toán, nghi ngờ có khoản chi phí tương ứng doanh thu bị bỏ ngoài sổ sách. Cơ quan thuế có thể kiểm kê quỹ tiền mặt và xác minh các khoản chi phí, doanh thu bỏ ngoài sổ sách vì vậy doanh nghiệp cần tránh các vi phạm này
Số dư tài khoản tiền mặt âm (TK 111)
Tài khoản tiền mặt bị âm từng thời điểm do kế toán hạch toán thiếu nghiệp vụ thu tiền hoặc khống nghiệp vụ chi tiền. Việc hạch toán thiếu nghiệp vụ thu tiền sẽ làm giảm khoản thu tiền tại doanh nghiệp. Việc làm nhiều phiếu chi tiền khống cho cùng 1 nghiệp vụ kinh tế phát sinh sẽ làm tăng số tiền chi của doanh nghiệp. Đây cũng là lý do khiến tiền mặt tại quỹ của doanh nghiệp bị âm. Việc kế toán hạch toán sai trình tự sẽ làm cho sổ quỹ tiền mặt bị âm tại những thời điểm trong kỳ hạch toán. Kế toán hạch toán sai trình tự chi tiền trước, thu tiền sau.
Đây có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp cho, bán hóa đơn khống hoặc bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn không đúng thời điểm, không hạch toán thu tiền hoặc lỗi hạch toán sổ sách của kế toán. Cơ quan thuế dễ dàng xác minh các khoản thu, chi để tìm ra vi phạm. Doanh nghiệp cần kiểm tra quỹ tiền mặt hàng ngày để không xảy ra lỗi âm tiền mặt từng thời điểm, giảm rủi ro thuế GTGT.
Số dư có tài khoản 131 (phải thu của khách hàng) lớn
Số dư có tài khoản 131 (phải thu của khách hàng) lớn, thể hiện khách hàng trả tiền trước hoặc trả tiền nhiều hơn số tiền phải thu. Khi số dư có tài khoản này lớn phải xác định có thực sự khách hàng trả tiền trước hay không, nếu không thì rủi ro xảy ra có thể là bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, không hạch toán phải thu vào bên nợ 131. Khi khách hàng thanh toán lại hạch toán vào bên có.
Cơ quan thuế đối chiếu sao kê của ngân hàng sẽ xác định được nội dung các khoản thu, chi và xác định được khoản thu liên quan bán hàng không xuất hóa đơn. Doanh nghiệp phải hạch toán chi tiết công nợ theo từng đối tượng để hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi phát sinh, giảm rủi ro thuế GTGT.
Số dư nợ tài khoản 331 (Phải trả cho người bán) lớn
Số dư nợ tài khoản 331 (Phải trả cho người bán) lớn, thể hiện các khoán trả trước cho khách hàng, hoặc số tiền đã trả lớn hơn số tiền phải trả. Khi số dư này lớn phải xác định có các khoản ứng trước tiền hàng hay không. Nếu không có thì có thể xảy ra rủi ro kế toán bỏ ngoài sổ sách một số mặt hàng không hạch toán và đương nhiên tương ứng với một khoản doanh thu bỏ ngoài sổ sách.
Đây là hành vi trốn thuế thường xảy ra với các doanh nghiệp thương mại hoặc một số doanh nghiệp dấu bớt doanh thu để khỏi khai thuế theo tháng. Cơ quan thuế dể dáng phát hiện khi xác minh sao kê tại ngân hàng. Doanh nghiệp không được bỏ ngoài sổ sách kế toán các khoản doanh thu vì sẽ bị ấn định thuế, giảm rủi ro thuế GTGT.
Hành vi trốn thuế thuế giá trị gia tăng liên quan đến hóa đơn, chứng từ, và thủ thuật kê khai thuế:
Doanh nghiệp cần lưu ý các rủi ro thuế GTGT do kê khai như sau
- Khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) của các hóa đơn không hợp pháp: Hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn hết giá trị sử dụng; hóa đơn không do cơ quan thuế phát hành; hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn của các daonh nghiệp sau thời điểm cơ quan thuế ra thông báo DN bỏ địa chỉ kinh doanh…
- Chia nhỏ gói thanh toán bằng nhiều hóa đơn: DN đã chủ động “chia nhỏ” giá trị thanh toán thành nhiều hóa đơn nhỏ hơn 20 triệu; rải thành nhiều ngày trả tiền khác nhau, ghi hình thức thanh toán là “tiền mặt” để được khấu trừ thuế, đồng thời tránh bị kiểm soát khi thanh toán qua ngân hàng.
- Khấu trừ vượt mức quy định: Trường hợp này liên quan đến khấu trừ thuế của xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi: DN vẫn khấu trừ toàn bộ thuế GTGT tương ứng của phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng, “che mắt” cơ quan thuế bằng cách ghi sai tên chủng loại, tên hiệu tài sản trên Sổ tài sản cố định (211) bằng các thương hiệu khác giá trị thấp hơn.
- Khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa hủy, hàng trả lại. Một số DN đã không ghi rõ nội dung nghiệp vụ là “hàng hủy”, “hàng trả lại” mà cố tình ghi chung chung là “thuế GTGT của Công ty A, công ty B…” để khấu trừ thuế.
- Khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa – dịch vụ không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh:
- Có doanh nghiệp cố tình không phân bổ hoặc phân bổ sai thuế GTGT đầu vào cho mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế, mục đích là để tăng khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các trường hợp mua hàng biếu tặng, thưởng, quà lưu niệm, hoặc chi trang phục vượt định mức, hoặc kê khai khấu trừ các hóa đơn mang tên, mã số thuế của công ty nhưng thực chất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho cá nhân, gia đình như máy điều hòa, ti vi, tủ lạnh…\
- Kê khai trước thời điểm có chứng từ nộp NSNN: Trường hợp này thường liên quan đến các lô hàng nhập khẩu; Cá biệt có một số DN không kê khai thuế GTGT theo Giấy nộp tiền vào NSNN mà kê khai theo Tờ khai hải quan, làm sai lệch kỳ số thuế GTGT được khấu trừ, hoặc phản ánh không đúng số thuế GTGT phát sinh phải nộp
- Các hành vi gian lận thuế GTGT đầu ra chủ yếu tập trung vào việc giảm doanh thu tính thuế. Một số hành vi thường gặp mà các DN thường lợi dụng như: Bán hàng không xuất hóa đơn để che dấu doanh thu, không nộp thuế GTGT; bán hàng xuất hóa đơn ghi giá cả và số lượng trong liên lưu (Liên 1, Liên 3) nhỏ hơn liên giao cho khách hàng (Liên 2); mục đích là giảm số thuế phải nộp của mình và tăng số thuế được khấu trừ cho người mua; xuất hóa đơn khống (hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo) nhằm hợp thức hóa đầu vào để bên mua khai khấu trừ hoặc hoàn thuế.
- Bên cạnh các trường hợp gian lận nói chung ở trên, các DN hoạt động trong một số lĩnh vực kinh doanh đặc thù lại có những hành vi gian lận khác nhau, cụ thể là:
- Trong lĩnh vực xây dựng (xây nhà để bán): gian lận bằng cách xuất hóa đơn chưa kịp thời: công trình đã hoàn thành bàn giao theo quy định phải khai doanh thu và xuất hóa đơn nhưng do DN chưa thu được tiền của khách hàng nên cũng chưa ghi nhận doanh thu và xuất hóa đơn, cá biệt có những DN còn giấu Biên bản nghiệm thu.
- Trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, xe máy: Hiện tượng khá phổ biến là DN bán hàng cho các đối tượng không phải là cơ quan, tổ chức không theo giá giao dịch trên thị trường, ghi giá bán trên hóa đơn GTGT thấp hơn giá tính thuế trước bạ của UBND tỉnh, thành phố quy định.Điều chỉnh thuế GTGT đầu vào, đầu ra không đúng quy định. Nhiều DN lợi dụng quy định cho phép DN có thể kê khai bổ sung bất kỳ lỗi sai sót nào trên hồ sơ khai thuế đã nộp nên cố tình điều chỉnh tăng, giảm thuế GTGT của kỳ trước trên chỉ tiêu [37], [38] của Tờ khai thuế GTGT (mẫu 01/GTGT) mà không có căn cứ; không có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh; mục đích là làm giảm thuế GTGT phải nộp kỳ này, hoặc tăng thuế GTGT được khấu trừ chuyển sang kỳ sau, nhằm gian lận thuế.
- Xác định sai thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ: DN sản xuất, kinh doanh còn gian lận thuế GTGT bằng cách “nhập nhèm” thuế suất, cụ thể là: Liên quan đến lô hàng xuất khẩu, DN kê khai doanh thu thuế suất 0% nhưng lại không đáp ứng được đủ các điều kiện quy định như: Thiếu chứng từ thanh toán qua ngân hàng, thiếu hợp đồng xuất khẩu, hoặc xác nhận thực xuất của hải quan lớn hơn lượng hàng hóa bán ra ghi trên hóa đơn GTGT… Việc gian lận diễn ra ở cả khâu thanh toán khi công ty đối tác nước ngoài không thanh toán vào tài khoản của DN mà thanh toán vào tài khoản của cá nhân chủ DN.
- Kê khai nhầm thuế suất: Khi kê khai thuế GTGT đầu ra, DN kê khai mặt hàng chịu thuế suất 10% thành mặt hàng chịu thuế suất thấp hơn là 5%, hoặc đưa mặt hàng thuộc diện chịu thuế sang mặt hàng không chịu thuế.
- Kê khai phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ: Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT đối với trường hợp không hạch toán riêng được thì phải phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được, tuy nhiên DN cố tình phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ sai tỷ lệ phần trăm (%) nói trên để làm giảm số thuế GTGT phải nộp, tăng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Sai phạm thường gặp khi thanh tra, kiểm tra thuế – Tax Inspection
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm về giảm rủi ro thuế GTGT.: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Việt Anh gia nhập Manabox từ năm 2017 và hiện đang làm Giám đốc vận hành tại Manabox Việt Nam. Với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả.