Hạch toán tiền hoàn thuế – Accounting for Tax refund

Hạch toán tiền hoàn thuế như thế nào, cùng tham khảo bài viết sau theo quy định tại chế độ kế toán hiện nay và quy định thuế

1. Hoàn thuế GTGT

1.1. Hướng dẫn hạch toán

 Khi được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ, ghi:

Nợ các TK 111, 112,….: Phần thuế đủ điều kiện được hoàn bằng tiền

Nợ TK Chi phí (632, 641, 642…) hoặc Nợ TK Tài sản (211…): Phần thuế GTGT đầu vào không được hoàn thuế GTGT, không được chuyển sang kỳ sau do cơ quan thuế loại ra thì tính vào chi phí, kinh doanh

Có TK 133: Thuế GTGT đã đề nghị hoàn

1.2. Ví dụ

Trích quyết định hoàn thuế GTGT như dưới đây, doanh nghiệp đã nhận được tiền gửi ngân hàng tiền hoàn thuế

Khi đó hạch toán như sau

  • Nợ TK 112: 6.071.555.661
  • Nợ TK 642: 389.532.686
  • Có TK 133: 6.461.088.347
Quy định tại thông tư 200/2014/TT-BTC

Điều 19. Tài khoản 133 – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, đã khấu trừ và còn được khấu trừ của doanh nghiệp.

b) Kế toán phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Trường hợp không thể hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào được hạch toán vào tài khoản 133. Cuối kỳ, kế toán phải xác định số thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.

c) Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được tính vào giá trị tài sản được mua, giá vốn của hàng bán ra hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.

d) Việc xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kê khai, quyết toán, nộp thuế phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về thuế GTGT.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Bên Nợ:

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Bên Có:

– Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;

– Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;

– Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được giảm giá;

– Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.

Số dư bên Nợ:

Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ, số thuế GTGT đầu vào được hoàn lại nhưng NSNN chưa hoàn trả.

Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 2:

– Tài khoản 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.

– Tài khoản 1332 – Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định: Phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, của quá trình mua sắm bất động sản đầu tư.

Hạch toán truy thu phạt thuế – Accounting for Tax Penalty

2. Hoàn thuế xuất khẩu, nhập khẩu… ở khâu xuất nhập khẩu

2.1. Hướng dẫn hạch toán

Nhìn chung, các khoản thuế được hoàn, được giảm ở khâu xuất nhập khẩu được phân biệt

  • Số thuế được hoàn ở khâu nhập khẩu mua hàng
    • Ghi giảm giá trị hàng mua hoặc giảm giá vốn hàng bán, giảm chi phí khác tùy theo từng trường hợp (Có TK Chi phí (632, 641, 642…) hoặc Có TK Tài sản (211…))
    • Riêng thuế GTGT đầu vào được hoàn ghi giảm số thuế GTGT được khấu trừ như mục 1.1
  • Số thuế được hoàn ở khâu xuất khẩu bán hàng
    • Ghi tăng thu nhập khác (Có TK 711)

2.2. Ví dụ minh họa

Ví dụ, cơ quan Hải quan ban hành quyết định hoàn thuế nộp thừa của hàng nhập khẩu

Khi đó hạch toán như sau

  • Nợ TK 112: 112.251.005
  • Có TK 632: 102.955.459
  • Có TK 133: 10.295.546
Quy định tại thông tư 200/2014/TT-BTC

d) Đối với các khoản thuế được hoàn, được giảm, kế toán phải phân biệt rõ số thuế được hoàn, được giảm là thuế đã nộp ở khâu mua hay phải nộp ở khâu bán và thực hiện theo nguyên tắc:

– Đối với số thuế đã nộp ở khâu mua được hoàn lại (ví dụ trong giao dịch tạm nhập – tái xuất, các khoản thuế TTĐB, thuế NK, thuế BVMT đã nộp được hoàn lại khi tái xuất…), kế toán ghi giảm giá trị hàng mua hoặc giảm giá vốn hàng bán, giảm chi phí khác tùy theo từng trường hợp cụ thể. Riêng thuế GTGT đầu vào được hoàn ghi giảm số thuế GTGT được khấu trừ;

– Đối với số thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng nhập khẩu không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, khi tái xuất được hoàn thì kế toán ghi giảm khoản phải thu khác (ví dụ thuế nhập khẩu đã nộp của hàng nhận gia công được hoàn lại khi tái xuất…);

– Đối với số thuế phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được giảm, được hoàn, kế toán ghi nhận vào thu nhập khác (ví dụ hoàn thuế xuất khẩu, giảm số thuế TTĐB, GTGT, BVMT phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ)…

…Tài khoản 632

g) Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá trị hàng mua, nếu khi xuất bán hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại thì được ghi giảm giá vốn hàng bán.

d) Kế toán hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu:

– Thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất hàng hóa, ghi:

Nợ TK 3332 – Thuế TTĐB

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán)

Có các TK 152, 153, 156 (nếu xuất hàng trả lại).

– Thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất TSCĐ, ghi:

Nợ TK 3332 – Thuế TTĐB

Có TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (nếu xuất trả lại TSCĐ)

Có TK 811 – Chi phí khác (nếu bán TSCĐ).

– Thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng hóa không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, được hoàn khi tái xuất, ghi:

Nợ TK 3332 – Thuế TTĐB

Có TK 138 – Phải thu khác.

đ) Kế toán thuế TTĐB phải nộp khi bán hàng hóa, TSCĐ, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được giảm, được hoàn: Khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về số thuế ở khâu bán được giảm, được hoàn, ghi:

Nợ TK 3332 – Thuế TTĐB

Có TK 711 – Thu nhập khác.

…c) Kế toán hoàn thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu

– Thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất hàng hóa, ghi:

Nợ TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán)

Có các TK 152, 153, 156 – Hàng hóa (nếu xuất hàng trả lại).

– Thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất TSCĐ, ghi:

Nợ TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)

Có TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (nếu xuất trả lại TSCĐ)

Có TK 811 – Chi phí khác (nếu bán TSCĐ).

– Thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng hóa không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, được hoàn khi tái xuất (ví dụ thuế nhập khẩu đã nộp khi nhập khẩu hàng phục vụ gia công, chế biến), ghi:

Nợ TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)

Có TK 138 – Phải thu khác.

– Khi nhận được tiền từ NSNN, ghi:

Nợ TK 112 – Tiền gửi ngân hàng

Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu).

d) Kế toán hoàn thuế bảo vệ môi trường đã nộp ở khâu nhập khẩu

– Thuế BVMT đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất hàng hóa, ghi:

Nợ TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán)

Có các TK 152, 153, 156 (nếu xuất hàng trả lại).

– Thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất TSCĐ, ghi:

Nợ TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường

Có TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (nếu xuất trả lại TSCĐ)

Có TK 811 – Chi phí khác (nếu bán TSCĐ).

– Thuế BVMT đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng hóa không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, được hoàn khi tái xuất, ghi:

Nợ TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường

Có TK 138 – Phải thu khác.

Quy định về thuế

Trích thông tư 78/2014/TT-BTC

20. Khoản tiền hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa đã thực xuất khẩu, thực nhập khẩu phát sinh ngay trong năm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp thì được tính giảm trừ chi phí trong năm quyết toán đó. Trường hợp khoản tiền hoàn thuế xuất, nhập khẩu của hàng hóa đã thực xuất khẩu, thực nhập khẩu phát sinh của các năm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trước thì tính vào thu nhập khác của năm quyết toán phát sinh khoản thu nhập. Khoản thu nhập này liên quan trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản thu nhập này được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản thu nhập này không liên quan trực tiếp lĩnh vực sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập khác.

3. Hoàn thuế TNCN, thuế nhà thầu…

3.1. Hướng dẫn hạch toán

Các khoản thuế này tùy theo nghĩa vụ của bên khấu trừ, nộp thay để xác định

  • Ghi Nợ TK 333X
    • Có TK 33X (Nếu phải trả lại bên đã bị khấu trừ thuế, ví dụ người lao động (TK 334)
    • Có TK Chi phí (Nếu doanh nghiệp trả thay phần thuế này)

3.2. Ví dụ minh họa

Ví dụ, cơ quan thuế ban hành quyết định hoàn thuế TNCN sau quyết toán

Khi đó hạch toán

  • Nợ TK 3335: 4.652.265
    • Có TK 334: Nếu phải trả lại cho người lao động
    • Có TK Chi phí (641, 642…): Nếu lương NET, doanh nghiệp chịu thuế thay cho người lao động

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.