Xử lý hành vi vi phạm với VPĐD của thương nhân nước ngoài

Thương nhân nước ngoài muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam cần thành lập và vận hành văn phòng đại diện tại Việt Nam theo đúng quy đinh pháp Luật Việt Nam. Trong quá trình thành lập và hoạt động, thương nhân nước ngoài cần lưu ý các hành vi vi phạm có thể dẫn tới khoản phạt hành chính.

Ảnh minh họa

1. Hoạt động khuyến mại

Bên cạnh tuân thủ các quy định về tổ chức, thực hiện khuyến mại, văn phòng đại diện cần lưu ý KHÔNG được thực hiện khuyến mại cho thương nhân mà mình đại diện; hoặc thuê thương nhân khác thực hiện khuyến mại cho thương nhân mà mình đại diện. Hành vi này nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Căn cứ điểm p, khoản 2, Điều 33, Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

2. Hoạt động trưng bày, giới thiệu hàng hóa dịch vụ

Văn phòng đại diện cần lưu ý các lỗi sau để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính

  • Trực tiếp trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của thương nhân mà mình đại diện tại các địa điểm không phải tại trụ sở của văn phòng đại diện đó;
  • Thực hiện trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của thương nhân mà mình đại diện khi chưa được sự ủy quyền của thương nhân đó.

Mỗi hành vi trên nếu vi phạm, Văn phòng đại diện sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, quy định tại Khoản 2, Điều 34, Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

3. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại

Một trong những hành vi mà Văn phòng đại diện cần tránh vi phạm đó là “trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân được đại diện mà chưa được sự ủy quyền của thương nhân đó”.

Hành vi này nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng căn cứ Điểm b, Khoản 4, Điều 35, Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

4. Thành lập và hoạt động văn phòng đại diện

Các hành vi dẫn tới vi phạm phải xử phạt hành chính trong thành lập và hoạt động văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài được quy định tại Điều 67, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh hoặc gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện;

b) Không thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định khi chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có địa điểm đặt trụ sở văn phòng đại diện hoặc cho thuê lại trụ sở văn phòng đại diện hoặc hoạt động không đúng địa chỉ ghi trong giấy phép thành lập văn phòng đại diện;

b) Không thực hiện báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không trung thực về hoạt động của văn phòng đại diện với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép theo quy định;

c) Không thực hiện báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của văn phòng đại diện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

d) Không làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện trong các trường hợp pháp luật quy định;

đ) Viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép thành lập văn phòng đại diện được cấp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Giả mạo các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hoạt động không đúng nội dung ghi trong giấy phép của văn phòng đại diện;

c) Người đứng đầu văn phòng đại diện kiêm nhiệm người đứng đầu chi nhánh của cùng thương nhân nước ngoài đó hoặc của thương nhân nước ngoài khác tại Việt Nam;

d) Người đứng đầu văn phòng đại diện kiêm nhiệm người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài;

đ) Người đứng đầu văn phòng đại diện kiêm nhiệm người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam;

e) Thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn giấy phép thành lập văn phòng đại diện.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tiếp tục hoạt động sau khi thương nhân nước ngoài đã chấm dứt hoạt động;

b) Tiếp tục hoạt động sau khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép thành lập văn phòng đại diện hoặc giấy phép hết hạn, không được gia hạn.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép thành lập văn phòng đại diện từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều này”.

Kết luận

Thương nhân nước ngoài mở văn phòng đại diện Việt Nam cần tìm hiểu các văn bản pháp luật để đảm bảo tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp Việt Nam, tránh các chi phí xử phạt không đáng có.

 

Dịch vụ thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh (ERC)

    Liên hệ với chúng tôi




    You cannot copy content of this page.

    Please contact with Manabox for more support.