Ở Việt Nam, thuế khi nhượng quyền thương hiệu gồm hai loại chính: Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) và Thuế Giá trị Gia tăng (GTGT). Bài viết trích dẫn một số trường hợp với bên Việt Nam và bên nước ngoài
Nội dung bài viết
Nhượng quyền với bên Việt Nam
Chính sách thuế khi nhượng quyền thương hiệu với bên Việt Nam có thể tóm tắt theo một số văn bản
- Doanh nghiệp nhận quyền sử dụng thương hiệu phải trả Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) trên số tiền doanh thu trả cho quyền sử dụng thương hiệu. Mức thuế suất thông thường là 20% trên lợi nhuận.
Lưu ý: Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng. Việc ấn định giá chuyển nhượng được căn cứ theo giá thẩm định của các tổ chức định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền xác định giá chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng theo đúng quy định.
-
Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại (bên chuyển nhượng – bên bán), phải lập hoá đơn GTGT giao cho bên nhận chuyển nhượng và phải kê khai thuế GTGT theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại (bên chuyển nhượng) không thực hiện lập hoá đơn theo quy định cơ quan thuế có quyền ấn định doanh thu để thực hiện truy thu thuế. Mức thuế GTGT thường là 10%, nhưng riêng với hoạt động nhượng quyền thì cần lưu ý một số trường hợp
- Không chịu thuế GTGT: Chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ; Nhượng quyền thương mại nếu có kèm theo chuyển quyền sở hữu trí tuệ
- Chịu thuế GTGT với thuế suất 10%: Nhượng quyền thương mại là quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ
Tham khảo công văn 631/TCT-CS
Tham khảo công văn 76195/CT-TTHT
- Trường hợp Trung tâm anh ngữ Cleverlearn Việt Nam có phát sinh hoạt động chuyển quyền sử dụng tên và logo “Cleverlearn Việt Nam” thì hoạt động này của Trung tâm thuộc hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
- Sau khi nhận được thương hiệu “Cleverlearn Việt Nam”, hàng tháng bên nhận chuyển nhượng phải thanh toán một khoản phí tương đương 8% trên tổng doanh thu thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Nhượng quyền với bên nước ngoài
Doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế đúng hạn theo quy định của cơ quan thuế. Ngoài ra, Việt Nam có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với một số quốc gia để tránh đánh thuế hai lần cho các giao dịch quốc tế, điều này có thể ảnh hưởng đến việc kê khai và nộp thuế. Hiện nay mức tỷ lệ thuế nhà thầu áp dụng:
- Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 10%
- Tỷ lệ (%) thuế GTGT tính trên doanh thu tính thuế là 5%
Tham khảo công văn 10453/BTC-CST
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh Khoản thu nhập được trả cho quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa mà phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì Khoản thu nhập này thuộc đối tượng chịu thuế TNDN và tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 10%.
Về thuế giá trị gia tăng (GTGT) Căn cứ quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều Luật Thuế giá trị gia tăng và Thông tư số 103/2014/TT- BTC, trường hợp doanh nghiệp nước ngoài nhận tiền từ hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa mà phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì phải chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT là 10% (nếu áp dụng theo phương pháp khấu trừ) hoặc tỷ lệ (%) thuế GTGT tính trên doanh thu tính thuế là 5% (nếu áp dụng theo phương pháp trực tiếp).
Tham khảo công văn 3159/CT-TTHT
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty ký hợp đồng nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu với tổ chức nước ngoài Checkpoint Systems (M) Sdn Bhd tại Malaysia thì thu nhập từ nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu của tổ chức nước ngoài (chuyển nhượng 03 năm, không nhượng quyền vĩnh viễn) thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu theo quy định. Trước khi thanh toán tiền cho phía nước ngoài, Công ty phải thực hiện khấu trừ thuế nhà thầu, kê khai và nộp thuế vào ngân sách nhà nước như sau:
– Về thuế giá trị gia tăng: Trường hợp Công ty nhượng quyền nhãn hiệu có kèm theo chuyển quyền sở hữu trí tuệ thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, Công ty không phải khấu trừ thuế GTGT của nhà thầu nước ngoài. Nếu là hợp đồng nhượng quyền sử dụng trong thời hạn 03 năm thì Công ty phải khấu trừ thuế GTGT nhà thầu để nộp vào ngân sách nhà nước như sau:
Số thuế GTGT phải nộp |
= |
Doanh thu tính thuế GTGT |
X |
tỷ lệ % GTGT tính trên doanh thu (5%) |
– Về thuế thu nhập doanh nghiệp:
Số thuế TNDN phải nộp |
= |
Doanh thu tính thuế TNDN |
X |
Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế (10%) |
Tham khảo công văn 6963/CT-TTHT
Trường hợp Công ty theo trình bày ký hợp đồng với Công ty Nakajima Susian (Nhật Bản), theo thỏa thuận tại hợp đồng Công ty được sử dụng tên Nakajima theo (thời hạn sử dụng quy định trong hợp đồng) để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty tại Việt Nam và trả 1 khoản phí tùy thuộc vào doanh thu phát sinh mỗi tháng thì tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ; Trước khi thanh toán cho tổ chức nước ngoài, Công ty có trách nhiệm kê khai, khấu trừ nộp thay thuế nhà thầu để nộp vào ngân sách nhà nước.
- Thuế GTGT khấu trừ theo tỷ lệ 5% trên doanh thu tính thuế GTGT
- Thuế TNDN khấu trừ theo tỷ lệ 10% trên doanh thu tính thuế TNDN (nhượng quyền thương mại)
Tham khảo công văn 5031/TCT-CS
- Trường hợp Công ty TNHH Bao bì Nexgen Việt Nam sử dụng “Giải pháp bảo vệ thương hiệu tích hợp” của Tập đoàn Valmarc để in nhãn đính vào sản phẩm của khách hàng, tức là sử dụng phần mềm dựa trên nền tảng mã vạch để truy xuất dãy số seri nhằm phân biệt các nhãn mác khác nhau trên bao bì sản phẩm nhằm theo dõi, kiểm soát, nhận diện thương hiệu, bảo vệ thương hiệu; vận chuyển, tiếp thị, theo dõi, kiểm soát hàng tồn kho…cho khách hàng là chủ thương hiệu thì thu nhập của Tập đoàn Valmarc từ việc cung cấp “Giải pháp bảo vệ thương hiệu tích hợp” là thu nhập từ bản quyền phần mềm thuộc đối tượng chịu thuế TNDN với tỷ lệ (%) tính trên doanh thu tính thuế là 10% và thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Trường hợp Công ty TNHH Bao bì Nexgen Việt Nam sử dụng nhãn hiệu của Tập đoàn Valmarc kể cả trường hợp nhãn hiệu này được thể hiện bằng mã vạch để in trên bao bì sản phẩm thì thuế nhà thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 15888/BTC-CST ngày 7/11/2016 của Bộ Tài chính.
Nhượng quyền với Cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp
|
=
|
Thu nhập tính thuế
|
x
|
Thuế suất 5%
|
Để hiểu rõ hơn về các quy định và mức thuế cụ thể, bạn nên tìm hiểu thông tin từ cơ quan thuế hoặc tư vấn từ các chuyên gia về thuế và luật doanh nghiệp.
Cơ sở pháp lý
- Căn cứ Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) ngày 19/06/2013;
- Căn cứ Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ngày 19/06/2013;
- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân (TNCN);
- Căn cứ công văn số 18115/BTC-TCT ngày 27/12/2013 của Bộ Tài chính về chính sách quản lý thu thuế hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại
Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2005
+ Tại Điều 18 quy định về quyền tác giả:
Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
+ Tại Điều 20 quy định về quyền tài sản:
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
e) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
– Căn cứ Khoản 2, khoản 5, khoản 11 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 19/06/2009:
“2. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
…
5. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
…
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.”
11. Điều 41 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 41. Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền
1. Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này theo thỏa thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu quyền tác giả.”
– Căn cứ Khoản 21 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT:
“21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.
Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”
– Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:
+ Tại khoản 3 điều 7 quy định về thu nhập chịu thuế TNDN:
“Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là các khoản thu nhập nhận được dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 4 Chương I Thông tư này), không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành hoạt động kinh doanh của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài. Thu nhập chịu thuế của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể như sau:
– Thu nhập từ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
– Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ).
“Quyền tác giả, quyền chủ sở hữu tác phẩm”, “Quyền sở hữu công nghiệp”, “Chuyển giao công nghệ” quy định tại Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành”
+ Tại khoản 2 Điều 13 quy định về tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với ngành kinh doanh:
“a) Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với ngành kinh doanh:
… Thu nhập từ bản quyền: 10% ”
Gia nhập Manabox từ 2017 và hiện đang đảm nhận vai trò làm Giám đốc vận hành, với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả cả về phương diện tình huống thực tiễn và cả góc độ quy định pháp lý.