Hạch toán Hàng mua đang đi đường (Có ví dụ)

Bài viết hướng dẫn hạch toán Hàng mua đang đi đường – Hướng dẫn chi tiết có ví dụ minh họa đính kèm để người đọc hiểu trình tự.

Tình huống

Giao dịch này thường gặp khi phát sinh các loại vật tư hàng hóa nhập khẩu có sự chênh lệch về thời gian giữa thời điểm thực tế nhập kho và thời điểm hàng tồn kho được chuyển giao. Cụ thể, doanh nghiệp thường bỏ sót ghi nhận bút toán hàng đang đi đường thời điểm cuối năm với các lô hàng nhập khẩu theo điều khoản incoterm đầu C, F…

Thời điểm ghi nhận: Về mặt nguyên tắc kế toán, tài sản được ghi nhận trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp có quyền kiểm soát tài sản

Nguyên tắc hạch toán và tài khoản sử dụng

Tài khoản 151 - Thông tư 200/2014/TT-BTC

Điều 24. Tài khoản 151 – Hàng mua đang đi đường

1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá của các loại hàng hóa, vật tư (nguyên liệu, vật liệu; công cụ, dụng cụ; hàng hóa) mua ngoài đã thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp còn đang trên đường vận chuyển, ở bến cảng, bến bãi, kho ngoại quan hoặc đã về đến doanh nghiệp nhưng đang chờ kiểm nhận nhập kho.

b) Hàng hóa, vật tư được coi là thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng chưa nhập kho, bao gồm:

– Hàng hóa, vật tư mua ngoài đã thanh toán tiền hoặc đã chấp nhận thanh toán nhưng còn để ở kho người bán, ở bến cảng, bến bãi hoặc đang trên đường vận chuyển;

– Hàng hóa, vật tư mua ngoài đã về đến doanh nghiệp nhưng đang chờ kiểm nghiệm, kiểm nhận nhập kho.

c) Kế toán hàng mua đang đi đường được ghi nhận trên tài khoản 151 theo nguyên tắc giá gốc quy định trong Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho”.

d) Hàng ngày, khi nhận được hóa đơn mua hàng, nhưng hàng chưa về nhập kho, kế toán chưa ghi sổ mà tiến hành đối chiếu với hợp đồng kinh tế và lưu hóa đơn vào tập hồ sơ riêng: “Hàng mua đang đi đường”.

Trong tháng, nếu hàng về nhập kho, kế toán căn cứ vào phiếu nhập kho và hóa đơn mua hàng ghi sổ trực tiếp vào các tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu”, tài khoản 153 “Công cụ, dụng cụ”, tài khoản 156 “Hàng hóa”, tài khoản 158 “Hàng hoá kho bảo thuế”.

đ) Nếu cuối tháng hàng vẫn chưa về thì căn cứ hóa đơn mua hàng ghi vào tài khoản 151 “Hàng mua đang đi đường”. Kế toán phải mở chi tiết để theo dõi hàng mua đang đi đường theo từng chủng loại hàng hóa, vật tư, từng lô hàng, từng hợp đồng kinh tế.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 151 – Hàng mua đang đi đường

Bên Nợ:

– Trị giá hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường;

– Kết chuyển trị giá thực tế của hàng vật tư mua đang đi đường cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Bên Có:

– Trị giá hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường đã về nhập kho hoặc đã chuyển giao thẳng cho khách hàng;

– Kết chuyển trị giá thực tế của hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).

Số dư bên Nợ: Trị giá hàng hóa, vật tư đã mua nhưng còn đang đi đường (chưa về nhập kho doanh nghiệp).

3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

a) Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.

– Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào hóa đơn mua hàng của các loại hàng mua chưa về nhập kho, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi đường (giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 331 – Phải trả cho người bán; hoặc

Có các TK 111, 112, 141,…

– Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị hàng mua bao gồm cả thuế GTGT

– Sang tháng sau, khi hàng về nhập kho, căn cứ hóa đơn và phiếu nhập kho, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Nợ TK 156 – Hàng hóa

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

– Trường hợp sang tháng sau hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường không nhập kho mà giao thẳng cho khách hàng theo hợp đồng kinh tế tại phương tiện, tại kho người bán, tại bến cảng, bến bãi, hoặc gửi thẳng cho khách hàng, gửi bán đại lý, ký gửi, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán; hoặc

Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

– Trường hợp hàng mua đang đi đường bị hao hụt, mất mát phát hiện ngay khi phát sinh hoặc khi kiểm kê cuối kỳ, căn cứ vào biên bản về mất mát, hao hụt, kế toán phản ánh giá trị hàng tồn kho bị mất mát, hao hụt, ghi:

Nợ TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

b) Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

– Đầu kỳ, kế toán căn cứ trị giá thực tế hàng hoá, vật tư đang đi đường đã kết chuyển cuối kỳ trước kết chuyển trị giá thực tế của hàng hóa, vật tư đang đi đường đầu kỳ, ghi:

Nợ TK 611 – Mua hàng

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

– Cuối kỳ, kế toán căn cứ vào kết quả kiểm kê xác định trị giá thực tế của hàng hóa, vật tư đã mua nhưng chưa về nhập kho (còn đang đi đường cuối kỳ), ghi:

Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi đường

Có TK 611 – Mua hàng.

Ví dụ minh họa và chứng từ kế toán

Tại ngày 31/12/N, công ty có thông tin về lô hàng nhập khẩu điều khoản CIP theo 

  • Hóa đơn số V210379 ngày 9/11/2021
  • Vận đơn (Bill of Lading) ngày 24/12/2021
  • Tờ khai nhập khẩu thông quan ngày 4/1/2022

Bút toán ghi sổ cụ thể

Như vậy, tại ngày 24/12/2021, doanh nghiệp cần ghi nhận bút toán 

Nợ TK 151

Có TK 331

Đến kỳ sau, tại ngày thực tế hàng về nhập kho thì kết chuyển

Nợ TK 152, 153, 156…

Có TK 151

Tình huống của Bộ Tài chính

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.