A810 Tổng hợp đánh giá rủi ro

Chương trình kiểm toán được tham khảo từ tài liệu do Hội kiểm toán Viên hành nghề Việt Nam VACPA chia sẻ: A810 Tổng hợp đánh giá rủi ro kiểm toán

Chuẩn mực và người thực hiện

CMKiT số 315, đoạn 25 yêu cầu để làm cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo, KTV phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở các cấp độ sau:

  • (a) Cấp độ BCTC
  • (b) Cấp độ cơ sở dẫn liệu của các nhóm giao dịch, số dư TK và thông tin thuyết minh.”

CMKiT số 315, đoạn 26 quy định để đạt được yêu cầu tại đoạn 25 nói trên, KTV phải:

  • (a) Xác định rủi ro thông qua quá trình tìm hiểu về đơn vị và môi trường của đơn vị, bao gồm tìm hiểu các kiểm soát phù hợp liên quan đến rủi ro và xác định rủi ro thông qua xem xét các nhóm giao dịch, số dư TK và thông tin thuyết minh trong BCTC;
  • (b) Đánh giá những rủi ro đã xác định và đánh giá liệu chúng có ảnh hưởng lan tỏa đến tổng thể BCTC và ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu hay không;
  • (c) Liên hệ những rủi ro đã xác định với các sai sót có thể xảy ra ở cấp độ cơ sở dẫn liệu và cân nhắc xem những kiểm soát nào KTV dự định kiểm tra;
  • (d) Cân nhắc khả năng xảy ra sai sót, kể cả khả năng xảy ra nhiều sai sót, và liệu sai sót tiềm tàng đó có dẫn đến sai sót trọng yếu hay không.

CMKiT số 315, đoạn 27 yêu cầu khi thực hiện quy trình đánh giá rủi ro quy định tại đoạn 25 nói trên, KTV phải dựa vào xét đoán chuyên môn để quyết định xem liệu rủi ro đã xác định có phải là rủi ro đáng kể hay không.

Người mô tả, đánh giá các rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát là các thành viên nhóm kiểm toán tham gia thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro (ví dụ: thành viên thực hiện các mẫu biểu A310, A410 – A460,…), có thể là Trưởng nhóm kiểm toán hoặc Trợ lý kiểm toán. Việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu là rủi ro kết hợp giữa rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát thường do Trưởng nhóm kiểm toán thực hiện. Người soát xét, phê duyệt là KTV hành nghề phụ trách cuộc kiểm toán hoặc Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán.

Thời điểm thực hiện

Biểu mẫu A810 được bắt đầu thực hiện khi thành viên nhóm kiểm toán xác định được các rủi ro cụ thể trong quá trình thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro. Việc phê duyệt lần đầu biểu A810 trước khi thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo. Biểu mẫu này được tiếp tục cập nhật trong quá trình kiểm toán, ví dụ: ngay cả sau khi KTV đánh giá các sai sót phát hiện.

Cách thực hiện

Các thành viên nhóm kiểm toán khi thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro (ví dụ khi thực hiện các thủ tục chấp nhận khách hàng và hợp đồng kiểm toán (A110/A120), khi tìm hiểu đơn vị và môi trường hoạt động của đơn vị (A310 – A314), khi tìm hiểu các chu trình kinh doanh chính (A410 – A460), khi phân tích tổng thể BCTC và xem xét dấu hiệu ảnh hưởng khả năng hoạt động liên tục (A500), khi xem xét rủi ro gian lận và đánh giá môi trường kiểm soát cấp độ toàn DN (A600),…) sẽ mô tả các nguồn gốc/yếu tố rủi ro tiềm tàng xác định được (có thể dẫn tới BCTC bị sai sót trọng yếu) tại biểu A810 này. Đồng thời, thành viên nhóm căn cứ vào mức trọng yếu và các yếu tố khác (được hướng dẫn dưới đây) để đánh giá mức rủi ro tiềm tàng, xem xét có phải là rủi ro đáng kể cũng như các khoản mục, cơ sở dẫn liệu bị ảnh hưởng. Đối với rủi ro kiểm soát, thành viên nhóm căn cứ vào các thông tin, đánh giá tại các giấy làm việc tìm hiểu KSNB của đơn vị để trình bày tại A810.

Biện pháp xử lý kiểm toán đề xuất đối với rủi ro cấp độ BCTC đã được xác định và đánh giá sẽ được mô tả chi tiết tại biểu A810 này hoặc tham chiếu đến A220 – Chiến lược kiểm toán tổng thể (tại A220, KTV sẽ thiết kế biện pháp xử lý tổng thể phù hợp cho cuộc kiểm toán).

Biện pháp xử lý kiểm toán đề xuất đối với rủi ro cấp độ cơ sở dẫn liệu chủ yếu tập trung vào các thủ tục kiểm toán để xử lý rủi ro cụ thể đã xác định (thường rủi ro ở cấp độ cao hoặc trung bình). KTV có thể mô tả chi tiết các thủ tục kiểm toán phù hợp tại biểu A810 hoặc tham chiếu đến A820 hoặc CTKiT của khoản mục tương ứng mà tại đó đã mô tả thủ tục kiểm toán chi tiết. Các biện pháp xử lý kiểm toán tại A810 thường do thành viên thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro và xác định được rủi ro đề xuất. Trưởng nhóm kiểm toán hoặc KTV hành nghề phụ trách cuộc kiểm toán sẽ soát xét hoặc sửa đổi, bổ sung các thủ tục đã được đề xuất này để đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả.    

Một số hướng dẫn chi tiết về việc xác định và đánh giá rủi ro.

KTV phải sử dụng xét đoán chuyên môn trong việc đánh giá rủi ro. Đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu được thực hiện ở: 

  • Cấp độ BCTC; và
  • Cấp độ cơ sở dẫn liệu cho các nhóm giao dịch, số dư TK hoặc thông tin thuyết minh.

Rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ BCTC là những rủi ro có ảnh hưởng lan tỏa đến nhiều khoản mục trên BCTC và có ảnh hưởng tiềm tàng đến nhiều cơ sở dẫn liệu. Các rủi ro này có thể không phải là rủi ro có thể phát hiện được với các cơ sở dẫn liệu cụ thể tại các nhóm giao dịch, số dư TK hoặc thông tin thuyết minh. Các rủi ro này đại diện cho các tình huống có thể làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, ví dụ, BGĐ khống chế KSNB. Các rủi ro ở cấp độ BCTC có thể liên quan đến việc xem xét của KTV đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận [CMKiT số 315, đoạn 105].

Rủi ro ở cấp độ BCTC có thể xuất phát từ khiếm khuyết của môi trường kiểm soát (mặc dù các rủi ro này cũng có thể liên quan đến các yếu tố khác, như tình hình kinh tế suy giảm). Ví dụ, sự thiếu năng lực của BGĐ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đối với BCTC, do vậy, KTV cần phải có biện pháp xử lý tổng thẻ đối với rủi ro này [CMKiT số 315, đoạn 106].

Đánh giá rủi ro là bước tiếp theo sau khi xác định được rủi ro (nguyên nhân của rủi ro, ảnh hưởng có thể có đối với BCTC, khu vực BCTC và cơ sở dẫn liệu bị tác động) thông qua việc tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán.

Đánh giá rủi ro tiềm tàng

Để đánh giá được rủi ro tiềm tàng ở mức Thấp/Trung bình/Cao tại A810, KTV có thể thực hiện các thủ tục tại giấy làm việc bổ sung nhằm xem xét 2 thuộc tính của rủi ro: 

  • Khả năng xảy ra sai sót do rủi ro?
  • Mức độ tác động (về giá trị tiền) như thế nào nếu rủi ro xảy ra?

Khả năng một sai sót xảy ra: Xác suất rủi ro xảy ra là bao nhiêu? KTV nên đánh giá khả năng này đơn giản là cao, trung bình, hoặc thấp, hoặc có thể cho điểm số chẳng hạn từ 1 đến 5. Điểm số sẽ đưa ra một sự đánh giá chính xác hơn. Điểm càng cao thì khả năng rủi ro xảy ra càng cao. Khi đánh giá khả năng xảy ra của một sai sót, KTV có thể xem xét các vấn đề như: mức độ phức tạp của giao dịch, mức độ xét đoán, ước tính; khối lượng giao dịch có lớn không.

Độ lớn (mức độ tác động về giá trị tiền) như thế nào nếu rủi ro đã xảy ra: Nếu rủi ro đã xảy ra, tác động về giá trị tiền là bao nhiêu? Việc đánh giá này cần dựa trên giá trị cụ thể, như mức trọng yếu thực hiện. Nếu không có giá trị cụ thể, những người khác nhau sẽ có kết luận hoàn toàn khác biệt. Trong kiểm toán, giá trị cụ thể phải liên quan tới giá trị cấu thành một sai sót trọng yếu đối với tổng thể BCTC. Việc đánh giá này cũng có thể được đánh giá đơn giản là thấp, trung bình, hoặc cao, hoặc có thể cho điểm số từ 1 đến 5. Điểm càng cao thì độ lớn của rủi ro càng cao. 

Giấy làm việc bổ sung để đánh giá rủi ro (sử dụng phương pháp cho điểm số) được ví dụ trong bảng sau:

Mức trọng yếu: ….

 

 

Sự kiện/nguồn rủi ro

Tác động của yếu tố rủi ro

Cơ sở dẫn liệu

Đánh giá rủi ro

tiềm tàng

Rủi ro đáng kể? Y/N

 

Những khu vực nào của BCTC có thể có sai sót và sai sót theo cách nào?

PCAEV

Khả năng xảy ra

Tác động

Điểm kết

hợp

Tiếp tục tăng trưởng (mặc dù kinh tế suy thoái) và kiểm soát HTK kém

Vi phạm các khế ước vay

P

4

5

20

Y

Kế toán HTK được biết là đã từng gây ra sai sót.

Các số dư HTK có thể ghi nhận cao hơn/thấp hơn giá trị thực và có thể tác động đến tính đánh giá

CAEV

5

3

15

N

Các kiểm soát chung về CNTT yếu trong một số khu vực

Tính trung thực của dữ liệu có thể không đảm bảo hoặc dữ liệu có thể bị mất.

P

3

5

15

N

Kinh tế suy thoái

Có thể cần bút toán ghi giảm HTK

V

3

3

9

N

Tìm doanh thu mới ở các nước khác

Rủi ro về tỷ giá hối đoái trong ghi nhận các khoản phải thu.

A

2

2

4

N

Kinh tế suy thoái

Các khoản phải thu có thể khó thu hồi (ví dụ, ghi nhận quá giá trị thực)

V

1

3

3

N

 

 

Từ khóa:

 

 

Đánh giá khả năng (xác suất) xảy ra theo thang điểm 1-5

 

Đánh giá độ lớn (tác động bằng tiền) liên quan đến mức trọng yếu theo thang điểm 1–5

P = Tính lan tỏa (tất cả các cơ sở dẫn liệu)

1 = Xa vời

1 = Không trọng yếu

C = Tính đầy đủ

2 = Không thể

2 = Nhỏ

A = Tính chính xác

3 = Có thể

3 = Trung bình

E = Tính hiện hữu

4 = Rất có thể

4 = Lớn

V = Đánh giá

5 = Hầu như chắc chắn

5 = Trọng yếu

Bản ghi nhớ – Công ty Kumar

Giấy làm việc bổ sung để đánh giá rủi ro (sử dụng các tiêu chí đánh giá là Thấp, Trung bình, Cao) được ví dụ trong bản ghi nhớ cho một đơn vị được kiểm toán – Công ty Kumar như sau:

Mức trọng yếu = 3,000Є

Chúng tôi đã xác định và đánh giá các yếu tố rủi ro như sau:

Kinh tế suy thoái và phụ thuộc về kinh tế – rủi ro lan tỏa

  • Công ty Kumar phụ thuộc vào khách hàng chính là Công ty Nội thất Dephta, chiếm hơn 90% doanh thu. Nền kinh tế đang suy thoái, Dephta có thể hủy các đơn đặt hàng. Tác động có thể là Công ty Kumar vi phạm khế ước ngân hàng và ghi nhận tài sản vượt quá giá trị thực. Nếu ngân hàng thu hồi khoản vay, Công ty không thể tiếp tục hoạt động.

Đánh giá rủi ro: 

Khả năng xảy ra trung bình/mức độ ảnh hưởng trung bìn

 = Rủi ro trung bình.

Ghi nhận doanh thu 

  • Khả năng áp dụng không nhất quán các chính sách kế toán.

Đánh giá rủi ro: 

Khả năng xảy ra trung bình/Mức độ ảnh hưởng trung bình = Rủi ro trung bình, nhưng được giả định là rủi ro đáng kể theo CMKiT số 240 và được xử lý tương ứng. 

Tối thiểu hóa thuế – rủi ro lan tỏa

  • BGĐ thường mong muốn tối thiểu hóa gánh nặng thuế. Có thể có sự thiên lệch trong các ước tính của BGĐ, hoặc các bút toán ghi sổ có thể sử dụng nhưng không được phê duyệt. (tính đầy đủ, tính chính xác)

Đánh giá rủi ro: 

Khả năng cao/Mức độ ảnh hưởng trung bình = Rủi ro trung bình đến cao và phải được xem là một rủi ro đáng kể.

 

Các bên liên quan

  • Giao dịch với bên liên quan có thể bị thao túng dẫn đến doanh thu bị kê khống.

Đánh giá rủi ro: 

Khả năng xảy ra trung bình/Độ lớn trung bình = Rủi ro trung bình và phải được xem là một rủi ro đáng kể.

Sau khi các rủi ro kinh doanh và gian lận đã được xác định và đánh giá, cần xem xét sự tồn tại của các rủi ro đáng kể. Rủi ro đáng kể là rủi ro có sai sót trọng yếu được đánh giá là rất cao mà theo xét đoán của KTV phải đặc biệt lưu ý khi kiểm toán. 

Rủi ro đáng kể được đánh giá trước khi xem xét các kiểm soát giảm thiểu chúng. Rủi ro đáng kể được căn cứ trên rủi ro tiềm tàng (trước khi xem xét KSNB có liên quan) và không phải là rủi ro kết hợp (xem xét cả rủi ro tiềm tàng và rủi ro KSNB). Ví dụ, một công ty có HTK là kim cương với số lượng lớn sẽ có rủi ro tiềm tàng cao là bị mất cắp. Biện pháp xử lý của BGĐ là duy trì các biện pháp an ninh. Do đó rủi ro có sai sót trọng yếu sẽ thấp. Tuy nhiên, do rủi ro mất cắp (trước khi xem xét KSNB) có khả năng xảy ra cao và có tác động trọng yếu đến BCTC nên rủi ro này cần được xác định là “đáng kể”. 

Đánh giá rủi ro kiểm soát

Để phân loại được rủi ro kiểm soát ở mức Thấp/Trung bình/Cao tại A810, KTV tham chiếu đến các giấy làm việc tìm hiểu và đánh giá KSNB trên các mặt thiết kế và thực hiện (các giấy làm việc tại mục A400 và A610).

  • Trong một số trường hợp, khách hàng có thể có một số KSNB nhưng KTV xét đoán chúng không thích hợp với cuộc kiểm toán và do đó không thực hiện đánh giá. Trong trường hợp này, rủi ro kiểm soát sẽ được đánh giá là cao.
  • Các kiểm soát cụ thể (giao dịch) thông thường hoạt động (dẫn đến một rủi ro được đánh giá thấp) hoặc không hoạt động (dẫn đến một rủi ro được đánh giá cao). Điều này có nghĩa không có đánh giá về rủi ro kiểm soát là trung bình. Tuy nhiên, một số KTV đánh giá rủi ro kiểm soát là trung bình khi một kiểm soát không hoàn toàn có thể tin cậy trong hoạt động nhưng được kỳ vọng sẽ hoạt động trong đa số thời gian. Trường hợp này có thể có ở các đơn vị nhỏ.
  • Nếu KTV có kế hoạch dựa vào một rủi ro kiểm soát đã được đánh giá là thấp (ví dụ, để giảm phạm vi các thử nghiệm cơ bản), KTV phải thực hiện kiểm tra tính hoạt động hữu hiệu của các kiểm soát để hỗ trợ cho việc đánh giá này.

Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu

Trước khi kết luận không có rủi ro cụ thể cho một khu vực hoặc thuyết minh của BCTC, KTV cần xem xét sự tồn tại của các yếu tố có liên quan, như lịch sử các sai sót đã biết, mức độ nhạy cảm của tài sản/nợ phải trả đối với gian lận, khả năng BGĐ khống chế kiểm soát, và kinh nghiệm từ kỳ trước. 

Việc xác định rủi ro còn lại sau khi kết hợp rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát là vấn đề thuộc xét đoán chuyên môn. Sơ đồ dưới đây cho thấy việc kết hợp khác nhau của rủi ro, nhưng không thay thế cho xét đoán chuyên môn dựa trên hoàn cảnh cụ thể.

Rủi ro tiềm tàng

Rủi ro kiểm soát

Rủi ro có sai sót trọng yếu

 
 
 

H

H

H

 
 

H

M

M

 
 

H

L

M hoặc L

 
 

M

H

M

 
 

M

M

M

 
 

M

L

L

 
 

L

H

M/L

 
 

L

M

L

 
 

L

L

L

 
 

Ghi chú: L = Rủi ro thấp; M = Rủi ro trung bình; H = Rủi ro cao

Biện pháp xử lý đề xuất

Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ BCTC

  • Biện pháp xử lý tổng thể đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá ở cấp độ BCTC có thể bao gồm:
  • Nhấn mạnh với nhóm kiểm toán về sự cần thiết phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp, ví dụ: duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp cao khi kiểm tra tài liệu hoặc giải trình quan trọng bổ sung của BGĐ.
  • Bổ nhiệm các Thành viên nhóm kiểm toán có kinh nghiệm hoặc có kỹ năng chuyên môn đặc biệt, hoặc sử dụng chuyên gia ví dụ: lĩnh vực CNTT.
  • Tăng cường giám sát.
  • Kết hợp các yếu tố không thể dự đoán trước khi lựa chọn các thủ tục kiểm toán tiếp theo cần thực hiện.
  • Thực hiện những thay đổi chung đối với nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán, ví dụ: thực hiện các thử nghiệm cơ bản vào giai đoạn cuối kỳ thay vì giữa kỳ, hoặc thay đổi nội dung của các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập được bằng chứng kiểm toán thuyết phục hơn.
  • Hiểu biết của KTV về môi trường kiểm soát của đơn vị có ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong BCTC và do đó cũng ảnh hưởng đến biện pháp xử lý tổng thể. Môi trường kiểm soát hữu hiệu có thể cho phép KTV tin tưởng hơn vào KSNB và độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán bắt nguồn từ bên trong đơn vị và do đó, cho phép KTV thực hiện một số thủ tục kiểm toán vào giai đoạn giữa kỳ thay vì cuối kỳ. Tuy nhiên, các khiếm khuyết trong môi trường kiểm soát lại có ảnh hưởng ngược lại, ví dụ, KTV có thể thực hiện các thủ tục sau đối với môi trường kiểm soát không hiệu quả:
    • Thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán vào giai đoạn cuối kỳ thay vì giai đoạn giữa kỳ;
    • Thu thập thêm bằng chứng kiểm toán từ các thử nghiệm cơ bản;
    • Mở rộng phạm vi kiểm toán ra nhiều địa điểm hơn.
  • Việc xem xét những vấn đề trên có ảnh hưởng quan trọng đến phương pháp tiếp cận chung của KTV, ví dụ: tập trung vào thử nghiệm cơ bản hoặc phương pháp kết hợp thử nghiệm kiểm soát với thử nghiệm cơ bản (phương pháp kết hợp).

Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu: Xem hướng dẫn tại biểu A820

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.