A820: Tóm tắt rủi ro và biện pháp xử lý kiểm toán

Chương trình kiểm toán được tham khảo từ tài liệu do Hội kiểm toán Viên hành nghề Việt Nam VACPA chia sẻ: A820: Tóm tắt rủi ro và biện pháp xử lý kiểm toán

Chuẩn mực và người thực hiện 

CMKiT số 315, đoạn 25 yêu cầu KTV phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ BCTC và cấp độ cơ sở dẫn liệu của các nhóm giao dịch, số dư TK và thông tin thuyết minh để làm cơ sở cho việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo.

CMKiT số 330, đoạn 18 yêu cẩu KTV cho dù kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu như thế nào, KTV phải thiết kế và thực hiện các thử nghiệm cơ bản đối với từng nhóm giao dịch, số dư TK và thông tin thuyết minh trọng yếu.

Người thực hiện mẫu biểu A820 thường là Trưởng nhóm kiểm toán/KTV hành nghề phụ trách cuộc kiểm toán. Người soát xét mẫu biểu này là Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán.

Thời điểm thực hiện

Biểu mẫu A820 được thực hiện vào cuối giai đoạn đánh giá rủi ro nhằm xác định phạm vi các khu vực trọng yếu cần xử lý kiểm toán và tổng hợp rủi ro theo các khu vực kiểm toán, theo cơ sở dẫn liệu cụ thể, làm cơ sở đề xuất thủ tục kiểm toán tiếp theo. Việc đánh giá rủi ro không kết thúc tại một thời điểm. Trong quá trình kiểm toán có thể phát sinh thông tin mới và việc thực hiện các thủ tục kiểm toán có thể xác định thêm rủi ro, hoặc KSNB không hoạt động như dự định. Khi đó KTV phải sửa đổi lại đánh giá rủi ro ban đầu và xem xét ảnh hưởng đối với nội dung và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo. Do đó, biểu mẫu này cần được tiếp tục cập nhật trong suốt quá trình kiểm toán.

Cách thực hiện

Biểu A820 được xây dựng dựa trên kết quả của biểu A810 và một số giấy làm việc khác giúp xác định các khoản mục BCTC trọng yếu. Việc tổng hợp rủi ro theo từng khoản mục BCTC sẽ giúp liên kết và phù hợp với cách phân chia công việc kiểm toán và lưu trữ HSKiT theo từng nhóm khoản mục trên BCTC của CTKTM. Đối với khách hàng nhỏ, có ít yếu tố rủi ro, KTV có thể gộp 2 biểu A810 và A820 để đơn giản giấy làm việc, bằng cách trình bày dưới dạng ô bàn cờ (khoản mục trên BCTC trình bày theo dòng, yếu tố rủi ro trình bày theo cột) hoặc trình bày trong bảng excel để có thể lọc ra theo các tiêu chí khác nhau hoặc cách trình bày khác mà KTV thấy hợp lý. Tuy nhiên, dù trình bày theo cách nào, KTV vẫn phải đảm bảo ghi chép được các yếu tố rủi ro đã xác định ảnh hưởng đến BCTC và thực hiện đánh giá rủi ro theo các khoản mục trọng yếu trên BCTC theo từng cơ sở dẫn liệu, thể hiện mối liên kết với chương trình kiểm toán từng khoản mục BCTC.

Biểu A820 yêu cầu KTV đầu tiên xác định tất cả các khu vực/khoản mục BCTC trọng yếu hoặc dự kiến là trọng yếu cần thực hiện các thủ tục kiểm toán, giúp thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ý kiến về BCTC dựa trên các khía cạnh trọng yếu.

Các rủi ro đã được xác định và đánh giá tại A810 sẽ được trình bày vào A820 dưới dạng tóm tắt (hoặc tham chiếu) và được trình bày theo từng khu vực/khoản mục BCTC và cơ sở dẫn liệu có liên quan. Mô tả lý do của việc đánh giá rủi ro là nội dung công việc quan trọng  vì nó giúp cho việc thiết kế các biện pháp xử lý phù hợp và hiệu quả.

Đối với một cơ sở dẫn liệu của một khoản mục trọng yếu, nếu có nhiều yếu tố rủi ro cùng tác động, KTV xem xét ảnh hưởng của sự kết hợp này trước khi đánh giá mức độ rủi ro cho cơ sở dẫn liệu đó. KTV lưu ý giả sử hầu hết các khoản mục trên BCTC lớn hơn mức trọng yếu tổng thể, khi đó có thể (trong hầu hết các trường hợp) rủi ro tiềm tàng có sai sót (trước khi xét đến KSNB) cho hầu hết các cơ sở dẫn liệu sẽ là cao. Khi một khu vực của BCTC được đánh giá có rủi ro thấp cho tất cả các cơ sở dẫn liệu, KTV không cần ghi chép lặp lại cùng lý do cho từng cơ sở dẫn liệu nhưng cần ghi lại lý do tại sao tất cả các các cơ sở dẫn liệu lại được đánh giá là thấp.

Đối với biện pháp kiểm toán đề xuất cho các khoản mục BCTC, KTV cần lưu ý các nội dung sau:

  • Khi thiết kế các thủ tục kiểm toán tiếp theo, KTV phải:
  • Xem xét các lý do đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu cho từng nhóm giao dịch, số dư TK và thông tin thuyết minh, bao gồm:
  • Khả năng xảy ra sai sót trọng yếu do các đặc tính cụ thể của các nhóm giao dịch, số dư TK, hoặc thông tin thuyết minh có liên quan (rủi ro tiềm tàng);
  • Liệu việc đánh giá rủi ro có xem xét đến các kiểm soát có liên quan hay không (rủi ro kiểm soát), và nếu có, KTV phải thu thập bằng chứng kiểm toán để xác định xem các kiểm soát có hoạt động hiệu quả không (có nghĩa là: KTV dự định dựa vào tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát để xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thử nghiệm cơ bản);
  • Mức độ rủi ro được KTV đánh giá càng cao thì càng phải thu thập bằng chứng kiểm toán thuyết phục hơn.
  • Nếu KTV đã xác định rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá ở cấp độ cơ sở dẫn liệu là rủi ro đáng kể thì KTV phải thực hiện các thử nghiệm cơ bản để xử lý rủi ro này. Nếu chỉ thực hiện thử nghiệm cơ bản đối với một rủi ro đáng kể thì thử nghiệm cơ bản phải bao gồm kiểm tra chi tiết.
  • Nội dung của một thủ tục kiểm toán phản ánh mục tiêu của thủ tục đó (ví dụ: thử nghiệm kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản) và loại thủ tục (ví dụ: kiểm tra, quan sát, phỏng vấn, xác nhận, tính toán lại, thực hiện lại hay thủ tục phân tích). Nội dung của thủ tục kiểm toán là vấn đề quan trọng nhất cần xác định sau khi đã đánh giá rủi ro.
  • Các rủi ro được KTV đánh giá có thể ảnh hưởng đến cả loại thủ tục kiểm toán cần thực hiện và việc kết hợp các thủ tục kiểm toán. Ví dụ: khi KTV đánh giá có rủi ro cao, ngoài việc kiểm tra tài liệu, KTV có thể xác nhận với một bên thứ ba về sự đầy đủ của các điều khoản hợp đồng. Ngoài ra, các thủ tục kiểm toán nhất định có thể thích hợp đối với một số cơ sở dẫn liệu này hơn là đối với các cơ sở dẫn liệu khác. Ví dụ: liên quan đến doanh thu, các thử nghiệm kiểm soát có thể là biện pháp thích hợp nhất để xử lý rủi ro có sai sót về cơ sở dẫn liệu “tính đầy đủ”, trong khi các thử nghiệm cơ bản lại có thể là biện pháp thích hợp nhất để xử lý rủi ro có sai sót về cơ sở dẫn liệu “tính phát sinh”.
  • Khi cần thu thập bằng chứng kiểm toán thuyết phục hơn do mức độ rủi ro được đánh giá cao hơn, KTV có thể tăng số lượng bằng chứng, hoặc thu thập bằng chứng thích hợp hơn hoặc đáng tin cậy hơn, bằng cách tập trung thu thập bằng chứng từ bên thứ ba hoặc thu thập bằng chứng xác nhận từ một số nguồn độc lập.
  • Lịch trình thực hiện thủ tục kiểm toán đề cập đến thời điểm thực hiện thủ tục kiểm toán, hoặc khoảng thời gian hay ngày mà bằng chứng kiểm toán được thu thập. Ví dụ: khi một rủi ro được đánh giá là cao, KTV phải: thực hiện quan sát HTK vào ngày kết thúc kỳ kế toán thay vì vào ngày trước hoặc sau ngày kết thúc kỳ kế toán, thu thập bằng chứng mới về suy giảm giá trị các khoản phải thu đến ngày lập BCKiT thay vì ngày thực hiện công việc kiểm toán tại đơn vị…. Khi xem xét cách thức xử lý rủi ro do gian lận, KTV có thể quyết định thực hiện các thủ tục kiểm toán mà không thông báo trước hoặc vào những thời điểm bất ngờ (ví dụ: thực hiện các thủ tục kiểm toán tại các địa điểm đã chọn mà không cần thông báo trước).
  • Phạm vi của các thủ tục kiểm toán đề cập đến số lượng cần thực hiện, (ví dụ: khi rủi ro được đánh giá là cao, KTV có thể giảm mức trọng yếu thực hiện thông qua yếu tố Rủi ro lấy mẫu, do đó tăng số lượng mẫu chọn).
  • KTV xác định phạm vi của thủ tục kiểm toán được xét đoán là cần thiết sau khi xem xét mức trọng yếu, các rủi ro được đánh giá và mức độ đảm bảo mà KTV dự kiến đạt được. Khi KTV đạt được mục đích nhờ thực hiện kết hợp các thủ tục kiểm toán thì phạm vi của mỗi thủ tục được xem xét riêng rẽ. Nói chung, KTV cần mở rộng phạm vi các thủ tục kiểm toán nếu rủi ro có sai sót trọng yếu tăng lên. Ví dụ: để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận, KTV có thể cần tăng cỡ mẫu hoặc thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản ở mức độ chi tiết hơn. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi thủ tục kiểm toán chỉ có hiệu quả nếu bản thân thủ tục kiểm toán là phù hợp với rủi ro cụ thể.
  • Các cách thức xử lý rủi ro thông thường bao gồm:
    1. Thay đổi cách tiếp cận kiểm toán. Ví dụ:
  • Chỉ thực hiện thử nghiệm cơ bản;
  • Kết hợp thực hiện thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản.
  1. Thay đổi nội dung, lịch trình, phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo đáp ứng các rủi ro được đánh giá có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Ví dụ:
    • Khi KTV đánh giá có rủi ro cao, ngoài việc kiểm tra tài liệu, KTV có thể xác nhận với một bên thứ ba về sự đầy đủ của các điều khoản hợp đồng.
    • Thực hiện các thủ tục kiểm toán tại các địa điểm được lựa chọn mà không thông báo trước; thực hiện thử nghiệm kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản tại giai đoạn giữa kỳ thay vì giai đoạn cuối kỳ.
    • Để xử lý rủi ro được đánh giá có sai sót trọng yếu do gian lận, việc tăng cỡ mẫu hoặc thực hiện các thủ tục phân tích trong thử nghiệm cơ bản ở mức chi tiết hơn có thể phù hợp.
    • Thu thập thêm bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy và phù hợp hoặc thông tin bổ sung để hỗ trợ các cơ sở dẫn liệu của BGĐ.
    • Thực hiện quan sát hiện vật hoặc kiểm tra một số tài sản nhất định.
    • Quan sát kiểm kê HTK mà không thông báo trước.
    • Thực hiện đánh giá thêm các dữ liệu HTK để xác định các khoản mục bất thường, giá trị bất thường và các khoản mục khác để thực hiện theo dõi.

Với các lưu ý nêu trên, để hỗ trợ KTV thiết kế biện pháp xử lý kiểm toán phù hợp, tại A820 đã bổ sung các câu hỏi như sau:

  • Số dư khoản mục có trọng yếu hoặc dự kiến là trọng yếu không?
  • Có cơ sở dẫn liệu nào không thể xử lý chỉ bằng thử nghiệm cơ bản không? Nếu có, thử nghiệm kiểm soát có thể phải được thực hiện.
  • Các KSNB đối với các dòng giao dịch/quy trình liên quan có đáng tin cậy không? Nếu có, cân nhắc việc thực hiện các thử nghiệm kiểm soát.
  • Có thực hiện được các thủ tục phân tích cơ bản (như đối với các dòng giao dịch liên quan) không? Nếu có, thực hiện các thủ tục phân tích để có thể giảm các thử nghiệm cơ bản khác
  • Có các rủi ro gian lận phải xử lý không? Nếu có, làm thế nào để rủi ro đó được xử lý.
  • Có các “rủi ro đáng kể” phải xử lý không?

Sau khi trả lời các câu hỏi trên, KTV xác định ảnh hưởng của các câu trả lời này và đề xuất biện pháp xử lý kiểm toán có thể bao gồm:

  • Thử nghiệm kiểm soát (là thủ tục được sử dụng để đánh giá tính hữu hiệu của các kiểm soát ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Khi rủi ro có sai sót trọng yếu được đánh giá ở mức thấp hoặc trung bình là do tin cậy vào KSNB, các thử nghiệm kiểm soát được thiết kế và thực hiện tại phần C);
  • Thử nghiệm cơ bản thông thường (là các thủ tục phổ biến được thực hiện trong hầu hết các cuộc kiểm toán để xử lý từng cơ sở dẫn liệu. Tuy nhiên các thủ tục này phải được thiết kế, sửa đổi để xử lý các rủi ro đã đánh giá và các thủ tục không cần thiết sẽ được bỏ đi. Trong các đơn vị được kiểm toán nhỏ, các thủ tục cơ bản này có thể là tất cả các thủ tục được yêu cầu để giảm rủi ro có sai sót trọng yếu xuống mức thấp có thể chấp nhận được);
  • Thử nghiệm cơ bản bổ sung (là thủ tục được thiết kế để xử lý các rủi ro cụ thể như rủi ro gian lận, rủi ro đáng kể,… Các thủ tục này thường được sử dụng để xử lý các cơ sở dẫn liệu có rủi ro cao));
  • Thủ tục phân tích cơ bản (có thể được sử dụng khi số tiền, như chi phí tiền lương, có thể dự tính được (dựa trên lương thời gian x thời gian làm việc) và sau đó so sánh với số tiền thực tế ghi nhận.

Các biện pháp xử lý kiểm toán đề xuất cho từng cơ sở dẫn liệu và khoản mục BCTC trọng yếu trình bày tại A820 thường chỉ dưới dạng mô tả tóm tắt (như chỉ thực hiện thử nghiệm cơ bản thông dụng hoặc kết hợp thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản hoặc tập trung thủ tục phân tích kết hợp với kiểm tra chi tiết,…) hoặc tham chiếu đến CTKiT của khoản mục (mà tại CTKiT đó đã thiết kế chi tiết các thủ tục kiểm toán phù hợp). Trường hợp cần nhấn mạnh hoặc lưu ý về một thủ tục kiểm toán để xử lý một rủi ro đáng kể cụ thể, KTV có thể mô tả tại biểu A820 này.

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.