Rà soát sổ sách giảm rủi ro thuế TNDN – CIT risk

Bài viết tổng hợp các hướng dẫn của cơ quan Thuế về các sai phạm thường gặp khi thanh tra, kiểm tra thuế TNDN do Cục thuế tổng hợp. Dưới đây là một số dấu hiệu trên sổ sách kế toán thể hiện hành vi vi phạm về trốn thuế Thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nắm bắt để giảm rủi ro thuế TNDN. Có thể thống kê sơ bộ các hành vi sai phạm về doanh thu, chi phí, thu nhập khác của các DN như sau:

Sai phạm về doanh thu, thu nhập

Dưới đây là rủi ro thuế TNDN gắn với các sai phạm về doanh thu, giảm trừ doanh thu, thu nhập khác…

  • Phát sinh tài khoản 511( doanh thu) chênh lệch so với tổng doanh thu tờ khai thuế GTGT (Giá trị gia tăng) 12 tháng (4 quý). Trường hợp này có thể rủi ro các khoản giảm trừ doanh thu, các khoản liên quan đến doanh thu thuộc trường hợp phải lập hóa đơn GTGT nhưng hạch toán vào các tài khoản khác như 515, 711, 3387, 131…
  • Phát sinh tài khoản có 155, 156 (hàng hóa) chênh lệch so với tài khoản 632 (giá vốn hàng bán)
    • Nếu phát sinh có 155 (156) lớn hơn 632 thì có thể doanh nghiệp đã xuất kho nhưng không hạch toán doanh thu, giá vốn, hoặc có thể hàng hóa biếu tặng thuộc diện phải xuất hóa đơn GTGT nhưng không xuất.
    • Nếu phát sinh tài khoản 155 (156) nhỏ hơn tài khoản 632 có thể rủi ro do doanh nghiệp tăng giá vốn để giảm thuế TNDN( thu nhập doanh nghiệp) phải nộp
  • Trường hợp phát sinh tài khoản 711 (thu nhập khác) lớn có thể rủi ro do các khoản hỗ trợ thuộc doanh thu chịu thuế nhưng không lập hóa đơn, các khoản thanh lý tài sản cố định, phế liệu, phế phẩm doanh nghiệp bỏ sót không xuất hóa đơn
  • Phát sinh tài khoản 138 (phải thu khác) lớn. Có thể doanh nghiệp cho mượn tiền để xử lý âm quỷ, cho mượn tiền đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, không tính lãi, hoặc đưa vào các khoản lãi vay không phục vụ sản xuất kinh doanh
  • Dấu doanh thu điển hình như: Không kê khai hàng hóa dịch vụ mua vào, đồng thời cũng không kê khai doanh thu. Hành vi này rất khó phát hiện, vì ngay cả thông qua xác minh hóa đơn, xác suất phát hiện của cơ quan thuế cũng rất thấp. Giảm trừ doanh thu thông qua các hình thức giảm giá, chiết khấu không đúng quy định. DN mặc sức khuyến mại, giảm giá sản phẩm mà không cần đăng ký với Sở Công thương mà vẫn đương nhiên giảm trừ doanh thu bán hàng. Trong xây dựng, kinh doanh bất động sản, có DN chỉ kê khai thuế TNDN tạm nộp 2% trên doanh thu mà không tạm nộp thuế TNDN theo phương pháp doanh thu trừ chi phí (thuế suất 22%) khi đã xác định được chi phí tương ứng với doanh thu trong xây dựng, kinh doanh bất động sản.
  • Không kê khai khoản thu nhập khác: tiền thanh lý tài sản cố định; phế liệu; phế phẩm; nợ phải trả nhưng không xác định được chủ nợ; thu tiền phạt vi phạm hợp đồng cũng bị DN lờ đi, không hạch toán vào thu nhập khác, qua kiểm tra sổ chi tiết tài khoản tiền mặt (TK 111) và tiền gửi ngân hàng (TK 112) cơ quan thuế phát hiện ra việc phát sinh tăng tiền của các khoản này. Ở mẫu Tờ khai tự quyết toán thuế TNDN năm DN đã “thao tác” điều chỉnh tăng, giảm thu nhập chịu thuế thiếu cơ sở; có DN thậm chí còn đưa khoản thuế truy thu và phạt của kỳ thanh tra trước vào điều chỉnh giảm thu nhập chịu thuế của kỳ này sai quy định, hoặc đưa vào các khoản phạt, vi phạm hợp đồng vào các chỉ tiêu này, làm giảm đáng kể số thuế phải nộp.

Dịch vụ hỗ trợ thanh tra Thuế

Sai phạm về chi phí được trừ

Dưới đây là rủi ro thuế TNDN gắn với các sai phạm về chi phí được trừ

  • Mẹo tăng giá vốn:
    • DN tìm cách tăng giá vốn hàng bán, nhất là các DN được hưởng chiết khấu mua hàng do mua hàng với số lượng lớn; giá vốn sai còn do xác định giá trị sản phẩm dở dang, cũng như giá trị hàng tồn kho không đúng. Có DN trên bảng Xuất – Nhập – Tồn thời điểm cuối năm (31/12) không có hàng tồn kho nhưng vẫn xuất bán hàng hóa. Một số DN không đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ (kể cả giá trị xây lắp), không phân bổ chi phí thu mua cho hàng tồn kho, chi phí công cụ, dụng cụ mà kết chuyển hết vào chi phí trong kỳ, nhằm tối đa giá vốn
    • Đối với các DN sản xuất, giá vốn còn được nâng lên qua thủ thuật xây dựng định mức vật tư cho một đơn vị sản phẩm cao hơn thực tế, nhằm làm tăng chi phí nguyên vật liệu, hoặc không xây dựng định mức vật tư hạch toán chi phí tiêu hao nguyên vật liệu cho sản xuất vượt định mức do lợi dụng luật thuế cho DN tự xây dựng và quyết toán định mức, vì hiện nay chỉ một vài ngành là có định mức sản xuất như: Xây dựng, cầu đường, xăng dầu, dệt may… còn lại phần lớn chưa có định mức chung. Việc gian lận về giá nguyên vật liệu “kín đáo” hơn khi DN thỏa thuận với nhà cung cấp nâng báo giá nguyên vật liệu đầu vào (hóa đơn đúng như báo giá); trong khi đó nguyên liệu cùng loại có giá thị trường thấp hơn nhiều.
  • Trích khấu hao tính vào chi phí vượt mức quy định: Sai mức khấu hao, sai tỷ lệ khấu hao; có DNNVV lách bằng cách tính khấu hao theo tháng chứ không theo ngày, hoặc DNNVV lỗ vẫn trích khấu hao nhanh; trích khấu hao nhanh không đúng loại tài sản và tính chất, trích khấu hao của tài sản không có giấy tờ sở hữu của DN (tài sản thuê, mượn). Có DN vẫn trích khấu hao xe ô tô cả phần nguyên giá vượt giá trị 1,6 tỷ đồng.
  • Tăng chi phí tiền lương: Chi phí tiền lương không có đủ hồ sơ theo quy định hoặc hồ sơ lao động giả: DN chỉ cần đăng tin tuyển dụng với mức thu nhập hấp dẫn để hàng trăm lao động nộp hồ sơ ứng tuyển, sau đó vờ đánh trượt hoặc không tuyển nửa và không trả lại hồ sơ. Thế là trong bảng lương của DN có một danh sách chi trả lương “ảo”. DN mặc sức điều tiết quỹ lương vào chi phí và giá vốn, chi phí quản lý DN. Hơn nữa, chi phí lương ảo còn khó phát hiện hơn, khi hợp đồng lao động chủ yếu là người trong gia đình, mặc dù không tham gia kinh doanh. DN tự đẩy chi phí tiền lương trả cho người lao động cao hơn rất nhiều so với thực trả cho người lao động.
  • Bổ sung một vài chức danh khống cho những người không trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh: Thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát để được hạch toán chi phí thù lao vào tiền lương làm tăng chi phí.

Các trường hợp chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác  cho người lao động không được tính vào chi phí khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp(TNDN) có rủi ro thuế TNDN như sau:

1-Chi tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ không được ghi tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính; Quy chế thưởng theo quy chế tài chính của đơn vị. Chi thưởng sáng kiến, cải tiến mà không có Quy chế, không có Hội đồng nghiệm thu SKCT. Theo quy định này, doanh nghiệp cần phải xây dựng đầy đủ các văn bản cần thiết về chi tiêu tài chính tại đơn vị. Trong đó ghi rõ các khoản chi trả mà người lao động được hưởng như tiền lương, tiền thưởng, các khoản bảo hiểm chưa có quy định chế độ đóng góp theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa có các văn bản nói trên, doanh nghiệp phải bổ sung trước khi quyết toán thuế năm 2022.

2-Đã hạch toán chi tiền lương vào chi phí nhưng thực tế không chi hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định. Trước khi quyết toán thuế doanh nghiệp cần rà soát lại các khoản chi tiền lương đảm bảo đầy đủ chứng từ theo quy định.

3- Chi tiền lương của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên  do 1 cá nhân làm chủ; chi thù lao trả cho: sáng lập viên, thành viên của Hội đồng thành viên và quản trị mà những người này không trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh.

4-Trích các khoản bảo hiểm bắt buộc theo lương vào chi phí vượt mức quy định hiện hành: bảo hiểm xã hội 17,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, kinh phí công đoàn 2%, BHYT 3% . Riêng bảo hiểm thất nghiệp 2022  theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg thì mức đóng từ 1% xuống còn 0% đến hết tháng 9/2022. Chính vì vậy doanh nghiệp chỉ được tính vào chi phí được trừ số tiền trích nộp cho người lao động 3 tháng còn lại của năm 2022.

5- Hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế nhưng chưa chi tiền lương, trừ trường hợp có trích Quỹ dự phòng lương của năm sau. Mức trích quỷ dự phòng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện và không bị lỗ, nếu bị lỗ thì không trích đủ 17%. Nếu năm trước co trích quỷ dự phòng mà sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết Quỹ thì phải tính giảm chi phí của năm sau.

Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

6- Phần chi trang phục: bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, bằng tiền vượt quá 05 triệu/người/năm. Đối với ngành có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ tài chính.

7- Chi  phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.

8- Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở không có hóa đơn, chứng từ. Trường hợp nếu doanh nghiệp có quy chế khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp đi công tác và thực hiện theo Quy chế tài chính của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí. Vì vậy, khi xây dựng quy chế tài chính của doanh nghiệp, kế toán phải lưu ý các nội dung này để bổ sung đầy đủ.

Nếu cử lao động đi công tác, nếu có chi phí từ 20 triệu trở lên, chi mua vé máy bay được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì không tính vào chi phí nếu không đáp ứng điều kiện sau: Có hóa đơn, chứng từ; Có quyết định hoặc văn bản cử lao động đi công tác; Có Quy chế nội bộ cho phép lao động được thanh toán ctác phí, mua vé máy bay bằng thẻ ngân hàng cá nhân.

9- Phần chi vượt mức 01 triệu /tháng/người để: Trích nộp Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho lao động. doanh nghiệp không được tính khoản chi này nếu không thực hiện  nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho lao động kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc.

10- Khoản chi trả trợ cấp mất việc làm cho lao động không theo đúng quy định hiện hành./.

  • Một số DN tính gộp các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài hạch toán các khoản chi phí cho tiêu dùng cá nhân: Ô tô, điện thoại, xăng xe, ăn uống… cũng khiến cho cơ quan thuế khó xác định, phân biệt bóc tách.
  • Về gian lận chi phí lãi vay có rủi ro thuế TNDN: Các DN có hành vi gian lận chi phí lãi vay không đúng quy định, hạch toán chi phí lãi vay góp vốn điều lệ công ty (ở các công ty góp vốn); hạch toán chi phí lãi vay không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; hạch toán chi phí lãi vay trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản; hình thành tài sản cố định vào chi phí; hạch toán chi phí lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản phải thu, các khoản mục tiền tệ có nguồn gốc ngoại tệ vào chi phí hoạt động tài chính không đúng quy định.
  • Nhiều DN lập hồ sơ; khế ước vay khống tư nhân làm tăng chi phí tài chính và giảm thu nhập chịu thuế. Việc xử dụng sai mục đích vốn vay cũng được nhiều chủ DN tư nhân sử dụng khi vay ngân hàng để tiêu dùng cá nhân (mua nhà, mua xe, đầu tư cổ phiếu…), nhưng vẫn hạch toán lãi vay vào chi phí hợp lý, hợp lệ.
  • Các khoản chi phí khác, nhiều DN còn hạch toán các khoản chi phí khác không đúng quy định: hạch toán vào chi phí tiền nghỉ mát, tiền thưởng tết âm lịch và các ngày lễ khác không ghi trong Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
  • Các khoản thu nhập khác và chi phí khác: DN cũng “lách” bằng cách hạch toán các khoản thuế truy thu và tiền phạt hành chính vào chi phí; kê khai thiếu các khoản thu nhập khác được thưởng, khoản hỗ trợ của hãng hoặc của các đối tác, khách hàng thường xuyên.
  • Sai phạm về chi phí phân bổ: DN hạch toán và phân bổ chi phí dài hạn không đúng qui định; có những công cụ, dụng cụ có giá trị lớn, có công dụng sử dụng ít nhất là 2, 3 năm nhưng DN vẫn đưa toàn bộ một lần vào chi phí thông qua Tài khoản chi phí trả trước ngắn hạn. Đồng thời, các khoản trích trước lớn như chi phí bảo hành, chi phí sửa chữa tài sản cố định không chi hết hoặc thực tế sau này không chi, DN vẫn không hoàn nhập làm tăng thu nhập khác để tính thuế TNDN.
  • DN trích lập các khoản dự phòng về nợ khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng đầu tư tài chính; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi; dự phòng bảo hành sản phẩm không đúng quy định. Đây là hành vi gian lận ở mức độ tinh vi. Có DN trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nhưng không có Biên bản đối chiếu công nợ, không có công văn đòi nợ, hoặc gian lận tuổi nợ đễ được trích lập 100% dự phòng nợ phải thu khó đòi vào chi phí. Có những doanh nghiệp không có thu nhập (lỗ) vẫn tiến hành trích lập các khoản dự phòng nói trên không đúng quy định.

Trên đây là rủi ro thuế TNDN gắn với hành vi cố ý trốn thuế TNDN và tổng hợp lại để người nộp thuế biết để tránh vi phạm qua công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế.

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.