Xem xét chấp nhận khách hàng và đánh giá rủi ro hợp đồng kiểm toán

Hướng dẫn xem xét chấp nhận khách hàng và đánh giá rủi ro hợp đồng kiểm toán. Các hoạt động, mục đích và tài liệu kiểm toán lưu hồ sơ của công việc xem xét chấp nhận khách hàng và hợp đồng được trình bày như sau:

 

Quy trình chấp nhận/duy trì khách hàng

Các bước chính được mô tả như sau: 

Chuẩn mực và người thực hiện 

DNKiT phải xây dựng và thực hiện các chính sách và thủ tục về chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán để đảm bảo tuân thủ theo pháp luật về kiểm toán độc lập và các chuẩn mực nghề nghiệp.

Theo yêu cầu của VSQC1 và CMKiT số 220 – “KSCL hoạt động kiểm toán BCTC”, DNKiT cần thực hiện công việc chấp nhận khách hàng mới hoặc xem xét duy trì khách hàng cũ theo Mẫu A110 hoặc A120. Một khách hàng kiểm toán chỉ được thực hiện một trong hai mẫu: A110 (khách hàng mới) hoặc A120 (khách hàng cũ).

Người thực hiện Mẫu này là Chủ nhiệm kiểm toán và người phê duyệt là Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán. Trường hợp hợp đồng được đánh giá là rủi ro cao, nên có sự tham khảo ý kiến của Thành viên BGĐ khác (hoặc toàn bộ BGĐ) trước khi chấp thuận khách hàng. Điều này tùy thuộc vào chính sách quản lý chất lượng kiểm toán của từng DNKiT.

Thời điểm thực hiện

Mẫu này cần được lập và phê chuẩn trước hoặc vào ngày ký hợp đồng/thư hẹn kiểm toán.

Về thời điểm thực hiện và hoàn thành, đoạn A7, CMKiT số 300 – “Lập kế hoạch kiểm toán BCTC” hướng dẫn: “Các thủ tục ban đầu về việc tiếp tục chấp nhận khách hàng và đánh giá các yêu cầu về đạo đức, tính độc lập, cần được hoàn thành trước khi thực hiện các thủ tục kiểm toán quan trọng khác cho cuộc kiểm toán hiện tại. Đối với những hợp đồng kiểm toán năm tiếp theo, các thủ tục ban đầu này thường được thực hiện ngay sau khi hoặc cùng lúc hoàn thành cuộc kiểm toán trước” và “Trong suốt cuộc kiểm toán, khi có sự thay đổi hay phát sinh các điều kiện mới, KTV cần cân nhắc về việc tiếp tục duy trì khách hàng và chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, bao gồm tính độc lập”.

Cách thực hiện

  1. KTV thu thập thông tin, tài liệu, phỏng vấn khách hàng và trả lời các câu hỏi theo Mẫu.
  2. DNKiT phải xây dựng chính sách đánh giá rủi ro hợp đồng, căn cứ vào các yếu tố ngành nghề, mức độ quan tâm của công chúng, hiểu biết ngành nghề, trình độ công nghệ và đặc thù của nguồn nhân lực của DNKiT để đưa ra hướng dẫn về đánh giá mức độ rủi ro hợp đồng

Thông thường, một hợp đồng được đánh giá có mức độ rủi ro cao khi khách hàng có một trong các đặc điểm sau đây:

  • Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán;
  • Công ty đại chúng;
  • Công ty đang chuẩn bị hồ sơ để niêm yết trên thị trường chứng khoán;
  • Công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
  • Có nghi ngờ về tính chính trực của BGĐ/BQT;
  • Công ty đang có kiện tụng, tranh chấp;

Trong CTKTM, việc xem xét chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và đánh giá rủi ro hợp đồng được thực hiện theo 2 mẫu biểu:

  • Biểu A110/A120: đảm bảo DNKiT tuân thủ quy định tại đoạn 26, VSQC1 về năng lực chuyên môn và khả năng thực hiện hợp đồng, xem xét tính chính trực của đơn vị được kiểm toán và các yếu tố rủi ro khác có ảnh hưởng đến quyết định chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và đánh giá rủi ro hợp đồng;
  • Biểu A270: đảm bảo DNKiT và thành viên nhóm kiểm toán tuân thủ quy định tại đoạn 26, VSQC1, pháp luật về kiểm toán độc lập và chuẩn mực nghề nghiệp về việc xem xét đảm bảo tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan. Trong giai đoạn xem xét chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và hợp đồng kiểm toán, các câu hỏi/nội dung trong biểu A270 cần xem xét ở cấp độ DNKiT và các thành viên chủ chốt, các thành viên khác dự kiến tham gia cuộc kiểm toán.

DNKiT cần lưu ý một số quy định dưới đây trong các CMKiT và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán (sau đây gọi tắt là “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”) có liên quan đến việc xem xét chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và đánh giá rủi ro hợp đồng:

d1)  Đoạn 26, VSQC1 quy định: “DNKiT phải xây dựng các chính sách và thủ tục về việc chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và các hợp đồng dịch vụ cụ thể để có sự đảm bảo hợp lý rằng DNKiT sẽ chỉ chấp nhận hoặc duy trì quan hệ khách hàng và các hợp đồng dịch vụ nếu DNKiT:

  • Có đủ năng lực chuyên môn và khả năng để thực hiện hợp đồng dịch vụ, bao gồm thời gian và các nguồn lực cần thiết;
  • Có thể tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan;
  • Đã xem xét tính chính trực của đơn vị được kiểm toán/khách hàng và không có thông tin nào làm cho DNKiT kết luận rằng đơn vị được kiểm toán/khách hàng đó thiếu chính trực.

Đoạn A8, CMKiT 220 hướng dẫn những thông tin hỗ trợ Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán khi quyết định chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng và HĐKiT gồm:

  • Tính chính trực của các chủ sở hữu chính, thành viên chủ chốt của BGĐ và BQT;
  • Năng lực chuyên môn và khả năng của nhóm kiểm toán trong việc thực hiện cuộc kiểm toán (bao gồm thời gian, nguồn lực…);
  • Khả năng của DNKiT và nhóm kiểm toán trong việc tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan;
  • Các vấn đề trọng yếu phát sinh trong cuộc kiểm toán năm hiện hành hoặc năm trước và những ảnh hưởng đối với việc duy trì quan hệ khách hàng.

d2)  Để xem xét việc liệu DNKiT có đủ năng lực chuyên môn, khả năng và các nguồn lực để thực hiện một hợp đồng dịch vụ mới cho khách hàng mới hoặc khách hàng hiện tại hay không, đoạn A18, VSQC1 hướng dẫn: DNKiT phải soát xét các yêu cầu cụ thể của hợp đồng dịch vụ và năng lực của Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ và các thành viên khác có liên quan:

  • Cán bộ, nhân viên của DNKiT có hiểu biết về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động hoặc các vấn đề có liên quan hay không;
  • Cán bộ, nhân viên của DNKiT có kinh nghiệm về các quy định pháp lý, các yêu cầu báo cáo có liên quan hoặc có khả năng đạt được các kỹ năng và kiến thức cần thiết một cách hiệu quả hay không;
  • DNKiT có đủ nhân sự có năng lực chuyên môn và khả năng cần thiết hay không;
  • Có sẵn chuyên gia, nếu cần, hay không;
  • Có các cá nhân đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu về năng lực để thực hiện việc soát xét KSCL của hợp đồng dịch vụ hay không;
  • DNKiT có khả năng hoàn thành hợp đồng dịch vụ trong thời hạn phải đưa ra báo cáo hay không.

d3)  Đoạn A19, VSQC1 hướng dẫn ví dụ về các vấn đề cần xem xét liên quan đến tính chính trực của đơn vị được kiểm toán/khách hàng bao gồm:

  • Tên tuổi và danh tính của các chủ sở hữu chính, các thành viên chủ chốt của BGĐ và BQT đơn vị được kiểm toán/khách hàng;
  • Đặc điểm hoạt động của khách hàng, kể cả các thông lệ kinh doanh;
  • Thông tin liên quan đến quan điểm của các chủ sở hữu chính, các thành viên chủ chốt của BGĐ và BQT khách hàng về những vấn đề như việc tuân thủ các CMKT và môi trường KSNB;
  • Liệu khách hàng có quan tâm quá mức đến việc duy trì mức phí kiểm toán càng thấp càng tốt hay không;
  • Các dấu hiệu về sự hạn chế không phù hợp đối với phạm vi công việc của DNKiT;
  • Các dấu hiệu cho thấy khách hàng có thể tham gia vào việc rửa tiền hoặc các hoạt động phi pháp khác;
  • Lý do lựa chọn DNKiT và không tái bổ nhiệm DNKiT tiền nhiệm;
  • Tên tuổi và danh tính của các bên liên quan.

Mức độ hiểu biết của DNKiT về tính chính trực của đơn vị được kiểm toán/khách hàng sẽ tăng lên khi DNKiT tiếp tục mối quan hệ với đơn vị được kiểm toán/khách hàng đó.

Để thu thập thông tin về tính chính trực của khách hàng, đoạn A20, VSQC1 hướng dẫn DNKiT có thể thực hiện bằng cách:

  • Trao đổi với công ty cung cấp dịch vụ kế toán trước đây hoặc hiện tại cho khách hàng theo chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan, và thảo luận với các bên thứ ba khác;
  • Phỏng vấn các cán bộ, nhân viên khác của DNKiT hoặc các bên thứ ba như ngân hàng, luật sư và các công ty thuộc cùng lĩnh vực với khách hàng;
  • Tìm kiếm các cơ sở dữ liệu có liên quan.

Khi xem xét khả năng của DNKiT và nhóm kiểm toán trong việc tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, bao gồm tính độc lập, DNKiT cần xây dựng các chính sách, thủ tục để thu thập các thông tin cần thiết trong từng hoàn cảnh cụ thể để phát hiện các tình huống và mối quan hệ làm xảy ra xung đột lợi ích, ảnh hưởng đến tính độc lập. Các chính sách và thủ tục này cần đảm bảo:

  • Về phía DNKiT, khi xem xét tính độc lập, phải xem xét ở cả phạm vi DNKiT (bao gồm cả chi nhánh, các phòng ban, bộ phận cung cấp dịch vụ trong DNKiT) và phạm vi mạng lưới nếu DNKiT là công ty mạng lưới (đoạn 290.13, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp quy định: Nếu DNKiT là công ty mạng lưới, DNKiT sẽ phải độc lập với các khách hàng kiểm toán của các DN khác trong cùng mạng lưới. Các yêu cầu về tính độc lập trong Chương này áp dụng cho công ty mạng lưới cũng áp dụng cho bất kỳ đơn vị nào, chẳng hạn như bộ phận tư vấn, hay bộ phận luật, nếu thỏa mãn định nghĩa công ty mạng lưới, không phụ thuộc vào việc bản thân đơn vị đó có thỏa mãn định nghĩa về DNKiT hay không);
  • Đồng thời, về phía khách hàng, đoạn 290.27, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp quy định khi xác định và đánh giá các nguy cơ đe dọa tính độc lập cũng như áp dụng các biện pháp bảo vệ, đối với khách hàng kiểm toán là tổ chức niêm yết, DNKiT phải xem xét bao gồm cả các bên liên quan của khách hàng; đối với các khách hàng kiểm toán khác, DNKiT phải xem xét cả các bên có liên quan mà khách hàng kiểm toán nắm quyền kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp.

Do đó, DNKiT cần xây dựng cách thức, công cụ hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để đảm bảo thu thập được đầy đủ thông tin từ các cá nhân, đơn vị liên quan trong toàn hệ thống về khách hàng, bên liên quan của khách hàng,… nhằm phát hiện, xác định, xử lý các tình huống và mối quan hệ dẫn tới xung đột lợi ích và ảnh hưởng đến tính độc lập như duy trì hệ thống theo dõi, cập nhật danh sách khách hàng, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, cá nhân, đơn vị liên quan đến khách hàng; gửi các tài liệu tới các cá nhân, bộ phận thích hợp trong DNKiT (hoặc trong mạng lưới, tùy thuộc đặc điểm khách hàng, ví dụ như khách hàng là công ty đa quốc gia) nhằm kiểm tra xung đột lợi ích trước khi chấp nhận khách hàng (conflict of interest search).

Các chính sách và thủ tục về xác định, đánh giá và áp dụng biện pháp bảo vệ tính độc lập của DNKiT phải phù hợp với khách hàng là đơn vị có lợi ích công chúng và khách hàng không phải là đơn vị có lợi ích công chúng để đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp, trong đó bao gồm Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Khi xem xét việc chấp nhận khách hàng, DNKiT cần kiểm tra các tình huống và mối quan hệ làm phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập đối với DNKiT, các thành viên chủ chốt và các thành viên khác dự kiến tham gia cuộc kiểm toán.

Việc xem xét tính độc lập được thực hiện từ giai đoạn chấp nhận khách hàng và hợp đồng dịch vụ và cần được cập nhật, xem xét liên tục trong cả cuộc kiểm toán. CMKiT số 220 quy định trong suốt cuộc kiểm toán, Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán phải duy trì sự cảnh giác đối với những bằng chứng về việc các thành viên trong nhóm kiểm toán không tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan, thông qua quá trình quan sát và tiến hành tìm hiểu khi cần thiết; và Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán phải đưa ra kết luận về sự tuân thủ các quy định về tính độc lập được áp dụng trong cuộc kiểm toán.

Liên kết với giấy làm việc khác

Việc phê duyệt Mẫu này là cơ sở để thực hiện các phần tiếp theo như ký HĐKiT/thư hẹn kiểm toán. Mức độ đánh giá rủi ro hợp đồng làm cơ sở cho việc bố trí nhân sự kiểm toán, thời gian kiểm toán và đặc biệt là cân nhắc khi xác định mức trọng yếu. Tất cả các vấn đề này thuộc về xét đoán chuyên môn của KTV.

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.