Bài viết hướng dẫn xử lý kế toán IAS 12 Thuế thu nhập doanh nghiệp – Trình bày báo cáo tài chính. Hướng dẫn chi tiết có ví dụ minh họa đính kèm để người đọc hiểu trình tự.
Nội dung bài viết
Bù trừ
Đơn vị chỉ được bù trừ các tài sản thuế TNDN hiện hành và thuế TNDN hiện hành phải nộp khi và chỉ khi đơn vị:
-
- Có quyền hợp pháp bù trừ các khoản đã ghi nhận; và
- Dự định thanh toán trên cơ sở thuần hoặc sẽ thu hồi tài sản đồng thời với thanh toán nợ phải trả
Mặc dù tài sản thuế TNDN hiện hành và thuế TNDN hiện hành phải nộp được ghi nhận và xác định giá trị riêng rẽ, chúng có thể được bù trừ lẫn nhau khi trình bày trong Bảng cân đối kế toán nếu thỏa mãn các tiêu chí bù trừ áp dụng cho công cụ tài chính trong IAS 32. Đơn vị thường có quyền hợp pháp được bù trừ tài sản thuế TNDN hiện hành và thuế TNDN hiện hành phải nộp khi cả hai khoản thuế TNDN được quản lý bởi cùng một cơ quan thuế và cơ quan thuế cho phép đơn vị nộp hoặc nhận lại thuế trên cơ sở bù trừ.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất, tài sản thuế hiện hành của một đơn vị trong tập đoàn được bù trừ với thuế TNDN hiện hành phải nộp của một đơn vị khác trong cùng tập đoàn khi và chỉ khi các đơn vị đó có quyền hợp pháp được nộp hoặc nhận khoản thanh toán thuần duy nhất và các đơn vị đó có dự định nộp hoặc nhận khoản thanh toán thuần duy nhất đó, hoặc thu hồi tài sản đồng thời với thanh toán nợ phải trả.
Đơn vị chỉ được bù trừ tài sản thuế TNDN hoãn lại và thuế TNDN hoãn lại phải trả khi và chỉ khi:
- Đơn vị có quyền hợp pháp bù trừ tài sản thuế TNDN hiện hành với thuế TNDN hiện hành phải nộp; và
- Tài sản thuế TNDN hoãn lại và thuế TNDN hoãn lại phải trả liên quan tới thuế TNDN được quản lý bởi cùng một cơ quan thuế đối với:
- cùng một đơn vị chịu thuế; hoặc
- các đơn vị chịu thuế khác nhau có dự định thanh toán thuế TNDN hiện hành phải nộp và tài sản thuế TNDN hiện hành trên cơ sở thuần hoặc thu hồi tài sản đồng thời với việc thanh toán nợ phải trả trong mỗi kỳ tương lai khi các khoản thuế TNDN hoãn lại phải trả hoặc tài sản thuế TNDN hoãn lại có giá trị đáng kể được thanh toán hoặc thu hồi.
Để tránh phải lập biểu chi tiết về thời gian hoàn nhập từng khoản chênh lệch tạm thời, Chuẩn mực này yêu cầu đơn vị bù trừ giữa tài sản thuế TNDN hoãn lại với thuế TNDN hoãn lại phải trả của cùng đơn vị chịu thuế khi và chỉ khi chúng liên quan tới thuế phải nộp tại cùng một cơ quan thuế và đơn vị có quyền hợp pháp bù trừ tài sản thuế TNDN hiện hành với thuế TNDN hiện hành phải nộp.
Trong một số trường hợp hãn hữu, đơn vị có quyền hợp pháp bù trừ và có dự định thanh toán trên cơ sở thuần tại một số kỳ nhất định, nhưng không thỏa điều kiện ở những kỳ khác. Trường hợp này, đơn vị phải trình bày một biểu chi tiết để chỉ ra là thuế TNDN hoãn lại phải trả của một đơn vị chịu thuế có làm tăng khoản thanh toán thuế trong cùng một kỳ mà một tài sản thuế TNDN hoãn lại của một đơn vị chịu thuế khác sẽ làm giảm các khoản thanh toán của đơn vị chịu thuế thứ hai.
Chi phí thuế
Chi phí thuế TNDN (thu nhập thuế TNDN) liên quan đến lãi hoặc lỗ từ các hoạt động kinh doanh thông thường
Chi phí thuế TNDN (thu nhập thuế TNDN) liên quan đến lãi hoặc lỗ từ các hoạt động kinh doanh thông thường phải được trình bày trong phần lãi hoặc lỗ trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và thu nhập toàn diện khác.
Chênh lệch qui đổi tiền tệ cho thuế TNDN hoãn lại phải trả hoặc tài sản thuế TNDN hoãn lại của một cơ sở kinh doanh ở nước ngoài
IAS 21 quy định một số khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phải được hạch toán vào thu nhập hoặc chi phí nhưng không quy định cụ thể về trình bày các khoản chênh lệch này trên Báo cáo thu nhập toàn diện. Do đó, khi chênh lệch tỷ giá từ thuế TNDN hoãn lại phải trả ở nước ngoài hoặc tài sản thuế TNDN hoãn lại ở nước ngoài được ghi nhận vào Báo cáo thu nhập toàn diện, thì các chênh lệch này có thể được phân loại là chi phí (hoặc thu nhập) thuế hoãn lại nếu việc trình bày này được coi là hữu ích nhất cho người sử dụng báo cáo tài chính.
Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091
Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.
_______________
Việt Anh gia nhập Manabox từ năm 2017 và hiện đang làm Giám đốc vận hành tại Manabox Việt Nam. Với mong muốn chia sẻ kiến thức của bản thân, Việt Anh sẽ cung cấp những bài viết chất lượng nhất đến độc giả.