Điểm mới thông tư 80/2021/TT-BTC: Phân bổ thuế

Bài viết tóm tắt các điểm mới thông tư 80/2021/TT-BTC: Phân bổ thuế cho đơn vị trực thuộc (Chi nhánh, địa điểm…) theo quy định mới nhất và áp dụng công văn 4384/TCT-CS

1.      Về phân bổ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế hạch toán tập trung có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác nơi có trụ sở chính (Điều 12)

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 1: Sửa đổi quy định về nguyên tắc phân bổ nghĩa vụ thuế cho các tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính là người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và phân bổ số thuế phải nộp cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh.

Trước đây: Tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc phân bổ đối với người nộp thuế hạch toán tập trung có cơ sở sản xuất kinh doanh khác tỉnh thì nộp hồ sơ khai thuế cho cả cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính và cơ quan thuế quản lý khoản thu phân bổ.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 2: Sửa đổi quy định về nộp thuế của người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính có khoản thu phân bổ cho các địa bàn cấp tỉnh nơi có  đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh theo hướng người nộp thuế chỉ lập một chứng từ nộp tiền để nộp tiền vào NSNN cho từng tỉnh và nộp tại trụ sở chính. Kho bạc Nhà nước nơi tiếp nhận chứng từ nộp NSNN của người nộp thuế sẽ hạch toán khoản thu cho từng địa bàn cấp tỉnh nơi được nhận khoản thu phân bổ (Khoản 4).

Trước đây: Tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính quy định người nộp thuế lập chứng từ nộp thuế cho địa phương nơi có trụ sở chính và từng địa phương, đồng thời nộp tiền vào ngân sách nhà của từng địa phương nơi được hưởng khoản thu phân bổ.

Điểm mới 3: Bổ sung quy định cụ thể trường hợp qua thanh tra, kiểm tra phát hiện người nộp thuế kê khai không đúng quy định thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính xác định lại số phải phân bổ cho các tỉnh nơi được hưởng nguồn thu phân bổ để đảm bảo người nộp thuế phải xác định đúng và cơ quan thuế có quyền xác định lại và xử lý vi phạm nếu người nộp thuế không thực hiện phân bổ cho các địa phương theo đúng quy định.

2.      Về phân bổ thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp (Điều 13)

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 1: Bỏ quy định khai thuế GTGT phải nộp đối với hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh nhưng không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính.

Trước đây: Tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính và điểm e khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính quy định khai vãng lai đối với hoạt động bán hàng ngoại tỉnh nhưng không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 2: Sửa đổi quy định về phân bổ thuế GTGT phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính:

– Về đối tượng phân bổ: Người nộp thuế có hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính, trừ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

– Về tỷ lệ phân bổ: 1% trên doanh thu chưa có thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại từng tỉnh.

– Về cách thức bù trừ số thuế GTGT đã nộp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại tỉnh khác với số thuế GTGT phải nộp của trụ sở chính: Người nộp thuế không phải kê khai vào chỉ tiêu trên tờ khai thuế mà cơ quan thuế quản lý trụ sở chính và cơ quan thuế nhận khoản thu phân bổ sẽ tự thực hiện luân chuyển chứng từ nộp tiền để bù trừ nghĩa vụ phải nộp tại trụ sở chính cho người nộp thuế.

– Giảm tỷ lệ khai, nộp thuế GTGT vãng lai để vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc khai, nộp thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại tỉnh khác cho cơ quan thuế nơi có hoạt động vãng lai (giảm tỷ lệ phải nộp vãng lai, số thuế GTGT đã nộp vãng lai không chuyển thành số thuế GTGT còn được khấu trừ), đồng thời bổ sung quy định về việc hoàn trả số thuế GTGT nộp thừa tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính khi người nộp thuế có số thuế GTGT phải nộp nhỏ hơn số thuế GTGT đã nộp, khắc phục được việc không hoàn trả số thuế GTGT nộp thừa cho người nộp thuế như quy định trước đây.

 – Quy định mới này chỉ áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới (thời kỳ ổn định ngân sách này vẫn thực hiện theo tỷ lệ cũ) nên Tổng cục Thuế đã hướng dẫn địa phương xây dựng dự toán của thời kỳ ổn định ngân sách mới để đảm bảo nguồn thu cho các tỉnh có khoản thu vãng lai này.

Trước đây:

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC) hướng dẫn:

– Về đối tượng phân bổ: Người nộp thuế có hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính.

– Về tỷ lệ phân bổ: 2% đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế GTGT 10%.

– Về cách thức bù trừ số thuế GTGT đã nộp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại tỉnh khác với số thuế GTGT phải nộp của trụ sở chính: Người nộp thuế kê khai số thuế đã nộp theo chứng từ nộp tiền của người nộp thuế vào bảng kê 01-5/GTGT và tổng hợp khai vào chỉ tiêu [39] trên Tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 3: Sửa đổi quy định về phân bổ thuế GTGT phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xây dựng tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính:

– Về đối tượng phân bổ: Thống nhất sử dụng ngành nghề “xây dựng” theo quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế quốc dân, bao gồm tất cả các ngành thuộc ngành cấp 1 – xây dựng (mã F) ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

– Về đối tượng khai thuế, nộp thuế: Nhà thầu, nhà thầu phụ xây dựng, ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư (bao gồm hợp đồng, phụ lục hợp đồng) để thi công công trình xây dựng tại tỉnh khác với nơi có trụ sở chính của người nộp thuế.

– Về tỷ lệ phân bổ: 1% trên doanh thu của công trình, hạng mục công trình xây dựng tại từng tỉnh. Trường hợp công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu của công trình tại từng tỉnh thì sau khi xác định tỷ lệ 1% trên doanh thu của công trình, hạng mục công trình xây dựng, người nộp thuế căn cứ vào tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư để xác định số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh.

– Về cách thức bù trừ số thuế GTGT đã nộp của hoạt động xây dựng tại tỉnh khác với số thuế GTGT phải nộp của trụ sở chính: Người nộp thuế không phải kê khai vào chỉ tiêu trên tờ khai thuế mà cơ quan thuế quản lý trụ sở chính và cơ quan thuế nhận khoản thu phân bổ sẽ tự thực hiện luân chuyển chứng từ nộp tiền để bù trừ nghĩa vụ phải nộp tại trụ sở chính cho người nộp thuế.

Lý do sửa đổi:

– Giảm tỷ lệ khai, nộp thuế GTGT vãng lai để vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc khai, nộp thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại tỉnh khác cho cơ quan thuế nơi có hoạt động vãng lai (giảm tỷ lệ phải nộp vãng lai, số thuế GTGT đã nộp vãng lai không chuyển thành số thuế GTGT còn được khấu trừ), đồng thời bổ sung quy định về việc hoàn trả số thuế GTGT nộp thừa tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính khi người nộp thuế có số thuế GTGT phải nộp nhỏ hơn số thuế GTGT đã nộp, khắc phục được việc không hoàn trả số thuế GTGT nộp thừa cho người nộp thuế như quy định trước đây.

 – Quy định mới này chỉ áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới (thời kỳ ổn định ngân sách này vẫn thực hiện theo tỷ lệ cũ) nên Tổng cục Thuế đã hướng dẫn địa phương xây dựng dự toán của thời kỳ ổn định ngân sách mới để đảm bảo nguồn thu cho các tỉnh có khoản thu vãng lai này.

Trước đây:

Tại Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC) quy định:

– Về tỷ lệ phân bổ: 2% trên doanh thu của công trình, hạng mục công trình xây dựng tại từng tỉnh. Trường hợp công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu của công trình tại từng tỉnh thì sau khi xác định tỷ lệ 2% trên doanh thu của công trình, hạng mục công trình xây dựng, người nộp thuế căn cứ vào tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư để xác định số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh.

– Về cách thức bù trừ số thuế GTGT đã nộp của hoạt động xây dựng tại tỉnh khác với số thuế GTGT phải nộp của trụ sở chính: Người nộp thuế kê khai số thuế đã nộp theo chứng từ nộp tiền của người nộp thuế vào bảng kê 01-5/GTGT và tổng hợp khai vào chỉ tiêu [39] trên Tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 4: Bỏ tiêu thức xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra để phân bổ thuế GTGT phải nộp đối với cơ sở sản xuất là doanh thu của sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất mà chỉ sử dụng thống nhất một tiêu thức giá thành sản phẩm để xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra.

Trước đây:

Tại điểm d khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC hướng dẫn:

“……………

Việc xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản phẩm hoặc doanh thu của sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

……………”.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 5: Pháp lý hóa quy định về phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán khác tỉnh.

Trước đây: Người nộp thuế thực hiện phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán khác tỉnh theo hướng dẫn tại công văn số 4311/TCT-DNL ngày 03/10/2014 của Tổng cục Thuế.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 6: Sửa đổi quy định về Kho bạc nhà nước (KBNN) thực hiện khấu trừ tiền thuế GTGT của các nhà thầu khi thực hiện thủ tục thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách nhà nước (NSNN) cho chủ đầu tư tại khoản 5 Điều 13:

– Sửa đổi quy định về KBNN không thực hiện khấu trừ thuế GTGT gồm:

+ Chủ đầu tư làm thủ tục tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định.

+ Các khoản thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các hoạt động quản lý dự án: thanh toán cho các công việc quản lý dự án cho chủ đầu tư trực tiếp thực hiện; các khoản chi của ban quản lý dự án, chi giải phóng mặt bằng, chi đối với các dự án do dân sự làm.

+ Các khoản chi phí đầu tư xây dựng của các dự án, công trình thuộc ngân sách xã có tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng.

+ Các trường hợp người nộp thuế chứng minh đã nộp đầy đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

– Sửa đổi tỷ lệ khấu trừ thuế GTGT của KBNN: 1% trên doanh thu chưa có thuế GTGT của công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản. Trường hợp công trình, hạng mục công trình xây dựng nằm trên nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu của công trình ở từng tỉnh thì sau khi xác định tỷ lệ 1% trên doanh thu chưa có thuế GTGT của công trình, hạng mục công trình xây dựng, căn cứ vào tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư để xác định số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh.

Trước đây:

Tại Khoản 3 Điều 28 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính (bao gồm cả nội dung sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) hướng dẫn:

“3. KBNN nơi chủ đầu tư mở tài khoản giao dịch có trách nhiệm khấu trừ số thuế GTGT để nộp vào NSNN khi chủ đầu tư đến làm thủ tục thanh toán theo tỷ lệ quy định là 2% trên số tiền thanh toán khối lượng các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn NSNN, các khoản thanh toán từ nguồn NSNN cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế GTGT (phần vốn đối ứng trong nước thanh toán tại KBNN cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án ODA).

KBNN chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT đối với trường hợp chủ đầu tư làm thủ tục tạm ứng vốn khi chưa có khối lượng công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản hoàn thành.

Các khoản thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản không có hợp đồng kinh tế như: thanh toán cho các công việc quản lý dự án do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện; các khoản chi của ban quản lý dự án, chi giải phóng mặt bằng, chi đối với các dự án do dân tự làm,…; các khoản thanh toán đối với các công trình xây dựng cơ bản thuộc các dự án ODA, mà chủ đầu tư không thực hiện mở tài khoản và thanh toán qua KBNN; các khoản thanh toán vốn của các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng chi từ tài khoản tiền gửi tại KBNN mà KBNN không thực hiện kiểm soát chi; các trường hợp người nộp thuế chứng minh đã nộp đầy đủ tiền thuế vào NSNN thì không thuộc phạm vi khấu trừ thuế GTGT hướng dẫn tại Điều này”.

3.      Khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 14)

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới: Pháp lý hóa quy định về phân bổ số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán khác tỉnh.

Trước đây: Người nộp thuế thực hiện phân bổ số thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán khác tỉnh theo hướng dẫn tại công văn số 4311/TCT-DNL ngày 03/10/2014 của Tổng cục Thuế.

4.      Về khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế bảo vệ môi trường (Điều 16)

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới: Bổ sung tiêu thức phân bổ số thuế bảo vệ môi trường (BVMT) phải nộp đối với xăng dầu cho từng tỉnh nơi có đơn vị phụ thuộc của thương nhân đầu mối hoặc đơn vị phụ thuộc của công ty con theo quy định tại Luật Doanh nghiệp của thương nhân đầu mối mà đơn vị phụ thuộc không hạch toán kế toán để khai riêng được thuế bảo vệ môi trường như sau:

Số thuế BVMT phải nộp đối với xăng dầu cho từng tỉnh nơi có đơn vị phụ thuộc bằng (=) tổng số thuế BVMT phải nộp phân bổ cho từng tỉnh của các mặt hàng xăng dầu.

Số thuế BVMT phải nộp phân bổ cho từng tỉnh theo từng mặt hàng xăng dầu = số thuế BVMT phải nộp của từng mặt hàng xăng dầu trên tờ khai thuế nhân (x) với tỷ lệ (%) giữa sản lượng của từng mặt hàng xăng dầu do đơn vị phụ thuộc bán ra thuộc đối tượng phải kê khai, tính thuế BVMT trên tổng sản lượng của từng mặt hàng xăng dầu bán ra thuộc đối tượng phải kê khai, tính thuế BVMT của người nộp thuế.

5.      Về khai thuế, tính thuế, quyết toán thuế, phân bổ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 17)

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 1: Sửa đổi tiêu thức phân bổ số thuế TNDN tạm nộp quý và số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm của người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất tại địa bàn cấp tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính: theo tỷ lệ (%) giữa chi phí của từng cơ sở sản xuất trên tổng chi phí của người nộp thuế (không bao gồm chi phí của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN). Chi phí để xác định tỷ lệ phân bổ là chi phí thực tế phát sinh của kỳ tính thuế.

Trước đây: Theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính thì Chi phí để xác định tỷ lệ phân bổ được căn cứ vào số liệu quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp năm trước liền kề năm tính thuế do doanh nghiệp tự xác định để làm căn cứ xác định kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các năm sau.

Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động có các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc ở các địa phương, số liệu để xác định tỷ lệ chi phí của trụ sở chính và các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc do doanh nghiệp tự xác định căn cứ theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và tỷ lệ này được sử dụng ổn định từ năm 2009 trở đi.

Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp đang hoạt động có thành lập thêm hoặc thu hẹp các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc ở các địa phương thì doanh nghiệp phải tự xác định tỷ lệ chi phí cho kỳ tính thuế đầu tiên đối với các trường hợp có sự thay đổi này. Từ kỳ tính thuế tiếp theo tỷ lệ chi phí được sử dụng ổn định theo nguyên tắc nêu trên.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 2: Sửa đổi quy định về tiêu thức phân bổ số thuế TNDN tạm nộp quý và số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (không bao gồm số thuế đã tạm nộp cho doanh thu thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng hoặc cho thuê mua, có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ mà doanh thu này chưa được tính vào doanh thu tính thuế TNDN trong năm) tại địa bàn cấp tỉnh khác với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính theo tỷ lệ 1% doanh thu tính thuế TNDN. Cuối năm khi quyết toán chung tại trụ sở chính thì xác định số phải nộp theo kết quả hoạt động kinh doanh thực tế của toàn bộ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong năm. Số thuế TNDN đã tạm nộp trong năm tại các tỉnh được bù trừ với số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của từng tỉnh trên mẫu số 03-8A/TNDN, sau đó tiếp tục bù trừ với số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo quyết toán tại trụ sở chính trên mẫu số 03/TNDN.

Lý do sửa đổi:

– Thống nhất về tỷ lệ nộp của tất cả hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho địa phương nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản (gồm cả hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà theo dự án để chuyển nhượng hoặc cho thuê mua, có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) vì theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định về tỷ lệ thu đối với doanh nghiệp có thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng hoặc cho thuê mua, có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ là 1% trên số tiền thu được, đây là hoạt động phổ biến.

– Tránh việc các địa phương ép doanh nghiệp phải thành lập chi nhánh hạch toán độc lập để kê khai thuế TNDN riêng cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương.

– Đây chỉ là hình thức tạm nộp trong năm, cuối năm người nộp thuế xác định số nộp chính thức khi quyết toán thuế nên việc xác định theo quy định trước đây sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phải xác định đầy đủ kết quả hoạt động chuyển nhượng bất động sản gồm doanh thu, chi phí, lãi/lỗ và thường không có đầy đủ ngay mà phải khi quyết toán mới xác định được đầy đủ, nhất là yếu tố chi phí.

– Song song với việc sửa đổi về tỷ lệ tạm nộp trong năm nêu trên, Thông tư cũng đã bổ sung các quy định cho doanh nghiệp kê khai khi quyết toán thuế và hoàn thuế hoặc bù trừ vào năm sau tại trụ sở chính nếu có số nộp thừa khi quyết toán (trong năm nộp nhiều hơn số phát sinh phải nộp thực tế theo quyết toán), tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách tạm nộp thuế cho các địa phương.

Trước đây: Tại Thông tư số 151/2015/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính quy định: Người nộp thuế không phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản khai thuế TNDN theo từng lần chuyển nhượng bất động sản; Người nộp thuế phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển nhượng bất động sản thực hiện nộp thuế TNDN tạm tính hàng quý tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo kết quả hoạt động kinh doanh thực tế. Cuối năm, người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuế TNDN cho toàn bộ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã tạm nộp thuế TNDN theo quý hoặc theo từng lần phát sinh tại trụ sở chính.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 3: Pháp lý hóa quy định về phân bổ số thuế TNDN phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán khác tỉnh.

Trước đây: Người nộp thuế thực hiện phân bổ số thuế TNDN phải nộp đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán khác tỉnh theo tỷ lệ doanh thu tiêu thụ trên địa bàn theo hướng dẫn tại công văn số 4311/TCT-DNL ngày 03/10/2014 của Tổng cục Thuế.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 4: Bỏ tiêu thức phân bổ theo tỷ lệ sản lượng điện sản xuất của nhà máy thủy điện với tổng sản lượng điện sản xuất của cơ sở sản xuất thủy điện đối với trường hợp cơ sở sản xuất thủy điện có nhiều nhà máy thủy điện trong đó có nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi cơ sở sản xuất thủy điện đóng trụ sở nếu không xác định được tỷ lệ chi phí của từng nhà máy thủy điện.

Trước đây: Tại Thông tư số 151/2015/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính quy định: “Trường hợp cơ sở sản xuất thủy điện có nhiều nhà máy thủy điện trong đó có nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi cơ sở sản xuất thủy điện đóng trụ sở, nếu không xác định được tỷ lệ chi phí của từng nhà máy thủy điện do thực hiện hạch toán kế toán tập trung, không tổ chức hạch toán kế toán riêng cho từng nhà máy thủy điện thì số thuế TNDN tính nộp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà máy thủy điện được xác định bằng số thuế TNDN phải nộp trong kỳ nhân (x) tỷ lệ sản lượng điện sản xuất của nhà máy thủy điện với tổng sản lượng điện sản xuất của cơ sở sản xuất thủy điện”.

6.      Về khai thuế, tính thuế, phân bổ, quyết toán thuế và nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ (Điều 18)

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 1: Về cách xác định tỷ lệ số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp theo quyết toán năm theo quy định tại Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP: Tại mẫu biểu hồ sơ khai quyết toán khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ ban hành kèm theo Thông tư đã quy định cách thức xác định là số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp 3 quý đầu năm tính thuế trên số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp của 3 quý đầu năm theo quyết toán năm (chỉ tiêu 27- Chênh lệch giữa 75% số lợi nhuận sau thuế còn lại phải nộp và số lợi nhuận sau thuế đã tạm nộp 03 quý đầu năm). Trường hợp người nộp thuế có số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp 3 quý đầu năm tính thuế trên số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp của 3 quý đầu năm theo quyết toán năm nhỏ hơn 75% mới bị tính tiền chậm nộp trên số số lợi nhuận sau thuế còn lại nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ quý 03 đến ngày nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Trước đây: Tại Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/4/2016 của Bộ Tài chính quy định:

“3. Trường hợp tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp của năm tài chính thấp hơn số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp theo quyết toán năm từ 20% trở lên thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số phải nộp theo quyết toán với số đã tạm nộp tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp quý bốn đến ngày thực nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn thiếu so với số quyết toán.

Đối với tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp theo quý thấp hơn số phải nộp theo quyết toán năm dưới 20% mà doanh nghiệp chậm nộp so với thời hạn quy định thì tính tiền chậm nộp kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm đến ngày thực nộp vào ngân sách nhà nước số còn thiếu so với số quyết toán”.

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới 2: Pháp lý hóa quy định về phân bổ lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán khác tỉnh.

Trước đây: Người nộp thuế thực hiện phân bổ lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán khác tỉnh theo tỷ lệ doanh thu tiêu thụ trên địa bàn theo hướng dẫn tại công văn số 4311/TCT-DNL ngày 03/10/2014 của Tổng cục Thuế.

7.      Bổ sung tại điểm mới về phân bổ thuế GTGT, thuế TNDN, thuế tài nguyên phải nộp cho từng tỉnh nơi có nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh (Điều 13, Điều 15, Điều 17):

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới: Bỏ quy định báo cáo Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để hướng dẫn tỷ lệ phân chia thuế TNDN, thuế GTGT, thuế tài nguyên.

Trước đây: Khoản 6 Điều 23 Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định cục Thuế địa phương nơi có trụ sở nhà máy sản xuất thủy điện có trách nhiệm chủ trì phối hợp với chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện và các Cục Thuế địa phương nơi có chung nhà máy thủy điện xác định giá trị đầu tư của nhà máy (tuabin, đập thủy điện và các cơ sở vật chất chủ yếu của nhà máy thủy điện); diện tích lòng hồ thủy điện; kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư; số hộ dân phải di chuyển tái định cư và giá trị đền bù thiệt hại vật chất vùng lòng hồ thuộc địa bàn từng tỉnh và báo cáo Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) trước ngày 30 tháng 6 năm trước liền kề năm nhà máy đi vào hoạt động để hướng dẫn tỷ lệ phân chia thuế TNDN, thuế GTGT, thuế tài nguyên.

8.      Về khai thuế, tính thuế, phân bổ thuế thu nhập cá nhân (Điều 19)

Điểm mới thông tư 80 Điểm mới: Pháp lý hóa quy định về phân bổ số thuế TNCN phải nộp đối với thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và thuế TNCN từ trúng thưởng của cá nhân trúng thưởng xổ số điện toán.

Trước đây: Người nộp thuế thực hiện phân bổ số thuế TNCN phải nộp đối với thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo hướng dẫn tại công văn số 1754/TCT-TNCN ngày 27/4/2016 của Tổng cục Thuế. Đối với thuế TNCN từ trúng thưởng của cá nhân trúng thưởng xổ số điện toán thì việc phân bổ thuế đã được quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 122/NĐ-CP ngày 13/11/2017, tuy nhiên về thủ tục kê khai phân bổ thuế TNCN thì người nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 1754/TCT-TNCN ngày 27/4/2016 của Tổng cục Thuế.

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.