KIỂM TOÁN KHÁCH HÀNG LÀ ĐƠN VỊ NHỎ

TỔNG HỢP CÁC ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI KIỂM TOÁN KHÁCH HÀNG LÀ ĐƠN VỊ NHỎ được đề cập tại Phụ lục 3 – Chương trình kiểm toán được tham khảo từ tài liệu do Hội kiểm toán Viên hành nghề Việt Nam VACPA chia sẻ.

Đoạn A64, CMKiT số 200 – “Mục tiêu tổng thể của KTV và DNKiT khi thực hiện kiểm toán theo CMKiT” hướng dẫn “khách hàng nhỏ” là đơn vị có những đặc điểm sau:

  • (a) …. Quyền sở hữu và quyền quản lý tập trung vào một số ít người (thường là một người – có thể là pháp nhân hay thể nhân sở hữu đơn vị);
  • (b) …. Có một hoặc một số đặc điểm sau đây:
    • (i) Các giao dịch rõ ràng hoặc không phức tạp;
    • (ii) Cách ghi chép, lưu trữ tài liệu kế toán đơn giản;
    • (iii) Có ít hoạt động SXKD: chỉ sản xuất hoặc mua bán một số loại sản phẩm, hàng hóa;
    • (iv) Có ít KSNB
    • (v) Có ít cấp độ quản lý mà mỗi cấp có trách nhiệm kiểm soát rộng;
    • (vi) Có ít nhân sự và thường phải kiêm nhiệm.

Những đặc điểm nêu trên chưa phải là tất cả và cũng không phải chỉ là những đặc điểm riêng có của các khách hàng nhỏ. Các khách hàng nhỏ không nhất thiết phải có tất cả các đặc điểm nêu trên.

  1. Khách hàng là đơn vị nhỏ là các khách hàng thỏa mãn tất cả các điều kiện sau:
  2. Mức độ rủi ro của khách hàng và hợp đồng được đánh giá là thấp;
  3. Nhóm kiểm toán dự đoán là sẽ có ít rủi ro có sai sót trọng yếu đối với BCTC của khách hàng;
  4. Đối với các TK và thuyết minh trọng yếu:
  • (i) Rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu là thấp;
  • (ii) Có thể thu thập được các bằng chứng liên quan đến hầu hết các cơ sở dẫn liệu của các TK và thuyết minh trọng yếu từ các thử nghiệm cơ bản;
  1. Nhóm kiểm toán không có ý định sử dụng KSNB để giảm thiểu phạm vi các thử nghiệm cơ bản;
  2. Dịch vụ này không phải là dịch vụ kiểm toán tập đoàn;
  3. Khách hàng không phải là công ty có lợi ích công chúng hoặc là một đơn vị của một công ty có lợi ích công chúng.
  4. Khi kiểm toán khách hàng là đơn vị nhỏ, KTV cần thực hiện xét đoán chuyên môn để xác định hình thức, nội dung và phạm vi tài liệu kiểm toán (có thể sửa đổi các mẫu biểu, nội dung các mẫu biểu trong CTKiT) cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể hợp đồng dịch vụ (như quy mô và độ phức tạp của đơn vị được kiểm toán). Đoạn A16 và A17, CMKiT số 230 hướng dẫn:

 “Tài liệu kiểm toán của cuộc kiểm toán đơn vị nhỏ thường có ít nội dung hơn so với cuộc kiểm toán đơn vị lớn. Ngoài ra, đối với cuộc kiểm toán mà nhóm kiểm toán chỉ bao gồm một Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán và một KTV hành nghề, trong đó KTV hành nghề trực tiếp thực hiện tất cả các công việc kiểm toán thì tài liệu kiểm toán sẽ không bao gồm các vấn đề phải được ghi chép lại để thông báo hoặc hướng dẫn các thành viên của nhóm kiểm toán (ví dụ, không có vấn đề nào cần phải ghi chép lại liên quan đến thảo luận nhóm). Tuy nhiên, KTV hành nghề phải tuân thủ yêu cầu về việc lập tài liệu kiểm toán sao cho KTV có kinh nghiệm có thể hiểu được, do tài liệu kiểm toán có thể bị soát xét bởi các đối tượng bên ngoài DNKiT theo quy định hoặc vì các mục đích khác.

Khi lập tài liệu kiểm toán cho cuộc kiểm toán đơn vị nhỏ, KTV có thể ghi chép nhiều nội dung của cuộc kiểm toán trên cùng một tài liệu, có tham chiếu đến giấy làm việc liên quan. Ví dụ về các nội dung có thể được trình bày trên cùng một tài liệu trong cuộc kiểm toán khách hàng nhỏ là: Hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và KSNB của đơn vị; Chiến lược kiểm toán tổng thể và kế hoạch kiểm toán; Mức trọng yếu, đánh giá rủi ro và các vấn đề quan trọng phát hiện trong quá trình kiểm toán và kết luận đạt được”.

Một số quy định và hướng dẫn trong các CMKiT liên quan đến kiểm toán khách hàng là đơn vị nhỏ được tổng hợp trong phụ lục số 2 đính kèm Tài liệu hướng dẫn này làm cơ sở cho DNKiT và KTV tham khảo trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Bảng tổng hợp các lưu ý khi kiểm toán khách hàng là đơn vị nhỏ theo quy định của 37 CMKiT (xem phụ lục 3). Các lưu ý khi kiểm toán khách hàng là đơn vị nhỏ, kèm với các quy định tương ứng trong 37 CMKiT được tổng hợp dưới đây:

CMKiT số 210 – HỢP ĐỒNG KIỂM TOÁN

Quy định (Đoạn 06(b)

Để xác định tiền đề của một cuộc kiểm toán, KTV phải đạt được thỏa thuận với BGĐ đơn vị được kiểm toán về việc BGĐ hiểu và thừa nhận trách nhiệm của họ (xem hướng dẫn tại đoạn A11 – A14, A20 Chuẩn mực này):

(i) Đối với việc lập và trình bày BCTC phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng, kể cả sự trình bày hợp lý, nếu thích hợp (xem hướng dẫn tại đoạn A15 Chuẩn mực này);

(ii) Đối với KSNB mà BGĐ xác định là cần thiết để đảm bảo cho việc lập và trình bày BCTC không còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn (xem hướng dẫn tại đoạn A16 – A19 Chuẩn mực này); 

(iii) Trong việc cung cấp cho KTV:

  • a. Quyền tiếp cận với tất cả tài liệu, thông tin mà BGĐ nhận thấy là có liên quan đến quá trình lập và trình bày BCTC như chứng từ kế toán, sổ kế toán và các tài liệu khác;
  • b. Các tài liệu, thông tin bổ sung mà KTV yêu cầu BGĐ cung cấp hoặc giải trình để phục vụ cho mục đích của cuộc kiểm toán;
  • c. Quyền tiếp cận không hạn chế đối với nhân sự của đơn vị được kiểm toán mà KTV xác định là cần thiết để thu thập bằng chứng kiểm toán.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A20 – hướng dẫn đoạn 06(b))

Mục đích của việc thỏa thuận về các điều khoản của hợp đồng kiểm toán là tránh hiểu lầm về trách nhiệm của BGĐ đơn vị được kiểm toán và của KTV. Ví dụ, khi có một bên thứ ba hỗ trợ việc lập và trình bày BCTC thì KTV cần lưu ý với BGĐ đơn vị là BGĐ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc lập và trình bày BCTC theo khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng.

CMKiT số 220 – KSCL HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN BCTC

Quy định (Đoạn 20-21)

Người soát xét việc KSCL của cuộc kiểm toán phải thực hiện đánh giá khách quan về các xét đoán quan trọng và các kết luận của nhóm kiểm toán để có thể hình thành BCKiT. Đánh giá này phải dựa trên:

  • (a) Thảo luận với Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán về các vấn đề trọng yếu;
  • (b) Soát xét BCTC và dự thảo BCKiT;
  • (c) Soát xét tài liệu, HSKiT được lựa chọn liên quan đến các xét đoán quan trọng và các kết luận của nhóm kiểm toán;
  • (d) Đánh giá các kết luận đưa ra để hình thành BCKiT và xem xét tính hợp lý của dự thảo BCKiT (xem hướng dẫn tại đoạn A26 – A27, A29 – A31 Chuẩn mực này).

Trong trường hợp kiểm toán BCTC của tổ chức niêm yết, người soát xét việc KSCL của cuộc kiểm toán phải xem xét các yếu tố sau:

  • (a) Đánh giá của nhóm kiểm toán về tính độc lập của DNKiT liên quan đến cuộc kiểm toán;
  • (b) Liệu nhóm kiểm toán đã tham khảo ý kiến tư vấn cần thiết về các vấn đề còn khác biệt về quan điểm, các vấn đề phức tạp hoặc dễ gây tranh cãi, và các kết luận thu được từ việc tham khảo ý kiến tư vấn hay chưa;
  • (c) Tài liệu, HSKiT được lựa chọn để soát xét có phản ánh các công việc đã thực hiện liên quan đến các xét đoán quan trọng và có hỗ trợ cho các kết luận của nhóm kiểm toán đưa ra hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A28 – A31 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A29 – hướng dẫn đoạn 20-21)

Ngoài việc kiểm toán BCTC các tổ chức niêm yết, soát xét việc KSCL của cuộc kiểm toán cũng có thể được áp dụng cho các cuộc kiểm toán khác theo quy định của DNKiT. Trong một số trường hợp, kiểm toán đơn vị nhỏ không cần phải thực hiện quy trình soát xét nếu không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cần phải thực hiện quy trình soát xét theo quy định của DNKiT.

CMKiT số 230 – TÀI LIỆU, HSKIT

Quy định (Đoạn 08)

KTV phải lập đầy đủ tài liệu kiểm toán để KTV có kinh nghiệm không tham gia cuộc kiểm toán dựa vào đó có thể hiểu được (xem hướng dẫn tại đoạn A2 – A5, A16 – A17 Chuẩn mực này):

  • (a) Nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán đã thực hiện tuân thủ các CMKiT, yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan (xem hướng dẫn tại đoạn A6 – A7 Chuẩn mực này);
  • (b) Kết quả của các thủ tục kiểm toán đã thực hiện và bằng chứng kiểm toán đã thu thập;
  • (c) Các vấn đề quan trọng phát sinh trong quá trình kiểm toán, kết luận đưa ra và các xét đoán chuyên môn quan trọng được thực hiện khi đưa ra các kết luận này (xem hướng dẫn tại đoạn A8 – A11 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A16, A17– hướng dẫn đoạn 08)

Tài liệu kiểm toán của cuộc kiểm toán đơn vị nhỏ thường có ít nội dung hơn so với cuộc kiểm toán đơn vị lớn. Ngoài ra, đối với cuộc kiểm toán mà nhóm kiểm toán chỉ bao gồm một Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán và một KTV hành nghề, trong đó KTV hành nghề trực tiếp thực hiện tất cả các công việc kiểm toán thì tài liệu kiểm toán sẽ không bao gồm các vấn đề phải được ghi chép lại để thông báo hoặc hướng dẫn các thành viên của nhóm kiểm toán (ví dụ, không có vấn đề nào cần phải ghi chép lại liên quan đến thảo luận nhóm). Tuy nhiên, KTV hành nghề phải tuân thủ yêu cầu ở đoạn 08 Chuẩn mực này về việc lập tài liệu kiểm toán sao cho KTV có kinh nghiệm có thể hiểu được, do tài liệu kiểm toán có thể bị soát xét bởi các đối tượng bên ngoài DNKiT theo quy định hoặc vì các mục đích khác.

Khi lập tài liệu kiểm toán cho cuộc kiểm toán đơn vị nhỏ, KTV có thể ghi chép nhiều nội dung của cuộc kiểm toán trên cùng một tài liệu, có tham chiếu đến giấy làm việc liên quan. Ví dụ về các nội dung có thể được trình bày trên cùng một tài liệu trong cuộc kiểm toán đơn vị nhỏ là: Hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và KSNB của đơn vị; chiến lược kiểm toán tổng thể và kế hoạch kiểm toán; mức trọng yếu (theo quy định của CMKiT số 320), đánh giá rủi ro, các vấn đề quan trọng phát hiện trong quá trình kiểm toán và kết luận đạt được.

CMKiT số 240 – TRÁCH NHIỆM CỦA KTV LIÊN QUAN ĐẾN GIAN LẬN TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM TOÁN BCTC

Quy định (Đoạn 17(a)

KTV phải phỏng vấn BGĐ đơn vị được kiểm toán về đánh giá của BGĐ về rủi ro có thể có sai sót do gian lận trong BCTC, bao gồm nội dung, phạm vi và tần suất của các đánh giá đó (xem hướng dẫn tại đoạn A12 – A13 Chuẩn mực này);

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A13 – hướng dẫn đoạn 17(a)

Tại một số đơn vị, đặc biệt là các đơn vị nhỏ, đánh giá của BGĐ có thể tập trung vào các rủi ro có gian lận và biển thủ tài sản do nhân viên gây ra.

Quy định (Đoạn 20)

Trừ khi toàn bộ Thành viên BQT đều tham gia vào BGĐ đơn vị được kiểm toán (theo đoạn 13 CMKiT số 260), KTV phải tìm hiểu cách thức mà BQT thực hiện chức năng giám sát quy trình xác định và xử lý rủi ro có gian lận trong đơn vị của BGĐ và KSNB mà BGĐ thiết lập để giảm thiểu các rủi ro này (xem hướng dẫn tại đoạn A19 – A21 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A21 – hướng dẫn đoạn 20)

Trong một số trường hợp, toàn bộ Thành viên BQT đều tham gia vào BGĐ, ví dụ, một đơn vị có quy mô nhỏ chỉ có một chủ sở hữu vừa làm công việc quản lý vừa làm công việc giám sát. Trường hợp này, KTV thường không cần tìm hiểu về hoạt động giám sát của BQT vì hoạt động giám sát không tách biệt với hoạt động quản lý.

Quy định (Đoạn 24)

KTV phải đánh giá xem các thông tin thu thập được từ các thủ tục đánh giá rủi ro khác và các hoạt động liên quan có dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của một hoặc nhiều yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận hay không. Mặc dù có các yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận nhưng chưa chắc chắn đã có gian lận, nhưng các yếu tố này thường xuất hiện khi các hành vi gian lận đã xảy ra và do đó có thể là dấu hiệu của rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận (xem hướng dẫn tại đoạn A23 – A27 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A27 – hướng dẫn đoạn 24)

Đối với đơn vị nhỏ, một số hoặc toàn bộ các vấn đề KTV cần xem xét có thể không phù hợp để áp dụng hoặc rất ít liên quan. Ví dụ, một đơn vị nhỏ có thể không có văn bản quy định về đạo đức và biện pháp chống gian lận nhưng đơn vị vẫn có thể xây dựng văn hóa DN, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tính chính trực và đạo đức nghề nghiệp thông qua tuyên truyền phổ biến và sự gương mẫu của BGĐ. Sự độc quyền về quản lý của một cá nhân riêng lẻ trong một đơn vị nhỏ thường không có nghĩa là BGĐ không có sự quan tâm hợp lý đối với KSNB và quy trình lập và trình bày BCTC của đơn vị. Trong một số đơn vị, việc BGĐ trực tiếp kiểm tra, phê duyệt có thể làm giảm bớt các khiếm khuyết trong kiểm soát và giảm rủi ro về gian lận của nhân viên. Tuy nhiên, sự độc quyền về quản lý của một cá nhân riêng lẻ có thể là một khiếm khuyết tiềm tàng vì khả năng BGĐ khống chế kiểm soát.

CMKiT số 260 – TRAO ĐỔI CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG VỚI BQT ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TOÁN

Quy định (Đoạn 18)

KTV phải trao đổi với BQT đơn vị được kiểm toán về hình thức, thời gian và nội dung dự kiến trao đổi (xem hướng dẫn tại đoạn A28 – A36 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A31 – hướng dẫn đoạn 18)

Khi kiểm toán các đơn vị nhỏ, KTV có thể trao đổi với BQT theo cách thức đơn giản hơn so với các tổ chức niêm yết hoặc công ty có quy mô lớn.

CMKiT số 265 – TRAO ĐỔI VỀ NHỮNG KHIẾM KHUYẾN TRONG KSNB VỚI BQT VÀ BGĐ ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TOÁN

Quy định

(Đoạn 07)

Dựa trên cơ sở công việc kiểm toán đã thực hiện, KTV phải xác định xem đã phát hiện được một hay nhiều khiếm khuyết trong KSNB hay chưa (xem hướng dẫn tại đoạn A1 – A4 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A3-A4 – hướng dẫn đoạn 07)

Mặc dù những khái niệm cơ bản về hoạt động kiểm soát của các đơn vị nhỏ có thể tương tự với những đơn vị lớn nhưng cách thức vận hành hoạt động kiểm soát tại các đơn vị này sẽ khác nhau. Hơn nữa, tại các đơn vị nhỏ, một số hoạt động kiểm soát nhất định có thể là không cần thiết do các kiểm soát trực tiếp của BGĐ. Ví dụ, việc chỉ có BGĐ được quyền cấp tín dụng cho khách hàng và duyệt những khoản mua lớn có thể tạo ra sự kiểm soát hữu hiệu đối với những số dư TK và giao dịch quan trọng, làm giảm hoặc loại bỏ sự cần thiết phải có những hoạt động kiểm soát chi tiết hơn.

Ngoài ra, các đơn vị nhỏ thường có ít nhân viên nên có thể hạn chế mức độ phân nhiệm. Tuy nhiên, trong một đơn vị nhỏ mà Giám đốc đồng thời là chủ sở hữu, Giám đốc có thể thực hiện chức năng giám sát hiệu quả hơn so với một đơn vị lớn. Mức độ giám sát của BGĐ càng cao thì khả năng BGĐ khống chế kiểm soát càng lớn.

Quy định

(Đoạn 09)

KTV phải trao đổi bằng văn bản một cách kịp thời (ví dụ dưới hình thức thư đề nghị, Thư quản lý) với BQT đơn vị được kiểm toán về những khiếm khuyết nghiêm trọng trong KSNB được phát hiện trong quá trình kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A12 – A18, A27 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A18- hướng dẫn đoạn 09)

Khi kiểm toán các đơn vị nhỏ, KTV có thể trao đổi với BQT theo một cách đơn giản hơn so với những đơn vị được kiểm toán lớn.

CMKiT số 300 – LẬP KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN BCTC

Quy định

(Đoạn 08)

Khi xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể, KTV phải (xem hướng dẫn tại đoạn A8 – A11 Chuẩn mực này):

  • (a) Xác định đặc điểm của cuộc kiểm toán nhằm xác định phạm vi kiểm toán
  • (b) Xác định mục tiêu báo cáo của cuộc kiểm toán nhằm thiết lập lịch trình kiểm toán và yêu cầu trao đổi thông tin;
  • (c) Xem xét các yếu tố mà theo xét đoán chuyên môn của KTV là có vai trò quan trọng trong việc xác định công việc trọng tâm của nhóm kiểm toán;
  • (d) Xem xét kết quả của các thủ tục ban đầu của cuộc kiểm toán cũng như những hiểu biết mà Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán đã thu được từ việc cung cấp các dịch vụ trước đây cho đơn vị được kiểm toán đó có phù hợp với cuộc kiểm toán này không;
  • (e) Xác định nội dung, lịch trình và phạm vi các nguồn lực cần thiết để thực hiện cuộc kiểm toán.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A11 – hướng dẫn đoạn 08)

Để kiểm toán các đơn vị nhỏ, chỉ cần một nhóm kiểm toán nhỏ. Các cuộc kiểm toán loại này có thể chỉ do một Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán và một KTV hành nghề thực hiện. Với một nhóm kiểm toán nhỏ, sự liên hệ và trao đổi giữa các thành viên trong nhóm được thực hiện dễ dàng hơn. Xây dựng chiến lược kiểm toán tổng thể cho cuộc kiểm toán nhỏ không cần phải phức tạp và mất nhiều thời gian, được thay đổi theo quy mô của từng đơn vị được kiểm toán, độ phức tạp của cuộc kiểm toán và quy mô của nhóm kiểm toán. Ví dụ, một bản ghi nhớ tóm tắt được lập khi kết thúc cuộc kiểm toán năm trước, dựa vào việc soát xét các giấy làm việc và các vấn đề nổi bật đã được xác định trong cuộc kiểm toán vừa hoàn thành, được cập nhật trong kỳ hiện tại dựa vào việc thảo luận với người đứng đầu đơn vị được kiểm toán, có thể được sử dụng như là chiến lược kiểm toán cho cuộc kiểm toán hiện tại nếu bản ghi nhớ này bao hàm được các công việc quy định ở đoạn 08 Chuẩn mực này.

Quy định

(Đoạn 11)

KTV phải xác định nội dung, lịch trình, phạm vi trong việc chỉ đạo, giám sát các thành viên trong nhóm kiểm toán và soát xét công việc của họ (xem hướng dẫn tại đoạn A14 – A15 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A15 – hướng dẫn đoạn 11)

Một cuộc kiểm toán các đơn vị, dù nhỏ thế nào thì cũng phải do một KTV hành nghề phụ trách cuộc kiểm toán thực hiện kiểm toán và một Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm soát xét và ký BCKiT.

Quy định

(Đoạn 12)

Theo quy định tại đoạn 08 – 11 và hướng dẫn tại đoạn A6 CMKiT số 230, KTV phải lưu vào HSKiT (xem hướng dẫn tại đoạn A16 – A19 Chuẩn mực này):

  • (a) Chiến lược kiểm toán tổng thể;
  • (b) Kế hoạch kiểm toán;
  • (c) Bất kỳ thay đổi quan trọng nào liên quan đến chiến lược kiểm toán tổng thể, kế hoạch kiểm toán và lý do của những thay đổi đó.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A19 – hướng dẫn đoạn 12)

Như hướng dẫn ở đoạn A11 Chuẩn mực này, một bản ghi nhớ tóm tắt phù hợp có thể được sử dụng như là chiến lược kiểm toán tổng thể cho một đơn vị được kiểm toán nhỏ. KTV có thể sử dụng CTKTM hay danh mục các thủ tục kiểm toán cần hoàn thành được xây dựng dựa trên giả định rằng, đơn vị nhỏ có ít hoạt động kiểm soát liên quan để làm kế hoạch kiểm toán, với điều kiện là các tài liệu này được sửa đổi phù hợp với từng cuộc kiểm toán và bao gồm cả các đánh giá rủi ro của KTV.

CMKiT số 315 – XÁC ĐỊNH VÀ ĐÁNH GIÁ RỦI RO CÓ SAI SÓT TRỌNG YẾU THÔNG QUA HIỂU BIẾT VỀ ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TOÁN VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA ĐƠN VỊ

Quy định

(Đoạn 06)

Thủ tục đánh giá rủi ro phải bao gồm các bước sau:

(a)       Phỏng vấn BGĐ và các cá nhân khác trong đơn vị mà theo xét đoán của KTV có khả năng cung cấp thông tin hỗ trợ cho việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn (xem hướng dẫn tại đoạn A6 Chuẩn mực này);

(b)        Thực hiện thủ tục phân tích (xem hướng dẫn tại đoạn A7 – A10 Chuẩn mực này);

(c)        Quan sát và điều tra (xem hướng dẫn tại đoạn A11 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A10 – hướng dẫn đoạn 06(b))

Một số đơn vị nhỏ có thể không có các thông tin tài chính giữa niên độ hay hàng tháng để phục vụ cho việc phân tích. Trong trường hợp này, mặc dù KTV có thể thực hiện một số thủ tục phân tích nhất định để phục vụ lập kế hoạch kiểm toán hoặc thu thập thông tin qua phỏng vấn nhưng KTV có thể cần phải có kế hoạch thực hiện thủ tục phân tích để xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ngay khi có dự thảo BCTC của đơn vị được kiểm toán.

Quy định

(Đoạn 10)

Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán và các thành viên chính trong nhóm kiểm toán phải thảo luận về khả năng BCTC của đơn vị có dễ xảy ra sai sót trọng yếu và việc áp dụng khuôn khổ về lập và trình bày BCTC có phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đơn vị không. Thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán phải quyết định những vấn đề cần thông báo cho các thành viên nhóm kiểm toán không tham gia thảo luận (xem hướng dẫn tại đoạn A14 – A16 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A16 – hướng dẫn đoạn 10)

Nhiều cuộc kiểm toán nhỏ có thể chỉ do một người (một KTV hoặc một Thành viên BGĐ) thực hiện. Trường hợp này, thành viên đó vừa là người chịu trách nhiệm thiết kế kế hoạch kiểm toán, vừa là người xác định sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn của BCTC, tuy nhiên vẫn phải có sự soát xét của một KTV hoặc một Thành viên BGĐ khác.

Quy định

(Đoạn 11(e))

KTV phải tìm hiểu việc đo lường và đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị (xem hướng dẫn tại đoạn A36 – A41 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A41 – hướng dẫn đoạn 11(e))

Các đơn vị nhỏ thường không có quy trình đo lường và đánh giá kết quả hoạt động. Việc phỏng vấn BGĐ sẽ cho KTV biết được thông tin về những chỉ tiêu chủ yếu để đo lường và đánh giá kết quả hoạt động và để có những biện pháp phù hợp. Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy đơn vị không thực hiện việc đo lường và đánh giá kết quả hoạt động thì có thể có sự gia tăng rủi ro có sai sót không được phát hiện và sửa chữa.

Quy định

(Đoạn 12)

KTV phải tìm hiểu các thông tin về KSNB của đơn vị có liên quan đến cuộc kiểm toán. Mặc dù hầu hết các kiểm soát liên quan tới cuộc kiểm toán thường liên quan tới BCTC nhưng không phải tất cả các kiểm soát liên quan tới BCTC đều liên quan đến cuộc kiểm toán. KTV phải sử dụng xét đoán chuyên môn để xác định kiểm soát nào, xét riêng lẻ hay kết hợp với kiểm soát khác, có liên quan tới cuộc kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A42 – A65 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A45, A49-A50 – hướng dẫn đoạn 12)

Các đơn vị nhỏ có thể sử dụng ít chức năng, ít thủ tục hơn và các quy trình, thủ tục đơn giản hơn để thực hiện mục tiêu của mình.

Các đơn vị nhỏ thường có ít nhân lực, do đó hạn chế trong việc phân chia trách nhiệm và quyền hạn. Tuy nhiên, trong đơn vị nhỏ mà người chủ sở hữu đồng thời là Giám đốc thì người đó có khả năng giám sát tốt hơn so với đơn vị lớn. Sự giám sát này có thể bù đắp những hạn chế trong việc phân chia trách nhiệm và quyền hạn.

Mặt khác, người chủ sở hữu đồng thời là Giám đốc cũng có nhiều khả năng hơn trong việc khống chế các kiểm soát do hệ thống KSNB có cơ cấu đơn giản hơn. KTV cần xem xét điều này khi xác định các rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.

Quy định

(Đoạn 14)

KTV phải tìm hiểu về môi trường kiểm soát của đơn vị. Trong quá trình tìm hiểu, KTV phải đánh giá liệu:

(a)        BGĐ, với sự giám sát của BQT, đã thiết kế và duy trì văn hóa trung thực và hành vi đạo đức hay chưa;

(b)        Các điểm mạnh của môi trường kiểm soát có kết hợp lại tạo thành cơ sở vững chắc cho các thành phần khác của KSNB hay không, và các thành phần đó có bị suy yếu do các khiếm khuyết của môi trường kiểm soát hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A69 – A78 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A76-A78 – hướng dẫn đoạn 14)

Môi trường kiểm soát trong đơn vị nhỏ thường khác biệt so với đơn vị lớn. Ví dụ: BQT trong đơn vị nhỏ có thể không có thành viên độc lập hoặc từ bên ngoài đơn vị và công tác quản trị có thể do Chính chủ sở hữu đồng thời là Giám đốc đơn vị đảm nhận, vì không có người sở hữu nào khác. Đặc điểm của môi trường kiểm soát có thể ảnh hưởng đến tầm quan trọng của các kiểm soát khác, hoặc ảnh hưởng đến việc không có các kiểm soát khác. Ví dụ, một chủ sở hữu kiêm Giám đốc năng động có thể làm giảm khả năng xảy ra rủi ro do thiếu sự phân chia trách nhiệm trong đơn vị nhỏ, tuy nhiên, điều này có thể làm gia tăng các rủi ro khác như rủi r

o các kiểm soát bị khống chế.

Ngoài ra, bằng chứng kiểm toán về các yếu tố trong môi trường kiểm soát ở các đơn vị nhỏ có thể không thể hiện bằng văn bản, như việc truyền đạt thông tin giữa BGĐ và nhân viên có thể theo hình thức không chính thức nhưng vẫn hiệu quả. Ví dụ, một đơn vị nhỏ có thể không có bộ quy tắc đạo đức kinh doanh bằng văn bản nhưng thay vào đó, đơn vị xây dựng văn hóa DN, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính chính trực và hành vi đạo đức thông qua lời nói và tấm gương của BGĐ.

Do vậy, khi tìm hiểu về môi trường kiểm soát của đơn vị nhỏ, KTV cần đặc biệt quan tâm đến quan điểm, nhận thức và hành động của BGĐ hoặc của chủ sở hữu đồng thời là Giám đốc đơn vị.

Quy định

(Đoạn 17)

Nếu đơn vị chưa có một quy trình hoặc đã có quy trình nhưng chưa được chuẩn hóa, KTV phải trao đổi với BGĐ đơn vị liệu các rủi ro kinh doanh liên quan tới mục tiêu lập và trình bày BCTC đã được phát hiện hay chưa và được xử lý thế nào. KTV phải đánh giá liệu việc không có văn bản quy định quy trình đánh giá rủi ro có phù hợp trong các trường hợp cụ thể hay không hoặc trường hợp không có văn bản quy định có cho thấy khiếm khuyết nghiêm trọng trong KSNB của đơn vị hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A80 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A80 – hướng dẫn đoạn 17)

Đơn vị nhỏ thường không có quy trình đánh giá rủi ro được thiết lập một cách chính thức. Trong trường hợp này, BGĐ thường phát hiện rủi ro thông qua việc trực tiếp tham gia vào công việc kinh doanh. Mặc dù vậy, KTV vẫn phải phỏng vấn về các rủi ro được phát hiện và cách thức BGĐ giải quyết những rủi ro này.

Quy định

(Đoạn 18(f))

KTV phải tìm hiểu về hệ thống thông tin liên quan đến việc lập và trình bày BCTC, bao gồm các quy trình kinh doanh có liên quan, gồm các kiểm soát đối với những bút toán, kể cả bút toán ghi sổ không thông dụng để ghi nhận các giao dịch không thường xuyên, các giao dịch bất thường hoặc các điều chỉnh (xem hướng dẫn tại đoạn A81 – A85 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A85 – hướng dẫn đoạn 18(f))

Trong các đơn vị nhỏ, hệ thống thông tin và các quy trình kinh doanh liên quan đến việc lập và trình bày BCTC thường ít phức tạp hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng so với các đơn vị lớn. Các đơn vị nhỏ có sự tham gia tích cực của BGĐ có thể không cần những hướng dẫn kế toán quá chi tiết, hệ thống sổ kế toán phức tạp hoặc các chính sách bằng văn bản. Do đó, khi kiểm toán một đơn vị nhỏ, KTV có thể dễ dàng tìm hiểu về hệ thống và các quy trình, đồng thời có thể dựa nhiều vào thủ tục phỏng vấn hơn thay cho soát xét tài liệu. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về hệ thống và các quy trình vẫn rất quan trọng ngay cả đối với cuộc kiểm toán các đơn vị nhỏ.

Quy định

(Đoạn 19)

KTV phải tìm hiểu cách thức đơn vị trao đổi thông tin về vai trò, trách nhiệm và các vấn đề quan trọng khác liên quan tới BCTC, gồm (xem hướng dẫn tại đoạn A86 – A87 Chuẩn mực này):

(a)     Trao đổi giữa BGĐ và BQT;

(b)     Thông tin với bên ngoài, ví dụ với các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A87 – hướng dẫn đoạn 19)

Việc trao đổi thông tin ở các đơn vị nhỏ có thể ít phức tạp và dễ dàng hơn so với các đơn vị lớn do có ít cấp quản lý và khả năng tiếp cận với BGĐ dễ dàng hơn.

Quy định

(Đoạn 20)

KTV phải tìm hiểu những hoạt động kiểm soát liên quan đến cuộc kiểm toán mà theo xét đoán của KTV là cần thiết để có thể đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu và thiết kế các thủ tục kiểm toán tiếp theo đối với rủi ro đã đánh giá. Đối với mỗi cuộc kiểm toán, KTV không bắt buộc phải tìm hiểu hết toàn bộ các hoạt động kiểm soát liên quan đến từng nhóm giao dịch, số dư TK, thông tin thuyết minh trên BCTC hoặc tới từng cơ sở dẫn liệu có liên quan (xem hướng dẫn tại đoạn A88 – A94 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A93-A94 – hướng dẫn đoạn 20)

Những nguyên tắc của hoạt động kiểm soát trong đơn vị nhỏ thường tương tự đối với đơn vị lớn, tuy nhiên cách hoạt động có thể có khác biệt. Ngoài ra, đối với các đơn vị nhỏ, một số hoạt động kiểm soát có thể không thích hợp vì đã có sự kiểm soát của BGĐ. Ví dụ, việc chỉ BGĐ có thẩm quyền cấp tín dụng cho khách hàng và phê duyệt các khoản mua sắm lớn có thể cho phép kiểm soát chặt chẽ các TK và giao dịch quan trọng, làm giảm hoặc loại bỏ nhu cầu sử dụng các hoạt động kiểm soát chi tiết khác.

Các hoạt động kiểm soát liên quan đến cuộc kiểm toán các đơn vị nhỏ thường nằm trong những chu trình kinh doanh chính như doanh thu, mua sắm và các chi phí nhân viên.

Quy định

(Đoạn 22)

KTV phải tìm hiểu những phương thức chủ yếu mà đơn vị sử dụng để giám sát KSNB về lập và trình bày BCTC, gồm các hoạt động kiểm soát có liên quan đến cuộc kiểm toán và cách thức đơn vị khắc phục các khiếm khuyết trong các kiểm soát của đơn vị (xem hướng dẫn tại đoạn A98 – A100 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A100 – hướng dẫn đoạn 22)

Việc BGĐ giám sát các kiểm soát thường thể hiện bằng sự tham gia sát sao của BGĐ hoặc chủ sở hữu đồng thời là Giám đốc vào các hoạt động của đơn vị. Điều này sẽ giúp BGĐ phát hiện ra các khác biệt đáng kể giữa thực tế so với dự kiến và phát hiện những dữ liệu tài chính không chính xác, từ đó đưa ra biện pháp sửa đổi phù hợp đối với kiểm soát đó.

CMKiT số 320 – MỨC TRỌNG YẾU TRONG LẬP KẾ HOẠCH VÀ THỰC HIỆN KIỂM TOÁN

Quy định (Đoạn 10)

Khi lập chiến lược kiểm toán tổng thể, KTV phải xác định mức trọng yếu đối với tổng thể BCTC. Trong những trường hợp cụ thể của đơn vị được kiểm toán, nếu có một hoặc một số nhóm các giao dịch, số dư TK hoặc thông tin thuyết minh (nếu xét riêng lẻ) có sai sót với mức thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể BCTC nhưng có thể ảnh hưởng (nếu xét tổng thể) đến quyết định kinh tế của người sử dụng BCTC, thì KTV phải xác định mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu áp dụng cho từng nhóm giao dịch, số dư TK hay thông tin thuyết minh (xem hướng dẫn tại đoạn A2 – A11 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A8 – hướng dẫn đoạn 10)

Khi lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh liên tục của một đơn vị hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận thường xuyên ở mức thấp, có thể do Giám đốc đồng thời là người chủ sở hữu DN đã thu lại phần lớn lợi nhuận trước thuế dưới dạng tiền lương và các khoản thu nhập khác thì tiêu chí lựa chọn để xác định mức trọng yếu là lợi nhuận trước tiền lương, các khoản thu nhập khác và thuế có thể sẽ phù hợp hơn.

CMKiT số 330 – BIỆN PHÁP XỬ LÝ CỦA KTV ĐỐI VỚI RỦI RO ĐÃ ĐÁNH GIÁ

Quy định

(Đoạn 7(a)-(i))

Khi thiết kế các thủ tục kiểm toán tiếp theo, KTV phải:

(a)       Xem xét các lý do đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu cho từng nhóm giao dịch, số dư TK và thông tin thuyết minh, bao gồm:

            (i)       Khả năng xảy ra sai sót trọng yếu do các đặc tính cụ thể của các nhóm giao dịch, số dư TK, hoặc thông tin thuyết minh có liên quan (rủi ro tiềm tàng);

           (ii)       Liệu việc đánh giá rủi ro có xem xét đến các kiểm soát có liên quan hay không (rủi ro kiểm soát), và nếu có, KTV phải thu thập bằng chứng kiểm toán để xác định xem các kiểm soát có hoạt động hiệu quả không (có nghĩa là: KTV dự định dựa vào tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát để xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thử nghiệm cơ bản) (xem hướng dẫn tại đoạn A9 – A18 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A18 – hướng dẫn đoạn 7(a)-(i))

Đối với các đơn vị nhỏ, KTV có thể không xác định được nhiều hoạt động kiểm soát, hoặc đơn vị có thể có rất ít tài liệu thể hiện sự tồn tại hoặc vận hành của các hoạt động kiểm soát đó. Trong trường hợp này, việc thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo mà chủ yếu là thử nghiệm cơ bản sẽ có thể hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hãn hữu, KTV sẽ không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nếu không có các hoạt động kiểm soát hay những thành phần khác của kiểm soát.

CMKiT số 402 – CÁC YẾU TỐ CẦN XEM XÉT KHI KIỂM TOÁN ĐƠN VỊ CÓ SỬ DỤNG DỊCH VỤ BÊN NGOÀI

Quy định

(Đoạn 09(a))

Khi tìm hiểu về đơn vị sử dụng dịch vụ, KTV của đơn vị sử dụng dịch vụ phải tìm hiểu về việc đơn vị này sử dụng các dịch vụ được cung cấp như thế nào trong các hoạt động của mình, bao gồm bản chất của các dịch vụ được cung cấp và tầm quan trọng của các dịch vụ này đối với đơn vị, kể cả ảnh hưởng của các dịch vụ đó đối với KSNB của đơn vị.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A5 – hướng dẫn đoạn 09(a))

Các đơn vị nhỏ có thể thuê dịch vụ kế toán bên ngoài, kể từ dịch vụ xử lý các giao dịch nhất định (ví dụ: thanh toán thuế TNCN) và thực hiện ghi sổ kế toán cho đến dịch vụ lập BCTC cho đơn vị. Việc thuê dịch vụ bên ngoài để lập BCTC không làm giảm bớt trách nhiệm của BGĐ và BQT đơn vị nhỏ (trong phạm vi phù hợp) đối với BCTC.

 

CMKiT số 540 – KIỂM TOÁN CÁC ƯỚC TÍNH KẾ TOÁN, BAO GỒM ƯỚC TÍNH KẾ TOÁN VỀ GIÁ TRỊ HỢP LÝ VÀ CÁC THUYẾT MINH LIÊN QUAN

Quy định

(Đoạn 08(b))

Khi thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan nhằm tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có KSNB của đơn vị, để có cơ sở xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu đối với các ước tính kế toán, KTV phải tìm hiểu cách thức BGĐ xác định các giao dịch, sự kiện và điều kiện có thể dẫn đến sự cần thiết phải ghi nhận hoặc thuyết minh các ước tính kế toán trong BCTC. Khi tìm hiểu vấn đề này, KTV phải phỏng vấn BGĐ về những thay đổi của hoàn cảnh có thể dẫn đến sự cần thiết phải đưa ra ước tính kế toán mới hoặc phải sửa đổi ước tính kế toán đã có (xem hướng dẫn tại đoạn A16 – A21 Chuẩn mực này);

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A21 – hướng dẫn đoạn 08(b))

Đối với các đơn vị nhỏ, việc tìm hiểu cách thức BGĐ xác định sự cần thiết của ước tính kế toán thường ít phức tạp hơn vì các hoạt động kinh doanh thường hạn chế và các giao dịch ít phức tạp hơn. Hơn nữa, thường thì một người duy nhất, có thể là Giám đốc đồng thời là chủ sở hữu đơn vị, sẽ xác định sự cần thiết phải lập ước tính kế toán và KTV có thể tập trung phỏng vấn người đó.

Quy định

(Đoạn 08(c)-(iii))

Khi thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan nhằm tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có KSNB của đơn vị, để có cơ sở xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu đối với các ước tính kế toán, KTV phải tìm hiểu cách thức BGĐ lập ước tính kế toán và hiểu biết về các dữ liệu làm cơ sở lập các ước tính đó, bao gồm việc BGĐ có sử dụng chuyên gia hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A29 – A30 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A30 – hướng dẫn đoạn 08(c)-(iii))

Tại các đơn vị nhỏ, trong các trường hợp cần phải lập ước tính kế toán, Giám đốc đồng thời là chủ sở hữu đơn vị thường có khả năng xác định giá trị ước tính cần thiết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn cần có chuyên gia. Việc thảo luận với Giám đốc đồng thời là chủ sở hữu đơn vị ngay từ giai đoạn đầu quá trình kiểm toán về bản chất các ước tính kế toán, tính đầy đủ của các ước tính kế toán cần thiết và sự thỏa đáng của quy trình ước tính có thể giúp Giám đốc đồng thời là chủ sở hữu đơn vị quyết định có cần sử dụng chuyên gia hay không.

Quy định

(Đoạn 13(a))

Để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá theo quy định tại đoạn 05 CMKiT số 330, KTV phải thực hiện một hoặc một số các biện pháp sau đây, trong đó có tính đến nội dung của các ước tính kế toán (xem hướng dẫn tại đoạn A59 – A61 Chuẩn mực này):

(a)       Xác định xem các sự kiện phát sinh cho đến ngày lập BCKiT có cung cấp bằng chứng kiểm toán liên quan đến ước tính kế toán hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A62 – A67 Chuẩn mực này);

(b)       Kiểm tra cách thức BGĐ lập ước tính kế toán và các dữ liệu làm cơ sở cho việc lập ước tính kế toán. Khi kiểm tra, KTV phải đánh giá liệu (xem hướng dẫn tại đoạn A68 – A70 Chuẩn mực này):

            (i)       Phương pháp đo lường được sử dụng có phù hợp với hoàn cảnh thực tế hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A71 – A76 Chuẩn mực này);

           (ii)       Các giả định mà BGĐ sử dụng có hợp lý theo mục tiêu đo lường của khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A77 – A83 Chuẩn mực này);

(c)        Kiểm tra tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát đối với cách thức BGĐ lập ước tính kế toán, cùng với các thử nghiệm cơ bản thích hợp (xem hướng dẫn tại đoạn A84 – A86 Chuẩn mực này);

(d)       Xây dựng giá trị ước tính hoặc khoảng giá trị ước tính để đánh giá giá trị ước tính của BGĐ. Vì mục đích này (xem hướng dẫn tại đoạn A87 – A91 Chuẩn mực này):

(i)    Nếu KTV sử dụng các giả định hoặc phương pháp khác với các giả định và phương pháp của BGĐ, KTV phải tìm hiểu đầy đủ về các giả định và phương pháp của BGĐ để đảm bảo rằng KTV đã tính đến tất cả các biến số có liên quan khi đưa ra giá trị ước tính hoặc khoảng giá trị ước tính của mình và để đánh giá bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào so với giá trị ước tính của BGĐ (xem hướng dẫn tại Đoạn A92 Chuẩn mực này);

(ii)   Nếu KTV kết luận rằng việc sử dụng một khoảng giá trị ước tính là thích hợp thì KTV phải dựa vào các bằng chứng kiểm toán đã có để thu hẹp khoảng giá trị ước tính cho đến khi tất cả các kết quả trong khoảng giá trị ước tính đó được coi là hợp lý (xem hướng dẫn tại đoạn A93 – A95 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A67 – hướng dẫn đoạn 13(a))

Khi khoảng thời gian từ ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày lập BCKiT là tương đối dài, việc KTV soát xét các sự kiện phát sinh trong khoảng thời gian này có thể là một phương pháp hữu hiệu đối với các ước tính kế toán không phải là ước tính về giá trị hợp lý. Biện pháp này đặc biệt phù hợp khi kiểm toán các đơn vị nhỏ có Giám đốc đồng thời là chủ sở hữu đơn vị, đặc biệt khi BGĐ không có các thủ tục kiểm soát chính thức đối với các ước tính kế toán.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A70 – hướng dẫn đoạn 13(b))

Tại các đơn vị nhỏ, quy trình lập ước tính kế toán có thể đơn giản hơn các đơn vị lớn. Các đơn vị nhỏ mà BGĐ tham gia trực tiếp vào việc quản lý có thể không có hướng dẫn chi tiết về các thủ tục kế toán, các sổ kế toán phức tạp, hoặc không có các quy định bằng văn bản. Thậm chí nếu đơn vị không có quy trình chính thức thì cũng không có nghĩa là BGĐ đơn vị không thể cung cấp cơ sở để KTV kiểm tra ước tính kế toán.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A86 – hướng dẫn đoạn 13(c))

Các đơn vị nhỏ có thể có các kiểm soát đối với quy trình lập ước tính kế toán, tuy nhiên hình thức hoạt động của các kiểm soát này có thể khác nhau. Hơn nữa, các đơn vị nhỏ có thể xác định rằng một số loại kiểm soát nhất định là không cần thiết vì BGĐ tham gia trực tiếp vào việc lập và trình bày BCTC. Tuy nhiên, đối với một số đơn vị rất nhỏ, có thể không có nhiều kiểm soát mà KTV có thể xác định được. Do đó, KTV có thể sử dụng thử nghiệm cơ bản để xử lý các rủi ro đã đánh giá, như thực hiện một hoặc một số trong các biện pháp quy định tại đoạn 13 Chuẩn mực này.

Quy định

(Đoạn 15(a))

Đối với các ước tính kế toán làm phát sinh rủi ro đáng kể, ngoài việc thực hiện các thử nghiệm cơ bản, KTV phải đánh giá BGĐ đã xem xét các giả định hoặc kết quả khác nhau như thế nào và lý do BGĐ không chọn các giả định hoặc kết quả đó, hoặc BGĐ đã xử lý sự không chắc chắn trong ước tính như thế nào khi lập ước tính kế toán (xem hướng dẫn tại đoạn A103 – A106 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A106 – hướng dẫn đoạn 15(a)

Các đơn vị nhỏ có thể sử dụng các phương tiện đơn giản để đánh giá sự không chắc chắn trong ước tính. Bên cạnh việc soát xét các tài liệu có sẵn, KTV có thể phỏng vấn BGĐ để thu thập thêm các bằng chứng kiểm toán khác về việc BGĐ xem xét các giả định hoặc kết quả khác. Ngoài ra, BGĐ có thể không có chuyên môn để xem xét các kết quả khác hay để đánh giá sự không chắc chắn trong các ước tính kế toán. Trong trường hợp đó, KTV có thể giải thích cho BGĐ về quy trình hoặc các phương pháp đánh giá khác sẵn có và hồ sơ, tài liệu liên quan. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi trách nhiệm của BGĐ đối với việc lập và trình bày BCTC.

CMKiT số 550 – CÁC BÊN LIÊN QUAN

Quy định

(Đoạn 14(a))

KTV phải phỏng vấn BGĐ đơn vị được kiểm toán, các cá nhân khác trong đơn vị và thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro khác được coi là phù hợp để tìm hiểu về các kiểm soát (nếu có) đã được BGĐ đơn vị được kiểm toán thiết lập để (xem hướng dẫn tại đoạn A15 – A20 Chuẩn mực này):

(a)    Xác định, hạch toán và thuyết minh các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan theo khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng;

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A20 – hướng dẫn đoạn 14(a))

Các đơn vị nhỏ thường có ít hoạt động kiểm soát hơn và có thể không có tài liệu ghi lại quá trình xử lý các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Một Giám đốc đồng thời là chủ DN có thể làm giảm hoặc làm tăng thêm một số rủi ro phát sinh từ các bên liên quan, thông qua việc tham gia chủ yếu vào các giao dịch. Đối với các đơn vị này, KTV có thể tìm hiểu các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan và các kiểm soát đối với các mối quan hệ và giao dịch đó, thông qua việc phỏng vấn BGĐ kết hợp với các thủ tục khác, như quan sát hoạt động giám sát và soát xét của BGĐ và kiểm tra các tài liệu có liên quan.

Quy định

(Đoạn 23(b))

Đối với các giao dịch quan trọng với các bên liên quan đã được xác định ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị, KTV phải thu thập bằng chứng kiểm toán cho thấy các giao dịch đã được cho phép và phê duyệt phù hợp (xem hướng dẫn tại đoạn A40 – A41 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A41 – hướng dẫn đoạn 23(b))

Một đơn vị nhỏ có thể không có các kiểm soát theo các cấp độ cho phép và phê duyệt khác nhau như ở một đơn vị lớn. Do đó, khi kiểm toán một đơn vị nhỏ, KTV có thể ít phụ thuộc hơn vào thủ tục cho phép và phê duyệt để làm bằng chứng kiểm toán cho tính hợp lệ của các giao dịch quan trọng với bên liên quan ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của đơn vị. Thay vào đó, KTV có thể cân nhắc thực hiện các thủ tục kiểm toán khác như: kiểm tra các tài liệu có liên quan, xác nhận các điều khoản cụ thể của các giao dịch với các bên liên quan, hoặc quan sát sự tham gia của Giám đốc đồng thời là chủ DN vào các giao dịch đó.

CMKiT số 570 – HOẠT ĐỘNG LIÊN TỤC

Quy định

(Đoạn 10)

Khi thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro theo quy định tại đoạn 05 CMKiT số 315, KTV phải xem xét liệu còn có các sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán hay không. Đồng thời, KTV phải xác định xem BGĐ đơn vị được kiểm toán đã đánh giá sơ bộ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay chưa, và (xem hướng dẫn tại đoạn A2 – A5 Chuẩn mực này):

(a)      Nếu BGĐ đơn vị được kiểm toán đã đánh giá, KTV phải thảo luận với BGĐ đơn vị về đánh giá đó và xác định xem BGĐ đơn vị có nhận thấy các sự kiện hoặc điều kiện, xét riêng lẻ hay kết hợp lại, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay không, và nếu có phải xem xét kế hoạch của BGĐ đơn vị đối với vấn đề này; hoặc

(b)     Nếu BGĐ đơn vị được kiểm toán chưa đánh giá, KTV phải thảo luận với BGĐ đơn vị về cơ sở của dự định sử dụng giả định hoạt động liên tục và phỏng vấn BGĐ đơn vị liệu có các sự kiện hoặc điều kiện, xét riêng lẻ hay kết hợp lại, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị hay không.

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A4-A5 – hướng dẫn đoạn 10)

Quy mô của một đơn vị có thể ảnh hưởng tới khả năng chống đỡ của đơn vị trước các điều kiện bất lợi. Các đơn vị nhỏ có thể có khả năng phản ứng nhanh nhạy để khai thác các cơ hội nhưng lại có thể thiếu các nguồn lực để duy trì hoạt động.

Các điều kiện đặc thù của đơn vị nhỏ bao gồm rủi ro bị ngân hàng và các chủ nợ khác ngừng hỗ trợ vốn cũng như nguy cơ mất nhà cung cấp chính, mất khách hàng lớn, mất nhân viên chủ chốt hoặc mất quyền kinh doanh theo hình thức cấp phép, nhượng quyền thương mại hoặc theo các hình thức đã được thoả thuận theo pháp luật khác.

Quy định

(Đoạn 12-13)

KTV phải xem xét các đánh giá của BGĐ đơn vị được kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị (xem hướng dẫn tại đoạn A7 – A9; A11 – A12 Chuẩn mực này).

Khi xem xét các đánh giá của BGĐ đơn vị được kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, KTV phải xem xét trong cùng giai đoạn mà BGĐ đơn vị đã sử dụng để đánh giá theo yêu cầu của khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng, hoặc theo pháp luật và các quy định – nếu pháp luật và các quy định yêu cầu một giai đoạn dài hơn. Nếu đánh giá của BGĐ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được thực hiện cho giai đoạn ít hơn 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán như quy định tại đoạn 05(a) CMKiT số 560, KTV phải yêu cầu BGĐ đơn vị được kiểm toán kéo dài giai đoạn đánh giá tới ít nhất là 12 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán (xem hướng dẫn tại đoạn A10 – A12 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A11-A12 – hướng dẫn đoạn 12-13)

Trong nhiều trường hợp, BGĐ của các đơn vị nhỏ có thể không lập bản đánh giá chi tiết về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, thay vào đó BGĐ có thể dựa vào kiến thức chuyên sâu về công việc kinh doanh và dự báo triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, theo quy định của Chuẩn mực này, KTV cần xem xét các đánh giá của BGĐ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị. Đối với các đơn vị nhỏ, KTV có thể thảo luận với BGĐ đơn vị về các nguồn tài chính trung và dài hạn của đơn vị, với điều kiện là luận điểm của BGĐ được chứng thực đầy đủ bởi các bằng chứng bằng văn bản và nhất quán với hiểu biết của KTV về đơn vị. Do đó, để thực hiện quy định tại đoạn 13 Chuẩn mực này về việc KTV phải yêu cầu BGĐ mở rộng các đánh giá, KTV có thể thảo luận, phỏng vấn và kiểm tra các tài liệu hỗ trợ, ví dụ xác minh hoặc xem xét tính khả thi của các đơn đặt hàng đã nhận để cung cấp hàng trong tương lai.

Đối với các đơn vị nhỏ, sự hỗ trợ liên tục của chủ sở hữu kiêm Giám đốc đơn vị thường có vai trò quan trọng đối với khả năng hoạt động liên tục của đơn vị. Khi một đơn vị nhỏ có nguồn tài trợ vốn chủ yếu từ một khoản vay của chủ sở hữu kiêm Giám đốc, điều quan trọng là nguồn tài trợ này sẽ không bị rút ra. Ví dụ, việc một đơn vị nhỏ có thường xuyên gặp phải các khó khăn về tài chính hay không có thể phụ thuộc vào việc chủ sở hữu kiêm Giám đốc chấp nhận cho đơn vị vay vốn với thứ tự ưu tiên hoàn trả sau các khoản vay ngân hàng và các khoản nợ khác, hay chủ sở hữu kiêm Giám đốc sẽ dùng tài sản cá nhân để bảo lãnh cho các khoản vay của đơn vị. Trong những trường hợp như vậy, KTV có thể thu thập các bằng chứng thích hợp bằng các tài liệu về việc cho vay hoặc bảo lãnh của chủ sở hữu kiêm Giám đốc. Khi một đơn vị nhận được các hỗ trợ bổ sung từ chủ sở hữu kiêm Giám đốc, KTV có thể cần xem xét khả năng thực hiện các nghĩa vụ trong cam kết hỗ trợ của chủ sở hữu kiêm Giám đốc. Bên cạnh đó, KTV có thể yêu cầu xác nhận bằng văn bản về các điều kiện và điều khoản đi kèm với sự hỗ trợ và về chủ ý hoặc cách hiểu của chủ sở hữu kiêm Giám đốc.

CMKiT số 720 – CÁC THÔNG TIN KHÁC TRONG TÀI LIỆU CÓ BCTC ĐÃ ĐƯỢC KIỂM TOÁN

Quy định

(Đoạn 02)

Trong Chuẩn mực này, “Tài liệu có BCTC đã được kiểm toán” được hiểu là các báo cáo thường niên (hay các tài liệu tương tự) được phát hành cho các chủ sở hữu (hoặc các bên thứ ba như ngân hàng, nhà cung cấp, khách hàng, cơ quan thuế, nhà đầu tư tương lai…), trong đó có BCTC đã được kiểm toán và BCKiT kèm theo. Chuẩn mực này cũng có thể được áp dụng cho các tài liệu khác như bản thông tin công bố khi phát hành chứng khoán (bản cáo bạch) như quy định tại đoạn 02 CMKiT số 200 (xem hướng dẫn tại đoạn A2 Chuẩn mực này).

Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị nhỏ (Đoạn A2 – hướng dẫn đoạn 02)

Nếu pháp luật hoặc các quy định không yêu cầu thì các đơn vị nhỏ thường không phát hành các tài liệu có BCTC đã được kiểm toán. Tuy nhiên, pháp luật và các quy định có thể yêu cầu BQT đơn vị được kiểm toán lập các tài liệu có BCTC đã được kiểm toán. Ví dụ về các thông tin khác trong tài liệu có BCTC đã được kiểm toán của các đơn vị nhỏ là báo cáo lãi lỗ chi tiết và báo cáo kế toán quản trị.

 

Liên hệ nếu quý khách cần tư vấn thêm: Ms Huyền Hotline/Zalo – 094 719 2091

Email: pham.thi.thu.huyen@manaboxvn.jp.

_______________

Công ty TNHH Manabox Việt Nam
Phòng 701, tầng 7, tòa nhà 3D center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Facebook: https://www.facebook.com/ManaboxVietnam

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.