Bài viết tóm tắt các điểm mới thông tư 80/2021/TT-BTC: Quy định chung theo quy định mới nhất và áp dụng công văn 4384/TCT-CS
Nội dung bài viết
- 1 1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
- 2 2. Về đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và tỷ giá giao dịch thực tế (Điều 4)
- 3 3. Về trách nhiệm quản lý thuế của cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ và cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước (Khoản 5, 6, 7 Điều 3 và Điều 5):
- 4 4. Về Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn (Chương II)
1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Thông tư này hướng dẫn đối với các khoản thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý theo quy định tại Điều 7, Điều 28, Điều 42, Điều 59, Điều 60, Điều 64, Điều 72, Điều 73, Điều 76, Điều 80, Điều 86, Điều 96, Điều 107 và Điều 124 của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 và Điều 30, Điều 39 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế (Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) đối với các nội dung về đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ và tỷ giá quy đổi; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; khai thuế, tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế, mẫu biểu khai thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế; xử lý đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, hồ sơ gia hạn nộp thuế; trình tự, thủ tục hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế; hồ sơ miễn thuế, giảm thuế; hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; xây dựng, thu thập xử lý thông tin và quản lý thông tin người nộp thuế; trình tự, thủ tục hồ sơ kiểm tra thuế; quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; kinh phí uỷ nhiệm thu.
2. Về đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi và tỷ giá giao dịch thực tế (Điều 4)
Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 1: Sửa đổi, bổ sung quy định về khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi đối với phí, lệ phí và các khoản thu khác do các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện thu; phí, lệ phí do các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam được phép thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ: thực hiện khai và nộp vào ngân sách nhà nước bằng loại ngoại tệ tự do chuyển đổi tương ứng với loại ngoại tệ được quy định tại văn bản quy định về mức thu phí, lệ phí để phù hợp với mức thu phí, lệ phí và thuận lợi cho người nộp thuế không phải chuyển đổi từ đồng tiền thu phí, lệ phí sang đồng tiền khai, nộp phí, lệ phí.
Trước đây: Tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định đồng tiền khai thuế (trừ hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên) là Đồng Việt Nam, áp dụng cho cả các khoản phí, lệ phí có mức thu bằng ngoại tệ nên người nộp thuế phải chuyển đổi giữa đồng tiền thu phí, lệ phí ngoại tệ sang đồng tiền khai, nộp phí, lệ phí bằng Đồng Việt Nam.
Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 2: Sửa đổi quy định về khai, nộp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí: thực hiện khai, nộp vào ngân sách nhà nước bằng loại ngoại tệ sử dụng trong giao dịch thanh toán (trừ trường hợp dầu thô, condensate, khí thiên nhiên bán tại thị trường Việt Nam hoặc Chính phủ có quy định khác) để phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế và thuận lợi cho người nộp thuế trong quá trình khai, nộp thuế là không phải chuyển đổi từ đồng tiền thu được trong thanh toán với đồng tiền khai, nộp thuế.
Trước đây: Quy định về đồng tiền khai thuế là đồng USD, đồng tiền nộp thuế bằng USD (xuất khẩu) hoặc Việt Nam Đồng (xuất bán tại thị trường Việt Nam hoặc Chính phủ có quy định khác theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ Tài chính.
Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 3: Bổ sung quy định về khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam: thực hiện khai và nộp vào ngân sách nhà nước bằng loại ngoại tệ tự do chuyển đổi để phù hợp với quy định mới về kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư này do nhà cung cấp ở nước ngoài có địa chỉ trụ sở tại nước khác nên không thể sử dụng Đồng Việt Nam để kê khai, nộp thuế cho cơ quan thuế Việt Nam. Nhà cung cấp ở nước ngoài được quyền lựa chọn một đồng tiền trong các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi đang sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh để làm đồng tiền khai, nộp thuế tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế không phải chuyển đổi giữa đồng tiền hiện có với đồng tiền khai, nộp thuế.
Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 3: Không hướng dẫn tỷ giá giao dịch thực tế để xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước mà thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán để thống nhất giữa quy định về quản lý thuế với quy định của pháp luật kế toán.
Trước đây: Tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015, Thông tư số 56/2008/TT-BTC ngày 23/6/2008, Thông tư số 22/2010/TT-BTC, Thông tư số 176/2014/TT-BTC ngày 17/11/2014, Thông tư số 36/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính quy định cụ thể về tỷ giá xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước nhưng vẫn dẫn chiếu theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp nên khi pháp luật về kế toán thay đổi sẽ dẫn đến không thống nhất giữa quy định về quản lý thuế và quy định về kế toán.
3. Về trách nhiệm quản lý thuế của cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ và cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước (Khoản 5, 6, 7 Điều 3 và Điều 5):
Điểm mới thông tư 80 Điểm mới: Bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cơ quan thuế trong việc quản lý thuế, gồm:
– Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư là:
+ Cơ quan thuế quản lý địa bàn trụ sở chính của người nộp thuế, trừ Cục Thuế Doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế;
+ Cơ quan thuế quản lý địa bàn nơi người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc khác tỉnh với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính nhưng đơn vị phụ thuộc trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế trên địa bàn;
+ Cục Thuế Doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế được thành lập theo quy định tại Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp là cơ quan thuế cấp mã số thuế và được thay đổi theo cơ quan thuế thực hiện quyết toán thuế cho cá nhân theo quy định;
+ Đối với cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là chứng khoán hoặc phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, thuộc diện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp là cơ quan thuế quản lý đơn vị phát hành; trường hợp có nhiều cơ quan thuế quản lý nhiều đơn vị phát hành thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp là cơ quan thuế nơi cá nhân nhận thừa kế, quà tặng cư trú.
Trên cơ sở khái niệm cơ quan thuế quản lý trực tiếp nêu trên thì tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư quy định trách nhiệm của cơ quan thuế quản lý trực tiếp thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý thuế đối với người nộp thuế của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, trừ các khoản thu do cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước thực hiện. Riêng đối với khoản thu được phân bổ cho các tỉnh khác theo quy định tại Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 Thông tư thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ trong việc quản lý thuế đối với khoản thu này.
– Cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ là cơ quan thuế thuộc địa bàn được nhận khoản thu ngân sách nhà nước do người nộp thuế xác định trên tờ khai thuế nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước.
Cơ quan thuế quản lý địa bàn nhận phân bổ gồm:
+ Cơ quan thuế tại địa bàn nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính nhưng không quản lý trực tiếp người nộp thuế: Đây là cơ quan thuế địa phương nơi người nộp thuế đóng trụ sở nhưng người nộp thuế do Cục Thuế Doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý.
+ Cơ quan thuế tại tỉnh khác với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính mà được hưởng khoản thu NSNN theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Thông tư này.
– Cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước là cơ quan thuế quản lý địa bàn nơi người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế và các thủ tục về thuế khác theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế hoặc theo văn bản phân công của cơ quan có thẩm quyền; nhưng không phải là cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế. Như vậy, đây là cơ quan thuế trực tiếp tiếp nhận hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế, hồ sơ đề nghị hoàn thuế, hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế của người nộp thuế đối với khoản thu phát sinh gắn với địa phương.
Trước đây: Mặc dù chưa có quy định riêng về trách nhiệm quản lý thuế của các cơ quan thuế nêu trên nhưng đã được quy định rải rác tại các Điều khoản về khai thuế, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế,… để xác định trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của từng cơ quan thuế.
4. Về Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn (Chương II)
Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 1: Bổ sung thêm thành phần tham gia Hội đồng tư vấn thuế bao gồm cả Tổ trưởng tổ dân phố hoặc cấp tương đương, Trưởng ban quản lý chợ là thành viên. Đồng thời bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp địa bàn hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định việc thành lập Hội đồng tư vấn thuế với các thành viên tương tự theo quy định tại điểm này (khoản 1 Điều 6).
Trước đây: Theo Thông tư số 208/2015/TT-BTC ngày 28/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn thì thành phần tham gia Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn không bao gồm Tổ trưởng tổ dân phố hoặc cấp tương đương, Trưởng ban quản lý chợ và không có hướng dẫn đối với trường hợp địa bàn hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã.
Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 2: Sửa đổi quy định số lượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tham gia Hội đồng tư vấn thuế tối đa không quá 05 người.
Trước đây: Theo Thông tư số 208/2015/TT-BTC ngày 28/12/2015 của Bộ Tài chính quy định số lượng hộ kinh doanh tham gia Hội đồng tư vấn thuế tùy theo số hộ kinh doanh tại địa bàn xã, phường, thị trấn tương ứng với các mức với ít nhất 1 hộ kinh doanh đến ít nhất 9 hộ kinh doanh tham gia Hội đồng tư vấn thuế.
Điểm mới 3: Sửa đổi quy định về thời hạn thành lập và hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế tối đa không quá 05 năm.
Trước đây: Theo Thông tư số 208/2015/TT-BTC ngày 28/12/2015 của Bộ Tài chính thì Hội đồng tư vấn thuế được thành lập và hoạt động theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.
Điểm mới 4: Bổ sung hướng dẫn về quan hệ công tác giữa Hội đồng tư vấn thuế với cơ quan thuế trong việc gửi hồ sơ tư vấn về kế hoạch triển khai công tác đôn đốc, quản lý hoạt động của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tại địa bàn.
Trước đây: Theo Thông tư số 208/2015/TT-BTC ngày 28/12/2015 của Bộ Tài chính thì Hội đồng tư vấn thuế chỉ tư vấn về doanh thu dự kiến, mức thuế dự kiến của hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung thêm nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn thuế trong việc phối hợp với cơ quan thuế đôn đốc các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
…
- Về quy định chuyển tiếp
– Quyết định gia hạn nộp thuế, Quyết định nộp dần tiền thuế nợ, Thông báo chấp nhận không tính tiền chậm nộp đã ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực được thực hiện đến hết thời gian ghi trên Quyết định, Thông báo.
– Các khoản nộp thừa của người nộp thuế theo quy định tại Điều 26 Thông tư này (bao gồm cả các khoản phát sinh trước thời điểm Thông tư có hiệu lực), cơ quan thuế thực hiện các thủ tục xử lý không hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo quy định tại Điều 26 Thông tư này.
– Quy định tại Điều 13 (trừ khoản 4), Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17 (trừ khoản 4, khoản 5 Điều 17), Điều 18, Điều 19 (trừ điểm a.2 khoản 3 Điều 19) Thông tư này được thực hiện kể từ năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành.
– Đối với cá nhân nộp hồ sơ khai thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 11 Điều 2 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ và khoản 5 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.
– Đối với các nhà máy thủy điện đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tỷ lệ phân bổ nghĩa vụ thuế trước khi Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo nội dung đã hướng dẫn của Bộ Tài chính.
– Đối với người nộp thuế kinh doanh dịch vụ viễn thông có chi nhánh hạch toán phụ thuộc ở tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính cùng tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 01/GTGT, phụ lục bảng phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu theo mẫu số 01-6/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Việt Anh gia nhập Manabox từ năm 2017 và hiện đang làm Giám đốc vận hành tại Manabox Việt Nam. Với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả.