Chương trình kiểm toán Trao đổi về kế hoạch kiểm toán với nhóm kiểm toán A280 được tham khảo từ tài liệu do Hội kiểm toán Viên hành nghề Việt Nam VACPA chia sẻ.
Nội dung bài viết
Chuẩn mực và người thực hiện
Đoạn 10, CMKiT số 315 – “Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị”, đoạn 15, CMKiT số 240 – “Trách nhiệm của KTV liên quan đến gian lận trong quá trình kiểm toán BCTC”, đoạn 05, CMKiT số 300 quy định nhóm kiểm toán phải tổ chức thảo luận về khả năng BCTC của đơn vị có sai sót trọng yếu và một số vấn đề về lập kế hoạch kiểm toán.
Thảo luận nhóm kiểm toán là then chốt cho một cuộc kiểm toán hiệu quả. Những cuộc thảo luận này giúp trao đổi về các rủi ro kiểm toán, xây dựng các tình huống có thể xảy ra gian lận và thảo luận những hướng xử lý có thể có. Nhân viên còn có cơ hội hiểu biết về hoạt động kinh doanh của đơn vị được kiểm toán, kỳ vọng mà họ cần đạt được về cuộc kiểm toán. Nhân viên cũng còn được khuyến khích đưa ra đề xuất thúc đẩy thực hiện cuộc kiểm toán tốt hơn.
Người thực hiện Mẫu này là Trưởng nhóm kiểm toán và người phê duyệt là Chủ nhiệm kiểm toán.
Thời điểm thực hiện
Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán.
Đối với cuộc kiểm toán lớn, một cuộc họp lập kế hoạch phải được lên lịch đầy đủ trước khi bắt đầu công việc tại đơn vị. Điều này sẽ cung cấp thời gian cần thiết để lập hoặc đưa ra những thay đổi trong kế hoạch kiểm toán chi tiết. Đối với cuộc kiểm toán rất nhỏ, việc lập kế hoạch có thể đạt được tốt nhất thông qua các cuộc thảo luận ngắn gọn khi bắt đầu kiểm toán và khi thực hiện cuộc kiểm toán.
Cách thực hiện
Ghi lại thời gian, thành viên tham dự, nội dung thảo luận và tất cả các quyết định quan trọng đã thống nhất giữa các thành viên.
Nội dung thảo luận phải đề cập về khả năng BCTC của đơn vị có dễ xảy ra sai sót trọng yếu và việc áp dụng khuôn khổ về lập và trình bày BCTC có phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đơn vị không. Cuộc thảo luận này phải đặc biệt tập trung vào nội dung và cách thức mà BCTC của đơn vị được kiểm toán dễ có sai sót trọng yếu do gian lận, kể cả việc gian lận đó có thể xảy ra như thế nào. CMKiT số 240 hướng dẫn nội dung thảo luận trong nhóm kiểm toán có thể bao gồm:
- Trao đổi ý kiến giữa các thành viên trong nhóm kiểm toán về cách thức và trường hợp mà họ cho rằng BCTC của đơn vị được kiểm toán có khả năng có sai sót trọng yếu do gian lận, cách thức BGĐ có thể thực hiện và che giấu hành vi lập BCTC gian lận và cách thức mà tài sản của đơn vị có thể bị biển thủ;
- Xem xét các tình huống cho thấy có sự điều chỉnh kết quả kinh doanh và các thủ đoạn mà Thành viên BGĐ có thể thực hiện nhằm điều chỉnh kết quả kinh doanh dẫn đến việc lập BCTC gian lận;
- Xem xét các yếu tố bên ngoài và bên trong có ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán có thể tạo ra động cơ hoặc áp lực buộc BGĐ hoặc những đối tượng khác phải thực hiện hành vi gian lận, tạo cơ hội thực hiện hành vi gian lận, và có yếu tố văn hóa hoặc môi trường tạo điều kiện cho BGĐ hoặc các đối tượng khác có thể biện minh cho việc thực hiện hành vi gian lận;
- Xem xét sự giám sát của BGĐ đối với các nhân viên thường tiếp cận với tiền hoặc tài sản dễ bị biển thủ;
- Xem xét các thay đổi bất thường hoặc chưa giải thích được trong hành vi hoặc lối sống của BGĐ hoặc các nhân viên mà nhóm kiểm toán lưu ý;
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thái độ đúng đắn trong suốt cuộc kiểm toán đối với khả năng tồn tại sai sót trọng yếu do gian lận;
- Xem xét các tình huống có thể có khả năng tồn tại gian lận;
- Xem xét xem bằng cách nào để bổ sung yếu tố mà đơn vị được kiểm toán không thể dự đoán trước được vào nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán sẽ được thực hiện;
- Xem xét và lựa chọn các thủ tục kiểm toán hiệu quả để xử lý khả năng tồn tại sai sót trọng yếu do gian lận trong các BCTC của đơn vị được kiểm toán;
- Xem xét các thông tin cáo buộc gian lận mà KTV nhận được;
- Xem xét rủi ro BGĐ khống chế kiểm soát…
Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán phải quyết định những vấn đề cần thông báo cho các thành viên nhóm kiểm toán không tham gia thảo luận [CMKiT số 315, đoạn 10]. Một cuộc thảo luận của nhóm kiểm toán (nhất là đối với những cuộc kiểm toán ở nhiều địa điểm) có thể không cần phải có sự tham gia của toàn bộ thành viên nhóm kiểm toán và cũng không nhất thiết phải thông báo toàn bộ nội dung thảo luận tới từng thành viên. Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán có thể chỉ thảo luận với những thành viên chính trong nhóm kiểm toán, kể cả các chuyên gia và những người chịu trách nhiệm đối với kiểm toán công ty con, đơn vị thành viên, nếu cần thiết. Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán có thể ủy quyền lại việc trao đổi với những thành viên khác, có xem xét đến những thông tin cần truyền đạt cho toàn bộ nhóm kiểm toán. Việc truyền đạt thông tin nên được lập kế hoạch với sự phê duyệt của Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán [CMKiT số 315, đoạn A15].
Các cuộc họp nhóm không nên chỉ giới hạn vào cuộc họp lập kế hoạch. Các thành viên nhóm kiểm toán nên được khuyến khích thảo luận và chia sẻ các thông tin họ thu được trong suốt cuộc kiểm toán về các vấn đề có liên quan, đặc biệt khi thông tin đó ảnh hưởng đến đánh giá rủi ro và các thủ tục kiểm toán đã được lập kế hoạch.
Bên cạnh các cuộc thảo luận lập kế hoạch kiểm toán vào lúc bắt đầu cuộc kiểm toán, cuộc gặp ngắn gọn (hoặc cuộc gọi hội đàm) để thảo luận những phát hiện kiểm toán sau các giai đoạn kiểm toán tiếp theo có thể mang lại lợi ích cho nhóm kiểm toán (nhưng không bắt buộc). Những cuộc họp ngắn gọn này không nhất thiết phải chính thức và kéo dài, nhưng điều này giúp các thành viên nhóm kiểm toán báo cáo bằng lời về những phát hiện, những ngoại lệ được phát hiện và những lo ngại cần chú ý. Họ cũng có thể báo cáo về bất kỳ vấn đề nào (có thể nhỏ) dường như bất thường hoặc không có ý nghĩa. Thông thường những vấn đề nhỏ, khi kết hợp với những thông tin từ các thành viên khác, sẽ chỉ ra yếu tố rủi ro có thể có (như gian lận), có thể yêu cầu thực hiện bổ sung thủ tục kiểm toán. Thậm chí, khi nhóm kiểm toán chỉ gồm có 2 người, những cuộc họp này có thể đem lại những kết quả quan trọng.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Gia nhập Manabox từ 2017 và hiện đang đảm nhận vai trò làm Giám đốc vận hành, với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả cả về phương diện tình huống thực tiễn và cả góc độ quy định pháp lý.