Chương trình kiểm toán được tham khảo từ tài liệu do Hội kiểm toán Viên hành nghề Việt Nam VACPA chia sẻ: A510: Phân tích sơ bộ BCTC.
Nội dung bài viết
Chuẩn mực và người thực hiện
CMKiT số 315 yêu cầu KTV thực hiện thủ tục phân tích sơ bộ trong giai đoạn lập kế hoạch như là một thủ tục đánh giá rủi ro trợ giúp cho KTV xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Thủ tục phân tích có thể giúp KTV xác định sự tồn tại của các giao dịch, sự kiện bất thường, các số liệu, tỷ trọng và xu hướng có thể là dấu hiệu của các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc kiểm toán, từ đó, xác định được rủi ro có sai sót trọng yếu, đặc biệt là rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.
Đối với một số đơn vị nhỏ có thể không có các thông tin tài chính giữa niên độ hay hàng tháng để phục vụ cho việc phân tích: KTV có thể thực hiện một số thủ tục phân tích nhất định để phục vụ lập kế hoạch kiểm toán hoặc thu thập thông tin qua phỏng vấn nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục phân tích để xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ngay khi có dự thảo BCTC của đơn vị.
Người thực hiện Mẫu này là Trưởng nhóm kiểm toán và người phê duyệt là Chủ nhiệm kiểm toán và Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán.
Thời điểm thực hiện
Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, thuận lợi nhất là thực hiện vào thời điểm kiểm toán sơ bộ hoặc khi đơn vị đã lập và trình bày BCTC.
Cách thực hiện
Khi thực hiện phân tích sơ bộ, KTV thực hiện việc phân tích biến động, phân tích hệ số, phân tích các số dư bất thường.
Phân tích sơ bộ BCTC chủ yếu là phân tích Bảng CĐKT và phân tích Báo cáo KQHĐKD. Trong trường hợp cần thiết có thể cần phân tích cả Báo cáo LCTT và Thuyết minh BCTC.
(1) Phân tích biến động của Bảng CĐKT và Báo cáo KQHĐKD:
KTV thực hiện so sánh năm nay với năm trước kể cả về số tuyệt đối và tương đối cho các khoản mục chủ yếu là các khoản mục có số dư lớn, biến động lớn hoặc chỉ tiêu nhạy cảm (các khoản vay, nợ phải thu, lãi, lỗ…). KTV phải tìm hiểu và phỏng vấn khách hàng để tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá tính hợp lý của các khoản mục có biến động lớn, biến động bất thường (ví dụ, các khoản mục có biến động (tăng/giảm) lớn hơn mức trọng yếu thực hiện, hoặc trên 100% giá trị). Các biến động chưa thể giải thích được (nếu có) là vấn đề KTV cần quan tâm khi thực hiện kiểm toán.
(2) Phân tích hệ số:
Khi phân tích hệ số KTV thường tập trung vào 04 nhóm hệ số phổ biến như sau: (1) Hệ số thanh toán; (2) Hệ số đo lường hiệu quả hoạt động; (3) Khả năng sinh lời; (4) Hệ số nợ.
Việc phân tích các hệ số này thường chỉ giới hạn trong việc xem xét trường hợp có biến động lớn trong khả năng thanh toán, đánh giá khả năng thanh toán ngắn hạn, dài hạn, xem xét trường hợp có biến động lớn trong việc sử dụng vốn lưu động, khả năng sinh lời…, từ đó kiểm tra, đánh giá khả năng hoạt động liên tục của DN.
Khi phân tích hệ số, KTV dùng hiểu biết của mình về kế toán DN và phân tích tài chính để phát hiện các biến động hoặc xu hướng lạ, hay việc thay đổi đột ngột của chỉ số. Việc phân tích hệ số này giúp KTV phát hiện ra các rủi ro, từ đó đưa ra thủ tục kiểm toán phù hợp cho các rủi ro đó. Đây là quá trình KTV sử dụng xét đoán chuyên môn của mình để thực hiện.
(3) Phân tích các số dư lớn, nhỏ và bất thường:
Đối với từng loại hình DN, KTV phải quan tâm đến các chỉ tiêu riêng biệt, nếu có số dư có giá trị lớn hoặc nhỏ bất thường so với năm trước hoặc theo thông lệ, hoặc số dư bất thường (lần đầu xuất hiện tại DN…) thì cần giải trình rõ lý do. Ví dụ: số dư quỹ tiền mặt lớn (tồn quỹ 10 tỷ đồng trong khi mức chi hàng ngày bằng tiền mặt bình quân là 300 triệu…); ví dụ: DN sản xuất mà HTK rất ít trong điều kiện thị trường đang khan hiếm thì cũng là bất thường…
Lưu ý: KTV có thể thu thập thêm thông tin của các kỳ kế toán trước năm trước liền kề để phân tích và xem xét sự biến động của các chỉ tiêu trên BCTC một cách dài hạn nhằm xác định phù hợp xu hướng biến động và tính hợp lý của các chỉ tiêu.
Liên kết với giấy làm việc khác
Lấy thông tin trong Mẫu A710 về mức trọng yếu thực hiện để đối chiếu với các chỉ tiêu của BCTC sẽ giúp cho KTV xác định được rủi ro có sai sót trọng yếu.
Trưởng nhóm kiểm toán cần trao đổi với Chủ nhiệm kiểm toán về các rủi ro phát hiện trong quá trình phân tích sơ bộ. Các rủi ro này được trình bày tại mẫu này và tổng hợp về Mẫu A910 – Tổng hợp kế hoạch kiểm toán.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Việt Anh gia nhập Manabox từ năm 2017 và hiện đang làm Giám đốc vận hành tại Manabox Việt Nam. Với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả.