Bài viết tóm tắt các điểm mới thông tư 80/2021/TT-BTC: Nhà thầu nước ngoài theo quy định mới nhất và áp dụng công văn 4384/TCT-CS
Nội dung bài viết
1. Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam
- a) Các nguyên tắc chung:
– Cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối tượng này là Tổng cục Thuế.
– Việc đăng ký, kê khai, nộp thuế của NCCNN trực tiếp hoặc ủy quyền với cơ quan thuế trực tiếp quản lý sẽ bằng phương thức điện tử, trong đó sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử để thay chữ ký, không cần cung cấp bản giấy.
– Việc kê khai, khấu trừ, nộp thay và theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được thực hiện kể từ khi Tổng cục Thuế gửi thông báo cho Hội sở chính của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
– Việc đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài được thực hiện kể từ thời điểm có thông báo của Tổng cục Thuế về hệ thống đăng ký, kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài trên Cổng Thông tin điện tử đi vào hoạt động.
- b) Các hướng dẫn cụ thể:
b.1. Trường hợp NCCNN trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, kê khai và nộp thuế:
b.1.1. Trường hợp NCCNN trực tiếp thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế
Việc đăng ký, kê khai, nộp thuế cần phải đơn giản, không yêu cầu nộp trực tiếp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có của NCCNN để thực hiện các thủ tục này (ví dụ: như sử dụng tài khoản ngân hàng của NCCNN, không yêu cầu tài khoản ngân hàng tại VN, sử dụng email của NCCNN để xác thực giao dịch…)
– Về đăng ký thuế:
+ NCCNN được đăng ký thuế lần đầu, điều chỉnh hồ sơ đăng ký thuế. Các thủ tục này sẽ được xác thực bằng mã xác thực giao dịch, không cần nộp bản cứng.
+ Để thực hiện đăng ký lần đầu, NCCNN vẫn cần cung cấp đủ giấy tờ được dịch thuật công chứng sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh như Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận mã số thuế doanh nghiệp tại quốc gia nơi NCCNN đặt trụ sở chính.
– Về kê khai thuế (điểm mới thông tư 80):
+ Nhà cung cấp nước ngoài thực hiện khai thuế theo quý.
+ Số thuế được tính nộp bao gồm thuế TNDN và thuế GTGT theo quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 về thuế GTGT và Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 về thuế TNDN đối với từng sản phẩm, dịch vụ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Cụ thể như sau:
- Trường hợp NCCNN cung cấp hàng hóa thì NCCNN chỉ khai và tính thuế TNDN (do thuế GTGT đã nộp tại khâu hải quan).
- Trường hợp NCCNN cung cấp dịch vụ thì NCCNN khai và tính thuế GTGT và thuế TNDN.
+ NCCNN nếu phát hiện sai sót thì được lập tờ khai mới (trường hợp chưa đến hạn nộp thuế) hoặc khai bổ sung nếu tăng số thuế phải nộp (trường hợp đã hết hạn nộp thuế).
+ Sau khi NCCNN thực hiện khai thuế, điều chỉnh tờ khai, cơ quan thuế quản lý trực tiếp cấp 01 mã định danh khoản phải nộp và thông báo cho NCCNN qua email.
+ Để tránh xảy ra tranh chấp giữa các nước trong việc xác định địa điểm nơi phát sinh giao dịch, dự thảo bổ sung nguyên tắc xác định doanh thu phát sinh tại VN để kê khai, tính thuế như sau: Ba tiêu chí được sử dụng để xác định vị trí phát sinh giao dịch như sau: (i) Thông tin liên quan đến thanh toán; (ii) Thông tin liên quan đến tình trạng cư trú và (iii) Thông tin về truy cập. Nguyên tắc xác định là ưu tiên thông tin liên quan đến việc thanh toán, nếu 2 trong 3 tiêu chí (trong đó 1 tiêu chí là thông tin thanh toán) chỉ đến Việt Nam thì giao dịch đó được coi là phát sinh tại Việt Nam. Nếu không thể thu thập được thông tin thanh toán, thì 2 tiêu chí còn lại nếu chỉ đến Việt Nam thì giao dịch đó được coi là phát sinh tại Việt Nam (điểm mới thông tư 80).
+ Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm lưu trữ các thông tin được sử dụng để xác định giao dịch của tổ chức (cá nhân) mua hàng phát sinh tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều này phục vụ công tác thanh, kiểm tra của cơ quan thuế.
+ Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam thì thực hiện thủ tục miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần theo quy định.
– Về nộp thuế:
Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, trong đó đảm bảo ghi đúng mã định danh khoản phải nộp ngân sách do cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi.
Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thừa so với số thuế phải nộp theo tờ khai thì nhà cung cấp ở nước ngoài được bù trừ tự động với số thuế phải nộp ở kỳ kê khai, nộp thuế tiếp theo.
2.1.1. Trường hợp NCCNN ủy quyền thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế:
Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam (sau đây gọi là bên được ủy quyền), thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài. Căn cứ và phạm vi ủy quyền, trách nhiệm của mỗi bên quy định tại hợp đồng ủy quyền, bên được ủy quyền thực hiện thủ tục về thuế tương ứng quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế tương tự như trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài trực tiếp thực hiện.
2.2. Trường hợp NCCNN không trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định:
– Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài hoặc thực hiện phân phối hàng hoá, cung cấp dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài thì tổ chức mua hàng hoá, dịch vụ hoặc phân phối hàng hoá, dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
– Cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài mà nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78 thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
– Tổng cục Thuế có trách nhiệm thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho Hội sở chính của Ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hội sở chính có trách nhiệm thông báo danh sách nhà cung cấp ở nước ngoài cho các chi nhánh của ngân hàng để các chi nhánh thực hiện kê khai, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế khi thực hiện thanh toán cho các giao dịch với nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có). Số thuế kê khai, khấu trừ, nộp thay được xác định trên cơ sở doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được, tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng và tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu tương đương với tỷ lệ áp dụng trong trường hợp NCCNN tự đăng ký, kê khai, nộp thuế. Trường hợp không xác định được loại hàng hoá, dịch vụ của từng giao dịch thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT, thuế TNDN theo tỷ lệ cao nhất.
– Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài theo mẫu chậm nhất ngày 20 hằng tháng.
– Trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thể thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày thứ 10 hằng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu.
2. Về phối hợp quản lý thuế đối với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 83):
Điểm mới thông tư 80 Điểm mới: Sửa đổi hướng dẫn về phối hợp quản lý thuế TNDN đối với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, cụ thể:
Tổng cục Thuế phối hợp với Cục Tài chính – Bộ Quốc phòng, Cục Kế hoạch và Tài chính – Bộ Công an theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các công ty quốc phòng, an ninh thực hiện khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định (điểm mới thông tư 80).
Trước đây: Nội dung phối hợp quản lý thuế TNDN đối với doanh nghiệp an ninh quốc phòng được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật: Thông tư liên tịch số 206/2014/TTLT/BTC-BQP ngày 24/12/2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện khai nộp thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước đối với các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (Điều 5) và Thông tư liên tịch số 85/2005/TTLT/BTC-BCA ngày 26/09/2005 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ của các đơn vị thuộc Bộ Công an (Điểm 2 Mục III).
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Gia nhập Manabox từ 2017 và hiện đang đảm nhận vai trò làm Giám đốc vận hành, với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả cả về phương diện tình huống thực tiễn và cả góc độ quy định pháp lý.