Đánh giá khả năng hoạt động liên tục H160

Chương trình kiểm toán Đánh giá khả năng hoạt động liên tục H160 được tham khảo từ tài liệu do Hội kiểm toán Viên hành nghề Việt Nam VACPA chia sẻ. 

Chuẩn mực và người thực hiện 

CMKiT số 570 – “Hoạt động liên tục” yêu cầu KTV phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính hợp lý của giả định hoạt động liên tục mà BGĐ đơn vị được kiểm toán đã sử dụng khi lập và trình bày BCTC và kết luận liệu còn có yếu tố không chắc chắn trọng yếu nào liên quan tới khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay không.

Người thực hiện được khuyến khích là Trợ lý kiểm toán có kinh nghiệm hoặc Trưởng nhóm kiểm toán. Việc quy định trách nhiệm thực hiện các mẫu này tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của nhân viên và chính sách quản lý chất lượng kiểm toán của từng DNKiT.

Thời điểm thực hiện

Thực hiện trong và sau quá trình kiểm toán tại đơn vị, cho đến ngày lập BCKiT.

Cách thực hiện

Thực hiện theo các công việc đã nêu trong mẫu cụ thể. Nếu không thực hiện/không áp dụng bất kỳ một thủ tục nào, KTV ghi rõ lý do và đánh giá ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm toán. Có thể bổ sung các thủ tục khác nếu cần thiết tùy theo đặc điểm của từng khách hàng và tình huống cụ thể, cũng như đánh giá rủi ro của KTV, trên cơ sở tham khảo hướng dẫn chi tiết của CMKiT số 570. Tham chiếu công việc thực hiện đến các phần hành liên quan.

Khi nhận thấy các sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán, KTV phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm xác định xem có hay không có yếu tố không chắc chắn trọng yếu, bao gồm các thủ tục sau: 

  • Phân tích và thảo luận với BGĐ đơn vị về dòng tiền, lợi nhuận và các dự báo liên quan khác;
  • Phân tích và thảo luận về BCTC giữa niên độ kỳ gần nhất của đơn vị;
  • Xem xét điều khoản của các giấy nhận nợ và các hợp đồng vay nợ và xác định liệu có các dấu hiệu vi phạm;
  • Xem xét Biên bản họp cổ đông, họp BQT và các cuộc họp có liên quan khác để tìm hiểu về các khó khăn tài chính;
  • Phỏng vấn chuyên gia tư vấn pháp luật của đơn vị về các tranh chấp, kiện tụng và sự hợp lý trong các đánh giá của BGĐ về các tranh chấp, kiện tụng này và ước lượng mức độ ảnh hưởng về mặt tài chính;
  • Xác nhận sự tồn tại, tính hợp pháp và tính bắt buộc thi hành của các thỏa thuận để cung cấp hoặc duy trì các hỗ trợ tài chính cho bên thứ ba và các bên liên quan và đánh giá khả năng tài chính của những bên này trong việc cung cấp thêm các quỹ bổ sung;
  • Xem xét kế hoạch của đơn vị trong việc giải quyết các đơn hàng chưa hoàn thành cho khách hàng;
  • Tiến hành các thủ tục kiểm toán đối với những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán để xác định những sự kiện có thể làm suy giảm hoặc gây ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của đơn vị;
  • Xác nhận sự tồn tại, các điều khoản và tính hợp lý của các công cụ vay nợ;
  • Thu thập và xem xét báo cáo về các hoạt động pháp lý;
  • Xác định xem đơn vị có kế hoạch thanh lý tài sản hay không.

Khi xem xét các dự báo của BGĐ, KTV phải:

  • Đánh giá độ tin cậy của số liệu đầu vào mà BGĐ sử dụng để lập dự báo;
  • Kiểm tra việc tính toán số học;
  • Đối chiếu để đảm bảo sự nhất quán giữa các thông tin liên quan;
  • So sánh số liệu dự báo với kinh nghiệm thực tế kỳ trước và đánh giá tính hợp lý. Xem xét luồng tiền dự báo thu chi hoạt động, trả nợ, đầu tư…;
  • Xem xét tính hợp lý của các giả định mà BGĐ sử dụng (thông tin về nền kinh tế, lãi suất, xu hướng ngành nghề, chi phí, nhân công, doanh thu…);
  • Xem xét tính hợp lý của các đánh giá của BGĐ về hậu quả và ảnh hưởng về mặt tài chính của các vụ kiện (nếu có). Trao đổi với chuyên gia tư vấn pháp lý của đơn vị (nếu cần).

KTV phải đánh giá kế hoạch hành động của BGĐ đơn vị, bao gồm:

  • Đối với kế hoạch thanh lý TSCĐ, KTV phải: Đánh giá tính thanh khoản thị trường của TSCĐ mà BGĐ dự định thanh lý; Xem xét các hợp đồng vay, cầm cố, thế chấp… để đảm bảo DN được quyền thanh lý TSCĐ; Đánh giá ảnh hưởng của việc thanh lý TSCĐ đối với hoạt động của DN;…
  • Đối với kế hoạch vay thêm tiền hoặc tái cơ cấu các khoản nợ, KTV phải: Đánh giá sự sẵn có của các nguồn tài trợ và năng lực đi vay của DN. Xem xét các khoản nợ hiện tại, các hợp đồng, cam kết… có thể làm hạn chế khả năng đi vay thêm hoặc tái cơ cấu nợ của DN; Đánh giá xem DN có được bảo lãnh để nhận các khoản tài trợ mới không. Xem xét các TK phải thu, đầu tư ngắn hạn, HTK, TSCĐ hoặc các khoản bảo lãnh; Xác định tính khả thi của việc được các bên thứ ba (gia đình, bạn bè…) bảo lãnh; Xác định ảnh hưởng của nguồn tài trợ mới đến hoạt động và dòng tiền (ví dụ: lịch trình trả nợ gốc và lãi)…
  • Đối với kế hoạch huy động thêm vốn, KTV phải: Xem xét nguồn vốn dự kiến huy động có đủ để đáp ứng nhu cầu trong 12 tháng tới không; Xem xét ảnh hưởng của các điều khoản tài trợ vốn (ví dụ: BGĐ mới, thay đổi hoạt động hoặc tái cơ cấu DN); Xem xét đối tượng cung cấp vốn có có đủ nguồn vốn theo yêu cầu và có cung cấp được trong thời hạn cần thiết không; Đánh giá ảnh hưởng của kế hoạch đối với các cổ đông hiện tại (nếu có).

Việc sử dụng giả định hoạt động liên tục là phù hợp nhưng có yếu tố không chắc chắn trọng yếu:

 Trường hợp này, KTV phải xác định xem BCTC có:

  • Trình bày đầy đủ các sự kiện hoặc điều kiện chủ yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị và kế hoạch của BGĐ đối với các sự kiện hoặc điều kiện này;
  • Trình bày rõ rằng có yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến sự kiện hoặc điều kiện đó có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị và do đó, đơn vị có thể sẽ không thực hiện được giá trị tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả của mình trong điều kiện kinh doanh bình thường.

Nếu BCTC của đơn vị đã có đủ các nội dung trên, KTV phải đưa ra BCKiT với ý kiến chấp nhận toàn phần có đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh”, trong đó nêu bật sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu và lưu ý người đọc tới thuyết minh BCTC trình bày các vấn đề liên quan đến giả định hoạt động liên tục.

Nếu BCTC của đơn vị không trình bày đủ các nội dung trên, KTV phải đưa ra ý kiến ngoại trừ hoặc ý kiến trái ngược phù hợp với từng trường hợp cụ thể theo quy định tại CMKiT số 705. 

Việc sử dụng giả định hoạt động liên tục là không phù hợp

Trường hợp này, KTV phải đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược, kể cả BCTC của đơn vị có hay không có thuyết minh về tính không phù hợp của giả định hoạt động liên tục.

Nếu BCTC được lập trên một cơ sở thay thế (ví dụ: cơ sở giá thanh lý hoặc giá thực tế có thể thực hiện), KTV có thể kiểm toán BCTC này nếu xét thấy cơ sở thay thế là có thể chấp nhận được trong trường hợp đó. Nếu BCTC có đủ thuyết minh cần thiết, KTV có thể đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần, tuy nhiên, vẫn có thể cân nhắc trình bày thêm đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” trong BCKiT để lưu ý người sử dụng báo cáo về cơ sở thay thế và lý do sử dụng cơ sở thay thế đó.

BGĐ đơn vị không thực hiện hoặc không mở rộng đánh giá về khả năng hoạt động liên tục

Trường hợp này, KTV có thể đưa ra ý kiến ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến trong BCKiT, vì không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến việc sử dụng giả định hoạt động liên tục trong việc lập và trình bày BCTC.

Liên kết với giấy làm việc khác

Liên kết đến các giấy làm việc chi tiết trong các phần hành kiểm toán.

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.